EDM - quả bom bùng nổ của thị trường biểu diễn Việt Nam

Thứ Tư, 02/12/2015 06:52 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Có thể nói, nổi nhất của xu hướng biểu diễn bây giờ lại không phải là các ca sĩ thị trường hay sự trở lại của danh ca mà là… DJ. Năm nay, một lần nữa, EDM - âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử, mới là quả bom bùng nổ của thị trường biểu diễn.

Thị trường biểu diễn Việt đang diễn ra những điều  trái khoáy nhưng không thể giải thích. Những liveshow âm nhạc có sự tham gia của Khánh Ly thì chỉ “thắng” vài show đầu sau đó lịm dần. Đỉnh điểm là show diễn hôm 20/11 của bà và những người bạn tại Biên Hòa đã phải hủy vì không bán được vé.

Thị trường TP HCM gần như “biệt tăm” các liveshow. Chương trình Master Of Symphony gây được chú ý gần đây là nhờ sự xuất hiện của những divas và cũng sẽ chẳng thể thắng nữa nếu tiếp tục.

Nhưng EDM thì khác, dù là mỗi ngày, khắp hang cùng ngõ hẻm, chỉ cần có nhạc EDM, có chất Trance, House, là có khán giả.

“Quẫy” không cần đuôi

DJ Hoàng Anh, một trong những DJ có số má trong làng Trance Việt Nam nói rằng “xu thế EDM bây giờ là cơn bão, công chúng ngày càng phình to. Bọn tôi hay nói đùa “cá quẫy cần đuôi chứ tín đồ EDM thì chẳng cần, kiểu gì họ cũng quẫy được”.

Bằng chứng là tính trong năm 2015 có đến gần 40 festival EDM lớn nhỏ, đặc biệt TP.HCM đang trở thành một thánh địa với EDM.

Tất cả các DJ danh tiếng của nước ngoài đều kéo đến đây. Năm ngoái DJ Hardwell đến TP.HCM, vé không còn một chiếc. Thậm chí cổng bán vé trực tuyến của chương trình bị nghẽn mạng nhiều lần. Trong khi đó, nếu cần so sánh, sự có mặt của chàng trai Gangnam Style, PSY, lại ế ẩm, cuối cùng BTC phải “hoãn” show diễn.


Những hình ảnh rực lửa các đêm nhạc EDM đang trở thành phổ biến

Trong khi đó EDM cứ chơi là thắng. Hết Hardwell lại đến Steve Aoki, hết Fedde Le Grand lại đến Afrojack, Justin Prime, Dyro, VINAI và Ferry Corsten... Rồi mới đây lại có Mike Mine, Vegas, W&W và sắp tới lại là hai huyền thoại Tiesto rồi Armin Van Buuren…

Cần nhớ vào đầu năm 2015, chương trình The Remix – Hòa âm ánh sáng, trong lần ra mắt đầu tiên của mình đã thắng tuyệt đối, bứt hẳn những chương trình âm nhạc truyền hình thực tế khác. Và nghe nói, các ca sĩ muốn có mặt tại mùa thứ hai, đang phải… xếp hàng.

Sự bùng nổ của EDM cũng khiến nhiều nghệ sỹ Việt nhảy vào. Sau Thu Minh là đến Hồ Ngọc Hà, rồi đến Tiên Tiên, Đông Nhi, Sơn Tùng M-TP… Chính những sản phẩm âm nhạc điện tử ấy, đã khiến họ bùng nổ trên các sân khấu EDM.

Sự thành công của EDM tại Việt Nam có lẽ bắt nguồn từ xu thế festival đang ngày càng nở rộ. Xu thế này gắn kết mọi fan của EDM, xả stress, cùng hòa điệu trong một thứ âm nhạc chung được yêu thích. Tại chương trình Monsoon mới đây, những tiết mục EDM bao giờ cũng là phần lấy được nhiều mồ hôi của khán giả nhất.

Cuộc chơi riêng của các nhãn hàng

Nếu biết rằng, để một DJ danh tiếng như Calvin Harris đến Việt Nam thì tiền trả cho riêng anh, chưa kể những chi phí sân khấu, đi lại cho cả êkip, âm thanh ánh sáng… đã là 400 nghìn USD (hơn 8 tỉ đồng) thì sẽ hiểu rằng, ở Việt Nam chưa có nhà tổ chức tư nhân nào dám “liều” đến mức ấy.

Mà Calvin Harris vẫn còn kém một bậc so với Tiesto hay Armin Van Buuren sắp đến đây, hoặc trước đó Dimitri Vegas & Like Mine hay W&W… thì số tiền lên đến cả triệu (USD) để trả cho họ là bình thường.

Master Of Symphony - Quyền lực của 'các chị'

Master Of Symphony - Quyền lực của 'các chị'

Đêm diễn đầu tiên của chuỗi chương trình Master Of Symphony vừa diễn ra tại nhà hát Hòa Bình tối 20/11. Sự xuất hiện của 5 giọng ca: Thanh Lam, Hồng Nhung, Thu Phương.


Và vì thế, cuộc chơi hàng khủng này, sẽ gần như là của những nhãn hàng. MC Vũ Anh Tuấn, giờ là tổng đạo diễn âm nhạc của chương trình Hypersonic Music Festival, kể rằng để kéo được Dimitri Vegas & Like Mine đến Việt Nam thì BTC đã phải mất đến 6 tháng. Và câu hỏi đầu tiên mà họ nhận được từ phía nước ngoài là “khả năng tài chính của anh đến đâu?”.

Khi biết đứng sau chương trình là một hãng bia và tiền thì khỏi phải nghĩ, phía nước ngoài mới chịu gật đầu đến Việt Nam. Theo thông tin ngoài lề, một show như Hypersonic, mất cả năm trời đàm phán và thiết kế, đã ngốn tất cả khoảng 1 triệu USD.

Đây thật sự là cuộc chơi của tiền, không tiền thì quên khẩn trương. Cho nên hãy cứ quẫy tiếp tục cùng EDM dưới sự bảo trợ vàng của các nhãn hàng. Còn các nhà tổ chức tư nhân mà máu EDM đẳng cấp? Hãy xếp hàng chờ đến lượt.

Dự báo từ giờ đến cuối năm và lan sang cả năm 2016 sẽ tiếp tục là những DJ hàng đầu thế giới đến Việt Nam, trong đó có những DJ, sau khi chứng kiến sự hâm mộ cuồng nhiệt của các fan, đã hứa như đinh đóng cột “Tôi sẽ trở lại” (DJ Lange và Estiva).

Thời của EDM đã đến và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

EDM có thể được hiểu đơn giản nhất như tên đầy đủ của nó: Electronic Dance Music - nghĩa là âm nhạc được tạo ra từ các thiết bị điện tử. Đây là thể loại nhạc có tiết tấu mạnh, kế thừa từ nhạc Disco những năm 1970 và một chút cảm hứng từ Pop. EDM được cho là có nguồn gốc từ Mỹ, được phát triển mạnh mẽ qua các lễ hội nhạc nhảy (Dance Festival), và các câu lạc bộ. Chính vì vậy, hầu hết mọi người đều quen gọi EDM bằng cái tên chung là Dance music.

Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›