Emma Raducanu vô địch US Open 2021: Chuyện thần tiên ở New York

Thứ Hai, 13/09/2021 20:40 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là lần thứ hai, người viết đặt tựa đề dựa theo bộ phim ca nhạc cùng tên của đạo diễn Kevin Lima. Lần trước là khi Kim Clijsters vô địch US Open 2009. Còn lần này là câu chuyện cổ tích mang tên Emma Raducanu.

Vì sao Djokovic thua Medvedev ở chung kết US Open?

Vì sao Djokovic thua Medvedev ở chung kết US Open?

Novak Djokovic thừa nhận đã chơi dưới sức trong mọi cú quả, trái lại, Danniil Medvedev đã thi đấu một trận tuyệt vời. Thực tế, đâu là nguyên nhân khiến Nole thất bại?

 

Kết quả tennis US Open - chung kết đơn nam

* Novak Djokovic vs Daniil Medvedev 4-6, 4-6, 4-6

Video clip highlights Djokovic và Medvedev

 

Kết quả chung kết đơn nữ

Emma Raducanu vs Leylah Fernandez 6-4, 6-3

Video clip highlights Raducanu vs Fernandez

 

 

Năm 2009, Kim Clijsters tái xuất sau 2 năm vắng bóng để sinh con, và đã vô địch US Open nhờ suất đặc cách. Năm 2021, Emma Raducanu còn làm được điều kỳ diệu hơn thế khi thi đấu từ vòng loại và vô địch mà không thua một set nào.

Mùa hè cổ tích

Ba tuần trước, Raducanu đến New York khi đang xếp hạng 150 thế giới, và mới chơi duy nhất 1 trận chung kết – tại giải Challenger ở Chicago. Bây giờ cô ra về với tư cách nhà vô địch Grand Slam khó tin nhất, và là một hiện tượng toàn cầu.

Đó thực sự là một mùa hè cổ tích. Hồi đầu năm, Raducanu còn ngồi trên ghế nhà trường với bài kiểm tra hạng A. Tháng Sáu, trong khi chờ kết quả tốt nghiệp trung học, cô được tham dự vòng đấu chính Nottingham Open. Sau đó là suất đặc cách dự Wimbledon, giải đấu mà cô bất ngờ lọt vào đến vòng 4 và chỉ dừng bước do bị khó thở ở trận gặp Ajla Tomljanovic.

Nhưng Wimbledon mới là sự khởi đầu cho hành trình cổ tích. Tại US Open, Emma Raducanu đã chơi 10 trận trong đó có chiến thắng 6-4, 6-3 trước Leylah Fernandez ở chung kết, mà không thua set nào. Cô áp đảo mọi đối thủ - bao gồm nhà vô địch Olympic Belinda Bencic - bằng một lối chơi không biết sợ, một quyết tâm mạnh mẽ. Raducanu đã trở thành tay vợt nữ người Anh đầu tiên kể từ năm 1977 giành Grand Slam, là nhà vô địch xứ sương mù đầu tiên sau Andy Murray. Trong kỷ nguyên Open, chưa có một tay vợt nào vô địch khi mới dự 2 Grand Slam (trước đó là Wimbledon) như cô. Cũng như chưa có tay vợt nào phải thi đấu vòng loại mà có thể bước lên bục vinh quang như thế.

Trong vòng chưa đầy ba tháng, Raducanu leo từ hạng 338 thế giới lên hạng 23, và khoản tiền thưởng 2,5 triệu USD vừa nhận gấp 8 lần tổng số tiền cô kiếm được trước đó. Nữ hoàng Elizabeth II là một trong những người nổi tiếng công khai chúc mừng cô.

Chú thích ảnh
Raducanu đã trải qua một câu chuyện thần tiên ở New York

Tương lai nào cho những tài năng trẻ?

Raducanu rõ ràng đang có một tương lai tươi sáng, nhưng trong thế giới quần vợt vốn luôn thay đổi những năm qua ở cuối kỷ nguyên nhà Williams, không ai rõ điều gì sẽ đến với cô (và Leylah Fernandez – một hiện tượng khác cũng sinh năm 2002) trong thời gian tới.

Giới hạn của Emma và Leylah là bầu trời, nhưng tôi không muốn đặt bất kỳ áp lực gì lên họ nữa”, huyền thoại Chris Evert – chủ nhân 18 danh hiệu Grand Slam đồng thời là chuyên gia phân tích của ESPN – nhận định, “Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều trường hợp khác tưởng như sẽ phát triển vượt bậc nhưng lại chẳng kéo dài được lâu… Ai biết điều gì sẽ xảy ra với họ khi mục tiêu của họ là gánh nặng trên lưng và bị săm soi một cách thái quá như bây giờ”.

