Cùng trò chuyện với ekip Chân Trời Rực Rỡ của Hà Anh Tuấn trước giờ G!
Chỉ còn vài giờ nữa, live-concert Chân Trời Rực Rỡ của Hà Anh Tuấn sẽ chính thức được diễn ra. Không còn phải bàn cãi quá nhiều về sự táo bạo của ekip Hà Anh Tuấn lần này, khi không chỉ mời huyền thoại new-age Kitaro về Việt Nam, mà còn đưa khán giả tới tận Ninh Bình để kể một câu chuyện âm nhạc kỳ vĩ về quê hương và nguồn cội. Đặc biệt, live-concert lần này sẽ còn có sự trở lại của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, người cộng sự vô cùng ăn ý của Hà Anh Tuấn với 2 album Cafe Sáng và Street Rhythm.
Với từng đấy màu sắc âm nhạc ấn tượng cùng thông điệp mang tính triết lý về nguồn cội, chắc chắn khán giả sẽ thấy một Hà Anh Tuấn rất khác trong Chân trời rực rỡ. Chiêm nghiệm hơn, trăn trở hơn, từng trải hơn và cũng an nhiên hơn. Để thỏa mãn một chút tò mò và phần nào mường tượng những gì sẽ được mang đến trong 2 ngày 24, 25/2 sắp tới ở Ninh Bình, hãy cùng chúng tôi trò chuyện với ekip chính của concert lần này, đó là tổng đạo diễn Cao Trung Hiếu, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh và giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng.
Đạo diễn Cao Trung Hiếu
Tại sao ekip lại quyết định chọn Ninh Bình - một địa điểm có phần xa lạ với khán giả đại chúng - làm nơi tổ chức cho concert lần này?
Sau khi làm đêm nhạc ở Sài Gòn, Hà Nội rồi Đà Lạt, Hội An, ekip nghĩ rằng tại sao mình không thử khám phá thêm những địa điểm khác nữa? Chúng tôi nghĩ đến rất nhiều địa danh và Ninh Bình là nơi mà chúng tôi lựa chọn. Ngoài lý do Hà Anh Tuấn rất muốn trở về và hát trên chính quê hương của mình, Ninh Bình còn là một vùng đất linh thiêng, chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử đã mang đến cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc khi quyết định làm đêm nhạc ở đây.
Về lại quê rồi thì… làm gì tiếp bây giờ? Âm nhạc đặt vào từng địa điểm phải là chất xúc tác để kể một câu chuyện ý nghĩa cho khán giả. Thế là ý tưởng về hành trình đi tìm chính bản thân mình và sự trở về với nguồn cội dần thành hình. Từ đó, chúng tôi tiếp tục đi tìm chất liệu âm nhạc phù hợp để kể câu chuyện này. May mắn làm sao, khi ngỏ lời với Kitaro, bác đã đề nghị hẹn gặp nhân chuyến lưu diễn tại Nhật từ 4 năm về trước, để lắng nghe và rồi quyết định đồng hành cùng chúng tôi.
Có nghĩa show diễn lần này xuất phát từ việc ekip muốn làm một concert ở Ninh Bình, rồi sau đó mới đi tìm những mảnh ghép còn lại? Ngoài việc trở về quê hương cùng câu chuyện lịch sử, còn lý do gì thôi thúc Hà Anh Tuấn và ekip quyết định rằng phải là Ninh Bình chứ không thể là nơi khác?
Ninh Bình là một địa điểm mới trong hành trình âm nhạc mà chúng tôi muốn khán giả đồng hành và trải nghiệm. Về mặt du lịch, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy còn quá nhiều thứ đẹp đẽ ở nơi này mà chưa được khám phá. Đi từ bờ Đông, bờ Tây… đâu đâu cũng là những cảnh đẹp. Trước hết chúng tôi muốn bản thân mình, đặc biệt là Hà Anh Tuấn, có một concert âm nhạc ngay giữa không gian cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Sau đó, chúng tôi mong muốn khán giả có thể chia sẻ cảm giác này cùng mình. Họ đi tham dự concert của Tuấn, rồi thăm thú thiên nhiên vào những ngày đầu xuân. Có rất nhiều những tham vọng khi chúng tôi quyết định chọn Ninh Bình chứ không đơn thuần chỉ là một địa điểm để tổ chức đêm nhạc. Dù vậy, lựa chọn này cũng mang đến rất nhiều rủi ro. Liệu khán giả có sẵn sàng lặn lội tới một nơi họ chưa biết nhiều không? Mỗi lần làm concert là một bài toán cần giải, và lại là một lần gây “stress” cho cả ekip nhưng “stress” trong sự nỗ lực có cả lo âu và niềm vui.
