Nghị viện châu Âu (EC) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua quyết định thành lập một cơ quan chống rửa tiền và tài trợ khủng bố chung của khối. Cơ quan này được đặt tên là AMLA, trong đó Paris (Pháp) đã nộp đơn đăng ký làm nơi đặt trụ sở chính, cùng với 8 thành phố khác ở châu Âu.
Theo công bố của EC, cơ quan mới sẽ chịu trách nhiệm đặc biệt về giám sát và điều phối các cơ quan quốc gia, nhằm phát hiện và tăng cường khả năng ngăn chặn các hoạt động xuyên biên giới “có vấn đề”.
Để đảm bảo tuân thủ các quy tắc tài chính của EU, AMLA sẽ trực tiếp giám sát khoảng 40 cơ sở tín dụng và tổ chức tài chính được coi là “có nguy cơ cao nhất”, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ tài sản tiền điện tử.
EC kỳ vọng việc tăng cường khả năng ngăn chặn các giao dịch bất hợp pháp sẽ góp phần hạn chế khả năng tài trợ cho các cuộc tấn công khủng bố tiềm ẩn ở châu Âu. AMLA cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn hành vi né tránh các biện pháp trừng phạt tài chính.
Theo Cơ quan Cảnh sát Liên minh châu Âu (Europol), các hoạt động tài chính đáng ngờ chiếm khoảng 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU, tương đương khoảng 130 tỷ euro.
Thỏa thuận đạt được về dự án AMLA vẫn cần phải được các nghị sĩ EU chính thức phê duyệt trong phiên họp toàn thể và sự phê chuẩn của Hội đồng EU, nơi tập hợp 27 quốc gia thành viên.
Ý tưởng thiết lập một cơ quan có thẩm quyền về chống rửa tiền không phải là mới tại EU. Nó được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào tháng 7/2021, sau một số vụ bê bối tiết lộ lỗ hổng của hệ thống pháp luật bị phân mảnh giữa 27 quốc gia thành viên nội khối.
Một vấn đề chưa hiện được xác định trong kế hoạch thành lập AMLA. Đó là trụ sở của cơ quan tương lai này sẽ đặt ở đâu. Nghị viện và Hội đồng châu Âu sẽ phải quyết định thành phố nào sẽ giành quyền đặt trụ sở của AMLA với khoảng 250 nhân viên được tuyển dụng.
Trong số các quốc gia ứng cử viên có Pháp. Paris cam kết sẽ cung cấp cho AMLA “những điều kiện lý tưởng để xây dựng” cũng như các “đảm bảo về sự ổn định và bền vững”. Hiện Pháp là nơi đặt trụ sở của Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), Cơ quan thị trường tài chính châu Âu (ESMA) và Cơ quan ngân hàng châu Âu (EBA).
Theo Chính phủ Pháp, đây là những cơ quan mà AMLA sẽ có nhiều tương tác và có thể phối hợp hiệu quả. Paris cũng liệt kê hàng loạt thế mạnh khác, như kết nối đường sắt và hàng không chất lượng, “chiều sâu của nguồn việc làm quốc tế ở vùng thủ đô”, khả năng cung ứng giáo dục đặc biệt bằng ngoại ngữ, cũng như thế mạnh về văn hóa và giải trí “không thể so sánh”...
Tuy nhiên, Paris không phải là nơi duy nhất muốn trở thành nơi đặt trụ sở của AMLA. Còn 8 thành phố khác cũng nộp đơn đăng ký lên EC trước hạn chót 10/11, gồm Brussels, Frankfurt, Dublin, Madrid, Rome, Riga, Vilnius và Vienna.
Tags