(Thethaovanhoa.vn) - Gần 8 tháng sau vụ khủng bố kinh hoàng bên ngoài sân Stade de France, cả Đức và Pháp đều cố gắng xoa dịu những kí ức đau buồn đó bằng chức vô địch EURO 2016. Thứ đã bị lấy đi trong trận giao hữu đó chính là tinh thần của thể thao, sẽ được phục hồi tại chính sân đấu này. Và với bóng đá Pháp, đây là cơ hội để họ lấy lại thứ đã mất vào tay Đức hai năm trước.
- Schweinsteiger trở lại, Joachim Loew thách thức tuyển Pháp
- Hotgirl Tú Linh: 'Ghét' Anh, thích Pháp nhưng tin Đức sẽ vô địch
- Quan điểm của tôi: Đức có thực sự mạnh hơn Pháp?
Pháp không dạo chơi ở Marseille
“Chúng tôi đã chứng tỏ trong hiệp hai trận đấu với Ai Len và đây nữa, là màn trình diễn hảo hạng trước Iceland, Pháp đã chơi tốt hơn so với chính bản thân mình”, HLV Didier Deschamps không giấu được sự tự tin hiện trên mặt, khi nói về chiến thắng ở tứ kết.
Nhưng vì sao trận thắng này không thật sự làm thỏa mãn những chuyên gia khó tính? Điểm đầu tiên họ bị nghi ngờ vẫn là hệ thống phòng ngự, hai bàn thua trước một đối thủ bị đánh giá thấp hơn là quá nhiều lo lắng với ứng viên vô địch. Những lỗ hổng xuất hiện như vết rò trên thân đê, có thể sẽ hủy hoại đội bóng áo Lam vào lúc họ không ngờ nhất.
HLV Deschamps không thể kiểm soát được hết sai sót của các học trò, như Evra gây ra quả phạt đền ở trận mở màn với Romania, như Paul Pogba chuốc họa cho đội bóng với một lỗi tương tự người đồng đội lớn tuổi trong trận gặp Ai Len. Hay một hậu vệ nào đó có thể chần chừ như Umtiti trong bàn thua đầu tiên trước Iceland. Có một sự thật, bộ tứ vệ của Pháp luôn bị đặt trong tình trạng báo động ở những tình huống phòng ngự trong vòng cấm, hoặc phòng ngự khu vực khi bị pressing liên tục.
Điều đáng lo hơn cả là bản lĩnh và khả năng làm chủ tình thế trong những trận đấu lớn của đội chủ nhà chưa được kiểm chứng. Mọi đối thủ họ để lại sau lưng cho đến thời điểm này không được đánh giá cao về trình độ và chất lượng chơi bóng. Và nếu như người Pháp tin rằng, đánh bại đội bóng chơi bằng tinh thần như Iceland với tỉ số đậm, lội ngược dòng trước Ai Len bình thường khác, là đủ để khiến Đức hay Bồ Đào Nha và xứ Wales e ngại, thì họ đã tự bắn vào chân mình ngay từ lúc này.
Không một nhà vô địch nào chơi theo kiểu hú họa nhiều như đội bóng áo Lam từ đầu giải
Không một nhà vô địch nào chơi theo kiểu hú họa nhiều như đội bóng áo Lam từ đầu giải. Sự không rõ ràng về cách tiếp cận trận đấu luôn khiến Pháp gặp khó khăn trước Thụy Sĩ hay Ai Len, dù cho có tạo ra được sự áp đảo về thời lượng kiểm soát bóng, thì họ vẫn chưa cho thấy cách áp đặt trận đấu thật sự là như thế nào. Vì các cầu thủ vẫn bị tâm lý khi gặp phải đối thủ cứng đầu, sẵn sàng chơi đôi công, và luôn rình rập sai lầm của đội chủ nhà để khai thác.
Thứ đáng hài lòng duy nhất là Pháp chơi càng ngày càng tiến bộ, chứ không phải là sự hoàn thiện về chiến thuật. Những miếng đánh trở nên mạch lạc hơn, có ý tưởng cụ thể để phá vỡ bức tường phòng ngự của các đối thủ. Bộ tứ kim cương Giroud – Griezmann – Payet – Pogba đã tìm thấy nhau ở trên sân, trong mọi pha bóng từ phòng ngự phản công cho tới tấn công, họ cho thấy sự kết nối cần thiết để tạo ra sự khác biệt.
7 bàn thắng trong hai trận đấu loại trực tiếp là sự trình diễn của phương pháp tấn công cơ bản, từ dịch chuyển vị trí, lôi kéo hậu vệ, tạo khoảng trống, làm tường, cho đến cách tạo áp lực, chuyển hướng tấn công, sử dụng các đường chuyền vượt tuyến và dứt điểm một chạm đều được thực hiện gọn gàng.