Cảm giác sự lựa chọn này giống như một sự đặt cược của cả ekip. Và bản thân thời tiết miền Bắc thời điểm này cũng đang vào đoạn hơi… dở dang.
Nếu làm một điều gì đó dễ dàng hơn như một đêm diễn ở TP.HCM hay Hà Nội thì quá đơn giản rồi. Vậy nên chúng tôi cũng nghĩ rằng đây sẽ là một thử thách cho chính bản thân mình.
Về thời tiết, tuy rằng rất khó đoán nhưng thời điểm đêm nhạc diễn ra trong tháng 2 này cũng do chính những người Ninh Bình gợi ý. Đất trời vừa vào xuân, Ninh Bình cũng rộn ràng lễ hội. Cảnh sắc mùa xuân lãng mạn lâng lâng, nghĩ đến vậy đã thấy một không khí vừa linh thiêng vừa lý tưởng cho âm nhạc vang lên. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình và cầu mong mọi điều thuận lợi.
Luôn khiến khán giả bất ngờ trước những concept sân khấu của mình, ví dụ như show diễn lần trước ở Đà Lạt với sân khấu xoay và chiếc loa kèn khổng lồ cách điệu từ chiếc đĩa hát. Vậy anh sẽ mang đến những gì trên sân khấu Ninh Bình lần này?
Qua nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, chúng tôi may mắn có được sự đồng hành của một ekip thiết kế sáng tạo và sản xuất rất giỏi nghề. Mọi bài toán về sân khấu được đặt ra đều được “giải” một cách cẩn trọng. Tất nhiên về kỹ thuật sân khấu ở Việt Nam thì không phải ta muốn làm gì cũng được. Quan trọng hơn hết là sự thấu hiểu của cả một ekip và sự đồng lòng để mang đến cho khán giả một cuộc chơi sáng tạo đáng quý.
Với concept lần này tại Ninh Bình, sân khấu được đặt ngay tại sân lễ hội đền vua Đinh - vua Lê. Điều đó khiến tôi trăn trở rất nhiều. Phải kể một câu chuyện về mảnh đất này, nhưng tôi cũng không thể chạm vào những giá trị truyền thống vốn đã bất khả xâm phạm. Tôi muốn đưa vào những ý tứ rất cơ bản nhưng cũng phải thật hiện đại để người xem có thể cảm thấy được sự tôn vinh và tiếp nối.
Cả Ban tổ chức có rất nhiều bài toán cần giải, sân khấu chỉ là một trong số đó. Nó còn là an ninh và trải nghiệm của khán giả. Rồi đến những yêu cầu kỹ thuật đặc biệt của bác Kitaro cùng dàn nhạc Việt Nam,… Có rất nhiều thứ cần đảm bảo trong không gian ngoài trời và việc phải tính toán sao cho chu toàn cũng đã cực kỳ hóc búa. Với sân khấu, tôi chỉ mong mình bổ trợ được cảm xúc để câu chuyện âm nhạc giàu giá trị lần này được vang lên trọn vẹn.
Âm nhạc của Kitaro là thứ âm nhạc rất giàu hình ảnh và có nhiều chi tiết, khắc họa sự mênh mông của thiên nhiên. Đó có phải một bài toán khó trong việc sáng tạo sân khấu và concept cho concert lần này?
Khi đặt âm nhạc của bác Kitaro vào trong concert của cá nhân một ca sĩ thì phần dẫn dắt của Hà Anh Tuấn là tối quan trọng. Tuấn phải dẫn dắt ra sao để khán giả của mình bước chân vào vùng âm nhạc của bác Kitaro một cách hợp lý và dễ chịu nhất. Và khán giả cũng cần thấy được âm nhạc của Kitaro có sự đồng điệu nhất định về concept của cả show diễn.
