Em ơi Hà Nội... số

Thứ Tư, 05/04/2017 07:17 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin đáng chú ý: Hà Nội có thể đặt tên đường phố theo số. Cụ thể, Sở Văn hóa & Thể thao thành phố đã được giao nghiên cứu vấn đề này.

Theo giải thích của lãnh đạo cơ quan quản lý này, nếu áp dụng, Hà Nội sẽ có những tên đường phố đặt theo số 1, 2, 3, 4... và những con ngõ trên các tuyến phố đó cũng sẽ được cụ thể hóa bằng số, khi gắn cạnh tên đường.

Thực tế, dù gần như chưa xuất hiện tại Việt Nam, cách làm này đã được áp dụng tại khá nhiều thành phố trên thế giới. Theo các chuyên gia quy hoạch, việc "số hóa" tên phố như vậy luôn gắn liền với là những quy tắc đặt tên đã được xác lập rất rõ, để cộng đồng chỉ nghe tên gọi là xác định được tương đối vị trí cần tìm.

Chưa kể, việc đặt tên đường phố theo số cũng phù hợp với việc áp dụng công nghệ số để quản lý, ứng dụng sau này. Nghĩa là, cách làm ấy có những ưu điểm đặc biệt, nhất là trong điều kiện chúng ta vẫn đang gặp rất nhiều vấn đề về quản lý đô thị.

Nhưng, trao đổi với người viết, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra không hào hứng với ý tưởng "số hóa" tên đường. Như lời ông Nguyễn Ngọc Tiến, nhà văn chuyên viết về Hà Nội, thành phố này đã có bề dày văn hóa, lịch sử trên 1.000 năm. Và, rất đáng tiếc nếu lớp trầm tích văn hóa ấy không được "cụ thể hóa" và giới thiệu qua những tên đường phố mà lại thay bằng những con số... khô khốc.

Tên đường phố Thủ đô, đâu phải trò đùa

Tên đường phố Thủ đô, đâu phải trò đùa

Đường “Ướp lạnh” chính là đoạn đường nối từ cuối điểm đường Hồ Tùng Mậu giao cắt với đường 32 chạy tới làng Phú Đô, giao với Đại lộ Thăng Long. Tấm biển ghi tên đường đã được dựng lên khá lâu.


Cách nghĩ của ông Tiến hẳn cũng tương đồng với cách nghĩ của nhiều công dân Hà Nội, vốn đã quen với việc lấy tên danh nhân để đặt cho đường phố như truyền thống.

Theo lời nhà sử học Dương Trung Quốc, cách đặt tên ấy bắt nguồn từ thời Pháp thuộc. Trước đó, từ thời điểm Cách mạng tư sản Pháp nổ ra (1789), người Pháp đã có sự thay đổi, khi bắt đầu chọn tên các danh nhân để đặt cho các con phố, thay cho những tên gọi đơn giản, bình dân như trước.

Để rồi, người Pháp tiếp tục làm điều này khi phát triển đô thị Hà Nội từ cuối thế kỷ 19, đến lượt Thị trưởng đầu tiên của Hà Nội Trần Văn Lai tiếp tục lấy tên những danh nhân Việt Nam để thay thế những tên cũ mà người Pháp từng đặt ra.

Duy trì hơn một thế kỷ, rõ ràng, không dễ để chúng ta chấp nhận sự thay đổi về truyền thống đặt tên theo cách ấy.

***

Cũng cần nói rõ, việc đặt tên đường phố theo số hiện nay chưa thực hiện được, bởi nghị định của Chính phủ chưa quy định. Nếu thấy hợp lý, thành phố mới đề xuất lên Chính phủ để chỉnh sửa các nghị định liên quan và áp dụng trong tương lai.

Và, khi mọi thứ còn đang dừng ở ý tưởng, nhiều chuyên gia cũng đã chia sẻ với người viết: để tận dụng ưu điểm của việc đặt tên đường phố theo số, phải chăng chúng ta nên kết hợp cả hình thức này với cách đặt tên theo truyền thống. Có nghĩa, một con phố có thể vừa có một tên gọi cụ thể (chẳng hạn như phố Bà Triệu), vừa có một “mã số” riêng trong hồ sơ quản lý (phố số 1).

Còn lại, nhìn vào thực tế của những tên phố từng được đặt ở Hà Nội, rõ ràng chúng ta vẫn còn thiếu vắng rất nhiều tên tuổi của những cá nhân đã đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam hoặc Hà Nội. Sự thiếu vắng ấy, hoặc đến từ việc chúng ta chưa bỏ đủ công sức để sưu tập, tìm hiểu, hoặc  bởi sự khắt khe từng có trong cách nghĩ của một thời.

Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›