“Chúng tôi chưa khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo, và rõ ràng là còn nhiều vấn đề phải lo lắng, nhưng ít nhất chúng tôi có thể đặt chân lên mặt cỏ một cách tự tin hơn”, lời thú nhận của tiền đạo Oliver Giroud sau trận đấu với Iceland là câu trả lời xác đáng nhất về khả năng của Pháp hiện tại.
HLV Didier Deschamps cảnh báo sẽ không cho Đức được dạo chơi ở Marseille. Nhưng có lẽ, chính đội bóng của ông cũng không được phép biến mỗi trận đấu còn lại trở thành một buổi đi dạo trong công viên cho đối thủ, nếu muốn nghĩ đến chức vô địch vào cuối tuần này.
Người Đức thật đáng sợ
“Pháp đã có gặp khó khăn ở một số trận đấu, nhưng họ là đội bóng mạnh về tinh thần, nhưng p không thật sự mạnh trong phòng ngự, vì hai tiền vệ Pogba và Matuidi có xu hướng chơi quá cao và không thể hỗ trợ cho các hậu vệ”, HLV Joachim Loew, người thường có những hành động kì quặc trên băng ghế chỉ đạo, lại tạo ra sự trái ngược, khi luôn điểm huyệt được các đối thủ của Đức.
Như cách ông bẻ gẫy ý đồ chiến thuật của Antonio Conte, người trước đó đã tạo điểm nhấn cho Italy bằng những pha phản công cực nhanh ở cánh trái nhờ tốc độ của Giaccherini, sức càn lướt của Pelle và khả năng pressing cực tốt ở giữa sân. Nhưng chỉ với sự điều chỉnh nhỏ, đẩy Joshua Kimmich lên phía trên, gia cố hàng phòng ngự bằng Howedes, tạo ra hệ thống phòng ngự có thể lên tới 5 người, HLV Joachim Loew khiến người Ý không thể chơi theo cách đã giải quyết cả Bỉ lẫn Tây Ban Nha dễ dàng như vậy.
Đức đang khai phá thêm những tiềm năng mới so với lúc đăng quang ở Brazil
Nhiều người cho rằng, Đức chưa ở trình độ cao nhất của họ. Nhưng sự thật, đội bóng này đang khai phá thêm những tiềm năng mới so với lúc đăng quang ở Brazil. Đầu tiên là năng lực các cầu thủ được nâng cao hơn. Lấy ví dụ Jerome Boateng, bất chấp tình huống để bóng chạm tay trong trận gặp Italy bị coi là ngớ ngẩn, thì trung vệ 27 tuổi này đã cho thấy bước tiến đáng kinh ngạc, khả năng đọc trận đấu tốt hơn, chuyền bóng tốt hơn và di chuyển thông minh hơn. Và những cái tên mới xuất hiện như Joshua Kimmich hay Draxler cho thấy sự thích ứng tuyệt vời với hệ thống đã vận hành trơn tru suốt 8 năm qua.
Thứ hai, khả năng điều chỉnh chiến thuật của HLV Joachim Loew ngày càng ấn tượng. Khi nhận thấy vai trò hạn chế của số 9 ảo (Mario Goetz), ông lập tức gạt tiền vệ này khỏi đội hình và đưa Mario Gomez, một trung phong điển hình trở lại, hiệu quả đến ngay tức thì. Howedes là sự bất an bên cánh phải sau trận khai màn, ông khiến tất cả phải bất ngờ với lựa chọn có tên Joshua Kimmich. Draxler được sử dụng đúng thời điểm và trước những đối thủ phù hợp, đã giúp Đức có thêm một lá tẩy lợi hại. Hoặc Jonas Hector, chưa từng chơi một trận quốc tế nào ở cả câu lạc bộ lẫn đội tuyển, lại chơi hay đến như thế bên cánh trái khi được ông Loew đặt niềm tin.
Hơn hết, kể từ năm 2002 tới nay, Đức luôn có mặt trong tốp 4 đội mạnh nhất ở tất cả các giải đấu lớn, từ World Cup cho tới EURO, mà HLV Joachim Loew là người góp công nhiều nhất cho những kinh nghiệm phong phú này. Và quan trọng hơn, ngoại trừ năm 2008, đội ngũ cầu thủ theo chân ông kể từ năm 2010 đã trở thành nhà vô địch thế giới cách đây 2 năm. Đó là kho báu đúng nghĩa về cả tinh thần, đẳng cấp và trình độ chơi bóng mà Joachim Loew cùng các học trò sở hữu.
Triệu con tim làm nên sức mạnh tuyển Pháp
Nhưng ai dám bỏ qua sức mạnh đoàn kết và khát vọng của người Pháp, yếu tố có thể giúp họ khoả lấp những khiếm khuyết nào đó mà có thể là hàng thủ.
Giọt nước mắt của Payet chính là sức mạnh của tuyển Pháp. Nó đại diện cho sự khát khao, khiêm nhường dù xét từng cá nhân, họ đã là những ngôi sao, thậm chí còn nhỉnh hơn các cá nhân Đức.
Tới lúc để Pháp lấy lại những gì đã mất về tay Đức rồi!
PV
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags