Năm 2019, khi tham gia giải vô địch thế giới, nội dung bơi 200m tại Gwangju, Hàn Quốc, Tôn Dương đã có hành động quát tháo, gọi đồng nghiệp người Anh Duncan Scott là "thằng thua cuộc".
Hay trước đó ở thế vận hội Rio 2016, ngôi sao bơi lội của Trung Quốc cũng gây tranh cãi vì màn đấu khẩu với VĐV bơi lội Mack Horton (Australia). Nguyên nhân là bởi trước đó vào năm 2014, Tôn Dương dính vào bê bối bị cấm thi đấu do sử dụng doping. Điều này khiến nhiều đồng nghiệp cảm thấy phẫn nộ khi ngôi sao Trung Quốc vẫn tiếp tục tham gia thi đấu và đạt huy chương.
Tuy nhiên năm 2020, Tôn Dương đã bị đình chỉ thi đấu 8 năm vì bê bối doping. Theo đó, đây là mức phạt nặng nhất mà Tòa án Trọng tài Thể thao (CAS) đưa ra, sau một phiên điều trần kéo dài đến 12 giờ. Nguyên nhân bởi anh ta đã đập vỡ mẫu thử trong một cuộc kiểm tra doping không báo trước vào tháng 9/2018. Tôn Dương bị tước quyền tham dự Thế vận hội Tokyo, ngay cả khi Thế vận hội hoãn lại 1 năm (23/7 – 8/8/2021) do đại dịch COVID-19.
Năm 2021, án phạt giảm xuống còn 4 năm 3 tháng. Có thể nói thói kiêu căng, ngạo mạn đã khiến Tôn Dương tự tay làm tiêu tan sự nghiệp của mình. Nhưng vì đâu mà Tôn Dương có thói tự cao này?
Theo truyền thống Trung Quốc, tính cách này là do Tôn Dương đã bị mẹ chiều chuộng, bao bọc quá mức từ khi còn nhỏ.
Được chiều hư từ bé, mỗi lần mắc lỗi đều có mẹ... "bảo kê"
Cả bố và mẹ của Tôn Dương đều từng là vận động viên bóng chuyền nổi tiếng. Ngay từ nhỏ, mẹ của Tôn Dương ngoài giúp con phát triển năng lực thể thao thì còn... bao bọc con quá mức. Độ chiều chuộng con của bà Dương Minh khiến ai cũng phải xuýt xoa.
Năm lớp 6, bà Dương vẫn còn buộc dây giày cho con. Để Tôn Dương có thể bổ sung dinh dưỡng, gia định thậm chí còn mua hẳn một chiếc ô tô chỉ chuyên để giao súp cho anh. Hay những khi Tôn Dương đi tập luyện, bất chấp sự phản đối của ban huấn luyện, bà Dương Minh vẫn khăng khăng đi cùng con.
Mọi công việc của Tôn Dương đều do mẹ lo liệu. Ngay cả tài khoản Weibo của anh cũng do mẹ quản lý, tất cả số tiền kiếm được là mẹ giữ. Tôn Dương hầu như không có tiền tiêu vặt. Thực tế, những khuyết điểm của Tôn Dương đầy rẫy, nhưng vì thành tích thể thao quá chói sáng nên đã che lấp đi chúng.
Nhìn Tôn Dương hiện tại, công chúng chỉ ra 2 khía cạnh liên quan đến mẹ đã hủy hoại anh ta. Thứ nhất, Mẹ của Tôn Dương không chỉ quan tâm con bằng mọi cách mà còn kiểm sát mọi hoạt động của con. Ví dụ, khi tham gia một cuộc phỏng vấn, nếu bà Dương Minh cảm thấy không hài lòng thì sẽ ngay lập tức đuổi phóng viên đi. Bà không hề làm gương, tỏ ra thân thiện trước mặt con trai.
Báo chí Trung Quốc cho rằng: "Ở đâu có áp bức, ở đó có phản kháng. Nếu một người bị kiểm soát quá mức, anh ta sẽ có ngày mất trí". Có lẽ vì vậy mà Tôn Dương sau này có loạt phát ngôn kiêu ngạo, xúc phạm đồng nghiệp.
Thứ hai, một khi Tôn Dương mắc sai lầm, thay vì dạy dỗ, nhắc nhở con, mẹ Tôn Dương sẽ đổ lỗi hoàn toàn cho người khác. Chẳng hạn có lần, Tôn Dương thay quần trước mặt một nữ vận động viên. Cô này đã báo cáo sự việc với huấn luyện viên của mình. Vị huấn viên đã chạy đến nhắc nhở Tôn Dương nhưng anh chàng chẳng hề nhận ra lỗi lầm của mình nên đã bị tát.
Sau khi bà Dương Minh biết chuyện, thay vì giáo dục con trai, bà lại đến đội tuyển quốc gia để làm ầm ĩ. Cuối cùng vị huấn luyện viên kia bị sa thải.
Người ta nói rằng con cái là "bản photocopy" của cha mẹ. Bạn thể hiện hành vi nào trước mặt con, con sẽ bắt chước lại như thế. Vì những ảnh hưởng không tốt từ mẹ, Tôn Dương đã có những sai lệch về nhân cách. Hành động đập vỡ mẫu thử trong cuộc kiểm tra doping cũng là hệ quả của một loạt hành vi, cách nuôi dạy sai lầm trong quá khứ.
Tags