Từ bức ảnh em bé Syria: Xem lại những 'bằng chứng hình ảnh' về bi kịch con người

Thứ Bảy, 05/09/2015 11:15 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Từ cuộc chiến tranh lạnh tới các cuộc chiến tranh thế giới và Trung Đông trong thế kỷ 20, các phóng viên ảnh đã thể hiện cách nhìn của chúng ta về các thảm họa toàn cầu.

Bức ảnh chụp cậu bé Syria Aylan Kurdi 3 tuổi, một trong 12 người tị nạn chết trên một bãi biển ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành biểu tượng của cuộc khủng hoảng người tị nạn của châu Âu.

Dưới đây là những hình ảnh đã làm thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về bi kịch của con người.

“Người phụ nữ tro bụi”: Bị bụi phủ từ đầu tới chân, Marcy Borders cố gắng thoát khỏi Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York City ngay sau khi một máy bay khủng bố đâm vào tòa nhà đầu tiên ngày 11/9/2001. Bức ảnh này đã trở thành một trong những hình ảnh định hình rõ nhất về cuộc tấn công khủng bố ở Mỹ. Được mệnh danh là “Quý cô phủ bụi”, Borders đã qua đời hôm 26/8, ở tuổi 42. Cô bị ung thư dạ dày với nguyên nhân được cho là có phần do hậu quả của bi kịch nêu trên.


Cái chết của Benno Ohnesorg: Ngày 2/6/1967, cảnh sát đã đàn áp một cuộc biểu tình phản đối chuyến thăm của vua Iran. Sinh viên Đức Benno Ohnesorg đã bị một cảnh sát bắn trong ngày đó. Cái chết của anh đã tác động mạnh tới nước Đức hồi cuối những năm 1960. Thời điểm đó, vợ của  Ohnesorg đang mang thai đứa con đầu lòng của họ.


Vụ ám sát Tổng thống Mỹ John F. Kennedy: Tổng thống Mỹ John F. Kennedy bị ám sát ở Dallas, Texas, hồi tháng 11/1963. Abraham Zapruder đã vô tình quay cảnh tổng thống bị bắn vào đầu khi anh đang quay phim lúc đoàn xe của Kennedy đi qua. Kể từ đó đến nay, mỗi khuôn hình trong thước phim nổi tiếng đó đã được phân tích một cách kỹ càng.


Cuộc thảm sát ở Munich: Trong thời gian diễn ra Thế vận hội ở Munich hồi năm 1972, 11 thành viên của đội Olympic Israel đã bị nhóm khủng bố Black September (Tháng Chín đen tối) bắt làm con tin và sau đó bị giết. Bức ảnh mang tính biểu tượng này cho thấy một trong những kẻ bắt cóc đang nhìn xuống từ một ban công.


Cô gái Afghan: Bức ảnh chân dung chụp cô gái Afghan của Steve McCurry đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí National Geographic hồi năm 1985. Mặc dù bức ảnh không mô tả rõ cuộc sống của cô gái này khi là một người tị nạn ở Pakistan, song nó đã trở thành một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất về số phận của những người tị nạn trên toàn thế giới.

Mãi đến năm 2002, người ta mới biết được danh tính của cô bé 12 tuổi này và trước đó, Sharbat Gula chưa bao giờ nhìn thấy chân dung nổi tiếng của mình.


Tuấn Vĩ
Theo DW

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›