Người hâm mộ ở Flushing Meadows đã thực sự ngạc nhiên trước phong thái đĩnh đạc và niềm tin vững chắc của hai tay vợt tuổi teen ấy. Họ đã từ những ẩn số trở thành niềm cảm hứng thực sự chỉ trong vòng 2 tuần, và đó là một bước thăng tiến đáng kinh ngạc, đặc biệt là với Raducanu, người mà trước đó thậm chí còn chưa từng vô địch một giải đấu nào. Trận đấu giữa họ cũng là trận chung kết tuổi teen đầu tiên tại US Open kể từ màn đọ sức giữa Serena Williams và Martina Hingis năm 1999. Sự phấn khích của đám đông được thể hiện rõ khi trọng tài chính thường xuyên phải yêu cầu khán giả im lặng.

Xu thế các cô gái trẻ đăng quang ở Grand Slam dường như đang là “mốt” những năm gần đây. Bianca Andreescu và Iga Swiatek đều mới 19 tuổi khi lên ngôi ở US Open 2019 và Roland Garros 2020. Naomi Osaka và Jelena Ostapenko cũng chỉ mới 20 tuổi khi lần đầu giành Grand Slam. Và đừng quên, Sofia Kenin vô địch Australian Open 2020 khi mới 21 tuổi. Nhưng trừ Osaka, những nhà quán quân còn lại đều mới 1 lần vô địch Grand Slam.

“Họ không chỉ vô địch mà còn khiến chúng ta nghĩ rằng đó sẽ là ngôi sao kế tiếp, và nín thở ngay từ bây giờ”, Rennae Stubbs, tay vợt từng giành 4 Grand Slam đôi, nhận xét. Đúng là những nhà vô địch trẻ ấy đã mang đến cảm giác như vậy khi họ đăng quang, nhưng vấn đề đã xuất hiện ngay sau đó: Họ không giữ được phong độ cao một cách liên tục. Chưa bao giờ trình độ quần vợt nữ lại cân bằng như hiện nay khi bất cứ tay vợt nào trong Top 100, thậm chí ở ngoài (như Raducanu) đều có thể đánh bại những đối thủ Top 10.

Chú thích ảnh
Emma Raducanu từng vào vòng 4 Wimbledon 2021

Bài học từ Naomi Osaka

Theo thống kê, từ đầu năm 2016 đến giờ, đã có 14 tay vợt nữ khác nhau giành Grand Slam. Trong khoảng thời gian ấy, số tay vợt nam lên ngôi ở sân chơi này chỉ là 6, và từ đầu năm 2017 chỉ là 4. Tháng Sáu vừa rồi, vòng bán kết Roland Garros chứng kiến cả 4 tay vợt lần đầu tiên góp mặt, trong đó, nhà vô địch Barbora Krejcikova thậm chí còn không được xếp hạng hạt giống và mới lần thứ 5 tham dự vòng đấu chính Grand Slam.

Osaka là tay vợt thành công nhất của thế hệ trẻ này, xét theo số danh hiệu Grand Slam (4), cũng như một loạt hợp đồng thương mại. Nhưng sau khi rút lui khỏi Roland Garros 2021 để phản đối quy định phải họp báo sau trận, chính cô thừa nhận rằng mình đã phải đối mặt với chứng trầm cảm kể từ sau chức vô địch mang tính đột phá ở US Open 2018. Đó có thể là câu chuyện cảnh giác cho tất cả những tài năng trẻ khác.

“Tôi hy vọng họ đón nhận mọi thứ một cách chậm rãi”, Evert tiếp tục nói về Raducanu và Fernandez, “Hy vọng họ có một đội ngũ tốt, họ có thể tiếp tục tập trung vào thi đấu, có thể sống một cuộc sống bình thường của những cô gái tuổi teen và không bị sa lầy bởi các bản hợp đồng tài trợ, những lần tham dự sự kiện, hay những thứ đại loại thế”.

Đó là sự thật. Khi sự nổi tiếng đến quá nhanh, mọi thứ quá mới mẻ và thú vị, chúng ta sẽ không biết điều gì sẽ xảy ra với các tài năng trẻ khi họ phải đương đầu với áp lực, hay khi họ thua vài trận. Thành công bước đầu chỉ là ánh bình minh giả tạo nếu như không được chuẩn bị sẵn sàng cho bước đi kế tiếp.

Emma Raducanu

Sinh ngày 13/11/2002 tại Toronto (Canada)

Quốc tịch Anh

Chiều cao: 1m75

Thuận tay phải, trái tay hai tay

Thi đấu chuyên nghiệp từ 2018

Thành tích sự nghiệp: 69 thắng, 22 thua

Danh hiệu: 1

Thứ hạng WTA: 23

Tiền thưởng: 2.803.376 USD

HLV: Andrew Richardson

Bạn có biết? Emma Raducanu có bố là người Romania, mẹ gốc Trung Quốc. Thần tượng của cô là hai ngôi sao Simona Halep (Romania) và Li Na (Trung Quốc). Cô sinh ra ở Toronto (Canada), nhưng cả gia đình chuyển đến Anh năm cô 2 tuổi. Raducanu bắt đầu cầm vợt vào năm 5 tuổi.

Phương Chi

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›