(Thethaovanhoa.vn) - Bồ Đào Nha gặp Pháp không phải một trận chung kết bất ngờ, thần kỳ hay “cổ tích”. Đó là cuộc đối đầu của hai đội tuyển khắc họa rõ nét chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể. Có lẽ, vinh quang chiến thắng nên dành cho một đội tuyển đang chứa đựng nhiều ý nghĩa hơn chỉ là bóng đá...
- Góc Lê Thụy Hải 'Không cần hiệp phụ Pháp vẫn vô địch'
- Người dân Pháp tin đội tuyển sẽ vô địch
- Lịch sử EURO Pháp - Bồ Đào Nha
- Đừng ngạc nhiên nếu Bồ Đào Nha đánh bại Pháp và vô địch EURO
- Tuyển Pháp lo ngại khả năng không chiến siêu hạng của Cristiano Ronaldo
- Rio Ferdinand: ‘Cristiano Ronaldo sẽ HỦY DIỆT giấc mơ của người Pháp’
Ronaldo và chủ nghĩa cá nhân
Bồ Đào Nha mang đến là một góc độ khiến những nhà báo dễ dãi vui mừng: Cristiano Ronaldo. Một cầu thủ thông thường sẽ đạt đỉnh cao sự nghiệp ở độ tuổi từ 26 đến 29. Với Cristiano Ronaldo, anh tự tạo ra một “đỉnh cao sự nghiệp” thứ hai liên tiếp cho độ tuổi 30-32 bằng việc thay đổi lối chơi. Chân chạy cánh ngày nào giờ đã trở thành một tiền đạo chuyên săn bàn. Nhưng kể cả vậy, kỳ EURO này cũng sẽ là lần cuối cùng anh chơi bóng cho đội tuyển quốc gia với khả năng tốt nhất.
Chặng cuối sự nghiệp của Ronaldo đã chứng kiến một lứa cầu thủ mới mẻ của Bồ Đào Nha, tạo ra cái nền để người ta bàn tán về anh suốt cả kỳ EURO này. Selecao lật đật vào tới bán kết bằng những trận hòa và luân lưu, để cuối cùng thì, ở trận đấu thứ 6 liên tiếp ra sân, Ronaldo mới có thể thực sự tỏa sáng với 1 bàn thắng và 1 pha kiến tạo, đưa Xứ Wales về nước.
Ronaldo tới nay thường được mô tả như một biểu tượng của sự cần mẫn, thái độ chuyên nghiệp và kỷ luật cá nhân. Thành công của anh đến từ một niềm tin mãnh liệt vào bản thân, một niềm tin khiến anh gạt ngoài tất cả những gì xung quanh mình. Dĩ nhiên Ronaldo không phải người duy nhất thành công được mô tả như vậy, nhưng về cơ bản, đó là hình ảnh của anh trong con mắt những người hâm mộ.
Một chức vô địch cho Ronaldo để thỏa mãn mong muốn cá nhân của anh – giành một danh hiệu cùng đội tuyển – trước khi bước vào chặng cuối sự nghiệp? Cũng rất xứng đáng. Nhưng trước mắt Ronaldo vẫn còn đội tuyển Pháp.
Pháp: Một đội tuyển đa tôn giáo
Pháp của giải đấu năm nay là một trong những đội được kỳ vọng nhiều nhất. Không ai quên cái duyên của họ mỗi khi làm chủ nhà một đại hội bóng đá. Hai lần trước, họ đều đã đăng quang trước mắt đồng bào. Giờ thì họ đã đánh bại đội bóng được đánh giá là mạnh nhất giải – Đức.
Năm 1998, Pháp đã chiến thắng và tạo ra một hình ảnh đặc biệt: Sự đa dạng chủng tộc. Huấn luyện viên trưởng Aime Jacquet năm ấy đã bỏ ngoài tai những rèm pha khi triệu tập các cầu thủ da màu, để rồi tập thể dưới tay ông đăng quang với sự đóng góp của những công dân Pháp bình đẳng. Tại EURO năm nay, có điều gì đó rất giống Pháp năm ấy, nhưng không phải vấn đề màu da.
Pháp của 2016 là một đội tuyển đa tôn giáo. Moussa Sissoko, Paul Pogba, N’Golo Kante, Bacary Sagna là những người theo đạo Hồi. Giữa những diễn biến căng thẳng của thế giới, họ đang thể hiện một cách rõ ràng hơn bao giờ hết, rằng tôn giáo không thể là định kiến để đánh giá bất kỳ điều gì.
Và hãy nhớ rằng chỉ ngay trước khi giải đấu này diễn ra, bầu không khí đã vô cùng ngột ngạt vì những đe dọa khủng bố. Nhưng chính phủ Pháp khẳng định rằng “cuộc sống vẫn sẽ tiếp diễn”. Vòng chung kết Euro 2016 giống như một lời tuyên bố đanh thép của họ trước những sự lo lắng.
Bồ Đào Nha và Pháp, hai ứng cử viên. Nhưng có lẽ, chức vô địch sẽ có ý nghĩa hơn nếu nó thuộc về nước chủ nhà.
Trọng tài Mark Clattenburg sẽ cầm còi Trọng tài người Anh Mark Clattenburg đã được bổ nhiệm trở thành người điều hành trận chung kết EURO 2016 giữa Pháp và Bồ Đào Nha. Như vậy, đây sẽ là trận chung kết thứ ba chỉ trong vòng một tháng mà ông Clattenburg được cầm còi. Vào tháng Năm vừa qua, ông cũng là trọng tài chính trong trận chung kết Champions League giữa Real Madrid và Atletico Madrid, diễn ra trên sân San Siro. Không chỉ vậy, cũng trong tháng Năm, ông Clattenburg là trọng tài chính của trận chung kết Cúp FA giữa Manchester United và Crystal Palace. Ông Clattenburg sẽ được hỗ trợ bởi hai trọng tài biên dọc Simon Beck và Jake Collin, hai trọng tài biên ngang Anthony Taylor và Andre Marriner. Các trọng tài người Anh đang ngày càng trở nên có uy tín bên ngoài lãnh thổ. Trước ông Clattenburg, trọng tài Howard Webb cũng được xem là một trong những “vua áo đen” uy tín nhất thế giới, từng được bổ nhiệm điều hành trận chung kết World Cup 2010. Dĩ nhiên, cũng cần nhấn mạnh rằng sở dĩ các trọng tài Anh thường xuyên có cơ hội cầm còi trận chung kết các giải đấu lớn cũng là bởi sự vắng mặt của các đội bóng Anh tại giải đấu. |
Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa
Tags