Ngoài những ý đồ về sân khấu và mạch chương trình, tôi cũng làm việc rất kỹ với Giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng để sao cho âm nhạc trở thành một đường dây, và khi tôi diễn tả chúng bằng hình ảnh thì tất cả đều có được sự liên kết và xuyên suốt.
Thử thách lớn nhất trong quá trình làm việc với một nghệ sĩ lớn như Kitaro là…?
Về phía Vietvision thì chúng tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm làm việc với các nghệ sĩ quốc tế. Ai cũng có những cái khó và dễ thương riêng. Bác Kitaro thì rất nhẹ nhàng, tất nhiên là sau khi đã đáp ứng đủ những yêu cầu của bác về âm thanh, nhạc cụ, các sắp xếp dàn nhạc phục vụ cho màn trình diễn.
Khi mời một nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn, nếu họ chỉ diễn phần của mình thì sẽ rất đơn giản. Nhưng show diễn lần này lại là của cá nhân Hà Anh Tuấn, vậy nên chính bác Kitaro cũng đã tự tìm hiểu âm nhạc của Tuấn qua YouTube. Dù không hiểu tiếng Việt nhưng bác quả quyết: “Tôi hiểu về cậu rồi. Tôi hiểu điều cậu đang làm trong đêm nhạc này!”. Một huyền thoại âm nhạc 70 tuổi với tinh thần của một thanh niên hiện đại!
Và còn phần của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh. Tôi tò mò cách ekip xử lý 2 cá tính âm nhạc khác nhau, 2 chất liệu ấn tượng chỉ để kể một câu chuyện trong đêm diễn.
Concert sẽ mang đến nhiều chất liệu âm nhạc có cả cũ và mới. Điều quan trọng là sự sắp xếp để mọi thứ liên kết với nhau và sẽ tạo ra những cuộc đối thoại. Không chỉ là của cá nhân những người làm nhạc, mà còn là của những con người và những vùng đất. Âm nhạc của bác Kitaro ca ngợi vẻ đẹp của thanh âm Phương Đông sâu sắc. Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh với những sáng tác mới đầy năng lượng và tiết tấu hiện đại nhưng cũng gửi gắm những thông điệp về nguồn cội. Sợi dây xuyên suốt để gắn kết những tác phẩm mới và cũ đó chính là chất liệu âm nhạc dân gian. Tôi nghĩ sẽ là một cuộc chơi âm nhạc giao thoa đáng quý rất khó để lặp lại lần thứ hai.
Mỗi năm thì Hà Anh Tuấn cùng ekip đều tổ chức 1 concert. Vậy làm thế nào để sự sáng tạo của các anh luôn mới và luôn khiến khán giả phải trầm trồ mỗi lần xuất hiện?
Dĩ nhiên là với người làm dàn dựng, chúng tôi cũng đặt mình vào những thử thách khó. Còn về phía Tuấn, tôi cảm nhận rằng Tuấn nghĩ cho khán giả nhiều hơn. “Nghĩ” ở đây không phải là chiều chuộng khán giả, mà là tìm cách để trân trọng khán giả. Trân trọng như thế nào? Tuấn làm những show diễn sáng tạo hơn, mang đến những món quà từ sự cộng hưởng, những thứ mà Tuấn thấy xứng đáng và thật sự mong muốn được làm cho khán giả của mình.
Riêng về ekip sáng tạo, cứ mỗi lần bước vào một “cuộc chơi” mới là chúng tôi thấy mình thật sự may mắn và có trách nhiệm với khán giả. Đâu dễ gì để có những khán giả luôn ủng hộ và dõi theo ekip chúng tôi để chờ đón những ý tưởng sáng tạo mới. Ý thức được điều đó, chúng tôi chỉ mong mình trường sức để có thể tạo ra thật nhiều không gian thưởng thức nghệ thuật cùng nhau.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh
Sau Cafe sáng và Street Rhymth là hai sản phẩm âm nhạc rất thành công của Võ Thiện Thanh và Hà Anh Tuấn, tại sao lại mất nhiều thời gian đến vậy để tới bây giờ công chúng mới lại được chứng kiến sự tái hợp của cả hai?
