Edwin Land hay Steve Jobs giữa thế kỷ 20

Thứ Bảy, 04/03/2017 13:50 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ông chủ của Apple Steve Jobs coi ông như thần tượng, Andy Warhol ngất ngây vì kỹ thuật mới của ông: cách đây 7 thập kỷ Edwin Land trình làng bức ảnh đầu tiên mà người ta không phải đợi rửa phóng - một cuộc cách mạng trước thời hoàng kim của kỹ thuật số.

70 năm trước (năm 1947) mọi người được nhìn thấy bức hình chỉ 60 giây sau khi chụp ảnh, một cuộc cách mạng vĩ đại của nhiếp ảnh thời đó…

60 giây thực ra dài lắm

Phi hành gia Neil Armstrong hồi 1969 lập cập leo xuống thang sắt, phát ra câu nói nổi tiếng về bước chân vĩ đại của loài người rồi nhảy xuống bề mặt bụi bặm, lạnh lẽo của Mặt trăng. Nếu lúc ấy nhìn đồng hồ, ông sẽ biết là chừng ấy động thái lịch sử chỉ kéo dài có 57 giây.

Năm 1986, chính xác 58,788 giây sau khi rời bệ phóng, tàu vũ trụ Challenger nổ tung và đánh dấu thảm họa lớn nhất của hàng không vũ trụ có người lái.  

47 giây là độ dài của chuyến bay ngắn nhất của công ty hàng không Loganair, nối Westray và Papa Westray, hai hòn đảo thuộc Scotland, ngắn đến nỗi chưa ai kịp thắt dây an toàn.


Bức hình lịch sử này ra đời hôm 26/6/1946, 8 tháng trước khi ra mắt các nhà khoa học lần đầu và thuộc về những tấm Polaroid cổ nhất mà ĐH Harvard còn giữ được

Nhưng ở đây ta nói đến 60 giây lịch sử khác, vào hôm 21/2/1947, trong 60 giây đó chẳng có gì xảy ra cả, mà người ta chỉ hồi hộp đợi. Rồi tiếp đó là một phép màu kỳ diệu: các nhà khoa học của Hiệp hội Quang học Mỹ (Optical Society of America) tụ tập xung quanh nhà vật lý 37 tuổi Edwin Land ở khán phòng to nhất trong Hotel Pennsylvania (New York) không ngậm được mồm, khi ông rút trong máy ảnh ra một tấm ảnh dương bản sắc nét! Rồi sau này thế giới sẽ biết tên phát minh đó là Polaroid.  

Báo chí tung hô kỹ thuật của Land như một cuộc cách mạng. Chiến tích của ông không phải máy ảnh, mà loại phim hai lớp: khi phim âm bản bắt sáng, hình ảnh được truyền ngay lên giấy dương bản nhờ động tác rút ra (sau này sẽ có cái mô tơ nhỏ làm thay) nên hai lớp bị ép giữa hai trục tròn. Lực ép làm dàn đều một chất keo chứa hóa chất “rửa” ảnh và sau 60 giây là tấm hình trong khung trắng đặc trưng của Polaroid hoàn tất.

Polaroid chinh phục thế giới

Một năm rưỡi sau, người Mỹ bắt đầu sản xuất hàng loạt chiếc máy ảnh ma thuật, ngày ấy còn mang tên cha đẻ của nó, Land Camera Model 95, giá 89,50 USD. Hàng triệu chiếc máy Land Camera lan toả khắp năm châu, biến công ty xập xệ ra đời 1937 của ông thành một tên tuổi mang tầm toàn cầu.

Những ngày đầu, toàn bộ hãng nằm gọn trong nhà để xe, nhưng chẳng mấy chốc Polaroid (lấy tên từ phin lọc chắn sáng Polarizer vốn được dùng cho kính râm) nuôi sống 2 vạn nhân viên và biến ông chủ thành triệu phú. Sau này Steve Jobs thú nhận là đã tìm mọi cách làm quen Land bằng được, để học mót mọi ngón tiếp thị và quảng cáo của Land: “Đúng là một vị thánh của dân tộc ta!”.


