Ngày 10/5, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell bày tỏ hy vọng khối này sớm đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu nhằm vào Nga.
Dự kiến, Ngoại trưởng các nước thành viên EU nhóm họp vào ngày 16/5 tới. Hồi tuần trước, ông Borrell cho biết ông có thể kêu gọi tiến hành một cuộc họp khẩn của các bộ trưởng để ký thỏa thuận thông qua các biện pháp trừng phạt, hoặc đẩy nhanh đàm phán. Nếu các đại diện ngoại giao EU không thể nhất trí trong tuần này, các ngoại trưởng có thể cố gắng phá vỡ thế bế tắc nhằm nỗ lực giành sự ủng hộ của các quốc gia còn lưỡng lự, đặc biệt là Hungary.
Trong khi đó, Phó Thủ tướng Bulgaria Assen Vassilev ngày 9/5 cho biết Bulgaria sẽ chặn các lệnh trừng phạt Nga. Bulgaria cảnh báo không ủng hộ gói trừng phạt mới của EU nhằm vào Nga trừ khi nước này được miễn trừ khỏi biện pháp cấm mua dầu của Moskva.
Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, Bulgaria muốn tiếp tục mua dầu của Nga trong 2 năm tới trước khi tham gia lệnh cấm vận trong khi EU muốn chấm dứt nhập khẩu dầu từ Nga trong 6 tháng tới. Tuy nhiên, điều này cần sự nhất trí của tất cả các quốc gia thành viên để đưa ra quyết định.
Bulgaria, cũng như Hungary và Slovakia, hiện đang đe dọa sử dụng quyền phủ quyết. Cộng hòa Séc vẫn chưa có động thái ngăn chặn các biện pháp trừng phạt, nhưng cũng đang xin miễn áp dụng lệnh cấm vận bằng hình thức tạm hoãn.
- Khủng hoảng năng lượng và 'bóng ma' lạm phát vẫn đuổi theo nền kinh tế thế giới
- Châu Âu trước nguy cơ rủi ro về an ninh năng lượng
- EU kêu gọi hỗ trợ người tiêu dùng trong cuộc khủng hoảng năng lượng
Phó Thủ tướng Vassilev nhấn mạnh quan điểm của Bulgaria khá rõ ràng. Nếu có một ngoại lệ đối với một số quốc gia, nước này cũng muốn có được điều đó. Nếu không, Bulgaria sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt.
Bulgaria được cho là đang muốn được miễn hoàn toàn lệnh cấm vận dầu mỏ, nhưng các cơ quan EU cho rằng yêu cầu của Bulgaria "không có bất kỳ lập luận thực tế nào". Tuy nhiên, Bulgaria lý giải rằng nhà máy lọc dầu ở Burgas không thể hoạt động nếu không có dầu của Nga và đây là nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của tập đoàn khổng lồ Lukoil (Nga).
TTXVN
Tags