Chúng tôi vẫn cà phê sáng thường xuyên! Mặc dù sau những dự án ấy, Tuấn có những dự án riêng khác. Bởi đơn giản chúng tôi như những người bạn, hay trao đổi với nhau rất nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc sống: từ âm nhạc, thời cuộc, kinh tế, văn hoá. Tuấn là một người có kiến thức rất nhiều lĩnh vực, nên mỗi lần cà phê là những câu chuyện cứ thế miên man.
Cà phê là vậy, nhưng trong công việc, tôi tôn trọng mỗi nước đi, mỗi trải nghiệm của riêng Tuấn. Nếu như đối với một ca sĩ, rất nhiều vấn đề về chiến lược để làm sao giữ vững và phát triển tên tuổi theo từng giai đoạn, thì với tôi, một nhạc sĩ sáng tác và hoà âm, tôi chỉ đơn thuần là một nhà “ thiên văn” trong âm nhạc. Tôi luôn khám phá bầu trời đêm với muôn vàn tinh tú cùng giải ngân hà. Cho đến một ngày kia, Tuấn nói với tôi: “Em cần anh trong một dự án sắp tới!”. Vậy là tái hợp thôi! Không phải vấn đề thời gian gì ở đây cả!
Đã rất lâu mới chính thức xuất hiện lại trước công chúng, anh có gặp khó khăn trong việc mang đến những sản phẩm tiệm cận với thị hiếu của khán giả bây giờ?
Tôi vẫn hoạt động và sáng tác bình thường. Chỉ là ở một nhận thức khác, một không gian khác, và một cảm hứng khác với những gì mình đã làm trước đây. Sau khi đã trải qua rất nhiều dự án, dòng nhạc, cùng những bài tình ca, tôi bị hấp lực bởi một thứ âm nhạc có không gian rộng lớn hơn. Chỉ đơn giản là tôi đi theo tiếng gọi của tâm hồn, cho nên cũng không quá câu nệ về chuyện làm sao phải thật trending. Nhưng có lẽ công chúng sẽ nhận thấy âm nhạc của tôi hướng tới tình yêu rộng lớn hơn, như nhận thức tự nhiên của bản thân về thế giới xung quanh theo thời gian.
Âm nhạc mà Võ Thiện Thanh sáng tạo cho Hà Anh Tuấn trong lần tái hợp này là gì?
Cội nguồn- Hợp nhất - Sống đẹp và Hy vọng.
Tôi nghĩ, chúng ta phải luôn có một cội nguồn chắc chắn, nếu không khó mà đi xa được. Cội nguồn đó giúp chúng ta đoàn kết, thương yêu nòi giống và hợp nhất. Luôn sống đẹp, hướng thiện. Từ đó, chúng ta mới có niềm tin và hy vọng.
Những sáng tác của anh cho Hà Anh Tuấn trong Glorious Zone có gì giống và khác với Hà Anh Tuấn của Cafe Sáng ngày nào?
Khá nhiều, mà đó cũng là lẽ tự nhiên thôi. Chúng tôi đã trưởng thành và chín chắn qua thời gian. Nhận thức và nhân sinh quan thay đổi, từ đó âm nhạc cũng sẽ thay đổi. Âm nhạc sẽ rộng lớn hơn, hướng tới cái chung hơn. Tình yêu rộng lớn hơn. Chiêm nghiệm cũng sâu sắc hơn.
Cafe sáng và Street Rhymth đều mang âm hưởng của một đời sống thành thị hiện đại nhưng cũng rất tình. Vậy trong sản phẩm lần này, anh sẽ kể câu chuyện gì khác? Nhất là khi nó được đặt vào một concert mang đầy âm hưởng thiên nhiên và sự kỳ vĩ?
Những tác phẩm sắp tới đây có một hoàn cảnh ra đời khá là đặc biệt. Khi tôi bắt đầu ngồi vào đàn và viết, cũng là lúc cơn đại dịch Covid ập đến. Bên ngoài xã hội, những cảnh cách ly, khoanh vùng bắt đầu diễn ra. Suốt ngày tiếng còi xe cấp cứu rú liên tục. Sống trong tâm trạng hoang mang ấy, tôi cảm nhận được sự yêu thương đùm bọc giữa những người Việt với nhau. Trong bối cảnh đó mới hiểu được tình yêu thương giống nòi như thế nào. Tất cả những điều đó làm bùng lên cảm xúc để bài hát Người Việt Nam đã ra đời.