Land Camera Model 95, máy ảnh lấy ngay đầu tiên, giá 89,50 USD

Thực tế Polaroid là Apple của giữa thế kỷ, như một một tôn giáo được các tín đồ quỵ lụy thần phục, không khác những người đắp chăn qua đêm trước cửa hiệu Apple để đợi mua iPhone đời mới bây giờ. Land một mình một sân khấu mỗi khi giới thiệu các đời Polaroid trước một màn hình lớn, cạnh đó là dàn nhạc hơi lớn. Hãng của ông làm ra video clip để tập huấn cho nhân viên bán hàng, trang bị chuỗi bán lẻ thống nhất v.v…

Mỗi lần ra mắt, ông cũng mời các ngôi sao sân khấu hay truyền thông đi cùng, như  Steve Allen, MC đình đám của The Tonight Show, hay nữ ca sĩ Margaret Whiting. Cái khác duy nhất với Jobs có lẽ chỉ là… chiếc T-shirt đen! Và lần nào ông cũng kể đi kể lại một câu chuyện cảm động – mà không ai rõ thực hư: Năm 1943 gia đình Land nghỉ mát ở… “Hôm đó thời tiết tuyệt đẹp. Mặt trời rực rỡ, xa xa là các đỉnh núi phủ tuyết. Chợt con gái 3 tuổi của tôi hỏi: Tại sao bố không cho con xem ảnh luôn?”. Câu hỏi đơn giản, nhưng vấn đề thì khó. “Tôi đi dạo một đoạn nữa, lúc quay về thì 99% ý tưởng mới đã nằm trọn trong đầu tôi”.    

Vui là chính, nhưng tiền cũng tốt

Những bức ảnh đầu tiên là do nhân viên của ông chụp dưới mọi điều kiện khác nhau để thử nghiệm. Và ai nấy đều vui vẻ hết cỡ. Land là người khéo léo biết biến công việc thành trò vui, khuyến khích nhân viên làm việc cật lực cho phát minh của mình. Ông mời các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng dùng thử và phân tích các ưu khuyết điểm của kỹ thuật mới.

Hôm nay Đại học Harvard, nơi Land từng là sinh viên, có một kho lưu trữ hàng vạn tấm ảnh thử nghiệm của Polaroid. “Nối được kinh tế và nghệ thuật là làm công nghiệp ở dạng lý tưởng” - Land luôn nhấn mạnh. Máy “in” ảnh ngày càng nhanh, và các động cơ mini thay thế cho động tác rút ảnh thủ công. Và loại phim mới khiến người dùng không phải xé phim khỏi giấy ảnh dương bản nữa, mà cứ để nguyên trên mặt giấy để thấy ảnh từ từ hiện ra như có bàn tay ma.   

Ông vua pop-art Andy Warhol hồi thập kỷ 1970 đổi hẳn phong cách sáng tác sau khi dùng máy Polaroid, và kỹ thuật của Land còn một điểm mạnh nữa: mỗi ảnh là một tác phẩm độc nhất vô nhị, như một bức tranh không thể có bản thứ hai như rửa ảnh từ phim âm bản. Thần tượng nhiếp ảnh Helmut Newton giữ lại những tấm Polaroid đầu tiên, ngày nay chúng có giá đến nửa triệu USD!


Nhà vật lý Edwin Land hồi 1947, bạn và thầy dạy môn tiếp thị cho Steve Jobs

Ngủ quên trên vòng nguyệt quế

1980, Land mệt mỏi rời thương trường với bọc tiền khoảng 150 triệu USD, rồi qua đời 11 năm sau. May mắn cho ông, đã không phải thấy Polaroid xuống dốc và tàn lụi. Trong phấn khích thành công người ta đã bỏ lỡ chuyến tàu mang tên kỹ thuật số.

Trong nháy mắt của máy ảnh đời mới, 60 giây Polaroid chợt trở nên chậm như rùa, lại còn không thể gửi đi cho bè bạn khắp thế giới nữa! Năm 2001 công ty của Land giải tán. Rồi trở lại với những nỗ lực gắng gượng, để rồi 2008 vỡ nợ hẳn. 2015 một nhà đầu tư hoài cổ lại vực nó dậy với 70 triệu USD - với tương lai mù mịt.

Nhiều nhà phân tích thị trường có vẻ vẫn lạc quan, chờ một thời phục hưng của ảnh lấy ngay. Fuji chẳng hạn, năm ngoái bán được hơn 5 triệu máy ảnh Polaroid! Hình như con người ngập ngụa trong thác lũ ảnh từ điện thoại thông minh và mong mỏi được trải nghiệm những gì thân quen, không bị phần mềm làm cho trơn tru bóng bẩy?

Thời gian thực ra vẫn có vận tốc không đổi. Trẻ con vẫn ê a ở tiết vật lý một định nghĩa vô cảm: “Giây là một khoảng thời gian bằng 9.192.631.770 thời lượng bức xạ tương ứng trong sự chuyển tiếp giữa hai mức năng lượng trong trạng thái cơ bản của nguyên tử caesium 133…”. Đã có lúc 60 giây rất nhanh khi nhìn ảnh chụp của Land, rồi lại rất chậm khi ta sử dụng iPhone, để rồi con người dần ngộ ra rằng, để mất 60 giây là sống ít đi 60 giây. Hãy yêu cuộc sống nhé!

Lê Quang
Thể thao & Văn hóa

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›