Có một bài hát cũng khá đặc biệt cho lần này. Nó có một nội dung khá lạ, âm nhạc cũng cực lạ, nhưng nó mang đến hiệu quả cho người nghe lại rất tự nhiên. Đó là Người Đi Xuyên Thời Gian. Tôi biết bạn nghĩ rằng chuyện này chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng, hoặc phải rất lâu nữa, khi khoa học vén bức màn bí mật của tạo hoá. Nhưng không! Chính bạn, tôi và tất cả chúng ta đã là những người đi xuyên thời gian từ lâu rồi, nhưng chúng ta không biết. Không biết, vì chúng ta nghĩ rằng mình chỉ sống có một lần, và sống trong giới hạn thế giới thời gian của vật lý, của chuyển động các hành tinh, của những lo toan thiệt hơn vốn đã nhốt chúng ta trong chiếc vỏ kén.
Không đâu! Chúng ta là những linh hồn bất diệt đi xuyên thời gian. Bạn đã từng là một vị vua, một chiến binh, một anh hề, một người thầy, một ca sĩ, một …loài sâu. Và tất cả đang trong một vũ hội hoá trang bất tận.
Bạn không nên ngạc nhiên, mà điều quan trọng là cuối cùng, khi trải qua hết những vai diễn rồi, bạn sống vì điều gì? Có phải vì tình Yêu?
Teaser ca khúc mới “Người Việt Nam” được anh giới thiệu trước đêm nhạc đã tạo sự chú ý rất lớn đối với người chờ đón “Chân Trời Rực Rỡ”. Có phải đề tài về Việt Nam sẽ là hướng đi mới của anh và Hà Anh Tuấn?
Hướng đi ư? Tôi chỉ nghĩ đơn giản là khi mang lại cho mọi người cảm giác được sống trong một tình yêu rộng lớn và bình yên, thì đó là điều mà chúng tôi sẽ làm.
Giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng
Âm nhạc của đêm nhạc lần này sẽ mang đến những cảm xúc gì cho khán giả?
Sẽ là rất nhiều trạng thái cảm xúc. Với tôi, đây là đêm nhạc khác biệt với những đêm nhạc trước đây của Hà Anh Tuấn, có những thể loại, những thứ âm nhạc lần đầu Tuấn thử nghiệm. Bản thân tôi cũng rất hào hứng chờ đến ngày concert diễn ra, để nhìn những thành quả của mình xuất hiện với với những hình hài khác biệt trong âm nhạc.Tôi sẽ cùng Crystal Band và Sài Gòn Pops Orchestra làm việc kỹ lưỡng để đem đến cho khán giả 2 đêm Concert thật rực rỡ - giống như tên gọi nó.
Cũng là những bản nhạc Hà Anh Tuấn đã từng hát, vậy làm thế nào để anh luôn tạo ra được sự mới mẻ để khán giả cảm thấy bất ngờ sau mỗi lần concert?
Tôi làm việc nhiều với Hà Anh Tuấn, điều đó khiến tôi hiểu được nhiều hơn những khán giả của Hà Anh Tuấn. Tôi biết được mình cần làm gì để đưa đẩy được khán giả và khiến họ nhận được nhiều cảm xúc khi xem show. Bất kể một bài hát nào, muốn mang đến cho khán giả những cảm xúc thăng hoa hay trầm trồ đều phải có điểm nhấn, điều đó phụ thuộc vào phối khí. Một bài hát diễn trong mỗi show diễn đều cần những bản phối mới, giống như những chiếc áo mới bạn mặc trên người. Khi bạn mặc một chiếc áo đẹp, sẽ nhiều người thích nhìn ngắm. Nhưng bạn mặc chiếc áo rực rỡ, sẽ có nhiều người phải trầm trồ.
Kết hợp giữa World music của Kitaro với màu pop của Hà Anh Tuấn trong một concert có phải là một bài toán khó với anh? Anh đã giải bài toán đó như thế nào?
Tôi đã nghe nhạc Kitaro từ thuở nhỏ, vậy nên âm nhạc của Kitaro không lạ lẫm với tôi. Kitaro là nghệ sĩ lớn của thế giới, việc được trực tiếp làm việc với Kitaro là một vinh dự. Với tôi, mọi Concert mà tôi làm đều là những bài toán khác nhau, với bài toán Kitaro + Hà Anh Tuấn, lời giải của tôi là làm bật được cá tính của cả hai, nhưng cũng phải tìm được điểm chung của 2 nghệ sĩ này để phần biểu diễn trên sân khấu được ăn ý. Bản thân tôi cũng là người chơi nhạc cụ nên tôi hiểu những gì Kitaro chơi, và biết cách làm thế nào để kết hợp Kitaro với Hà Anh Tuấn. Chính vì vậy, đây cũng không hẳn là bài toán khó.
Có thể chờ đợi những âm hưởng đậm bản sắc Việt Nam trong concert lần này?
Đúng là như vậy ! Đây là Concert mang đậm màu sắc âm nhạc dân gian, tôi sẽ đưa vào nhiều chất liệu âm nhạc của Việt Nam, những thứ được coi là bản sắc của âm nhạc truyền thống chúng ta. Bản thân tôi vẫn rất thích sự phong phú của âm nhạc dân gian Việt Nam, tôi thích khai thác các nhạc cụ dân tộc và kết hợp chúng với âm nhạc của thời đại ngày nay. Tất cả những điều đó sẽ có trong concert lần này.
Dĩ nhiên là những khán giả có mặt tại Glorious Horizon sẽ là những người có gout trong thưởng thức âm nhạc, nhưng cũng sẽ có những khán giả trẻ lần đầu tiên tiếp cận với âm nhạc mang màu sắc khá hàn lâm của Kitaro, anh sẽ làm gì để âm nhạc này dễ tiếp cận hơn với họ - những người lần đầu thưởng thức?
Khán giả Việt Nam thường ít nghe nhạc không lời, nhưng tôi dám chắc sẽ có những tác phẩm âm nhạc không lời của Kitaro mà tất cả các bạn từng nghe rồi mà không biết đó là nhạc của Kitaro. Sẽ có những khán giả mới nghe tên Kitaro lần đầu, và nếu không nghe nhạc Kitaro mà chỉ tìm hiểu thông tin, chắc các bạn sẽ không thích. Kitaro trong cách nhìn nhận của tôi là hàn lâm nhưng không khó nghe. Ngược lại, rất thánh thiện. Đã có những sáng tác nhạc không lời của Kitaro mà các ca sĩ Việt viết lời Việt để hát, đó là minh chứng cho màu sắc âm nhạc của Kitaro hoàn toàn có thể tiếp cận với những khán giả Việt, thậm chí là các khán giả trẻ. Tôi hy vọng mọi thứ diễn ra suôn sẻ trong Concert, nếu được vậy, tôi chắc chắn sau Liveshow, nhiều bạn trẻ sẽ tìm nghe nhạc Kitaro trên mạng và yêu thích ông ấy.
Làm thế nào để anh tạo sự liên kết giữa âm nhạc của Hà Anh Tuấn hiện tại, một chương riêng với sự sáng tạo của Võ Thiện Thanh và màu sắc của Kitaro? Dường như có quá nhiều màu sắc ấn tượng trong concert lần này.
Đúng là như vậy ! Concert này có nhiều màu sắc ấn tượng, mỗi một nghệ sĩ góp mặt trong liveshow đều là những gương mặt với cá tính mạnh mẽ. Võ Thiện Thanh là nhạc sĩ gạo cội, là lớp đàn anh của tôi, các sáng tác mới của Võ Thiện Thanh dành riêng cho Hà Anh Tuấn cũng mang nhiều màu sắc sử thi, ca ngợi dân tộc. Mỗi chương trong show sẽ được liên kết với nhau bằng tính âm nhạc, các bản phối, đường dây kịch bản. Mọi thứ đều cần được tính toán và tập luyện kỹ lưỡng để mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả qua từng chương. Những điều đó đều phụ thuộc nhiều vào sự phối hợp giữa Crystal Band và Sài Gòn Pops Orchestra.
Cảm ơn cả ekip và chúc các anh sẽ có một đêm nhạc thật thành công!
Tags