(Thethaovanhoa.vn) - Có một điều chúng ta ít để ý đến, đó chính là khái niệm tiki-taka, một khái niệm mà ngay cả Pep Guardiola còn phủ nhận, cho rằng nó chỉ là rác rưởi, vì không có thứ triết lý bóng đá nào là tiki-taka cả.
1. Khái niệm tiki-taka sinh ra từ sự ngẫu hứng của Andres Montes, một BLV bóng đá của kênh LaSexta, khi ông bình luận lối chơi của tuyển Tây Ban Nha ở World Cup 2006 dưới thời Luis Aragones. Sau này, người ta mặc định tuyển TBN và Barcelona đều chơi tiqui-taka và sự mặc định ấy dễ dàng được chấp nhận bởi số đông. Sự chấp nhận ấy đến bởi một lý do đơn giản: Thời kỳ 2006-2014, tuyển TBN dựa trên bộ khung rất mạnh của Barca, đặc biệt là ở khâu tổ chức lối chơi với trái tim Xavi.
Del Bosque đến với tuyển TBN khi Aragones chia tay đội tuyển sau chức vô địch EURO 2008. Và mặc cho Del Bosque giành được cúp vàng thế giới lần đầu tiên vào năm 2010, một thách thức mà chưa từng HLV tuyển TBN nào chinh phục nổi, nhiều người vẫn không ghi công ông quá lớn. Dễ hiểu, họ cho rằng Del Bosque chỉ thừa hưởng những gì có sẵn từ Aragones, một bộ khung bất khả chiến bại ngày đó. Ở tuyển TBN, Del Bosque giống như Roger Lemere ở Pháp hồi 1998-2002. Thừa kế một đội hình ưu việt, họ không thay đổi gì, và chinh phục giải đấu kế tiếp để rồi sụp đổ ở một World Cup mà nhà ĐKVĐ được đánh giá cao nhất.
2. Nếu đánh giá thành tựu của Del Bosque, World Cup 2010 và EURO 2012 không thể là thước đo chuẩn mực bởi Aragones đã gầy công xây dựng TBN quá xuất sắc trong 4 năm 2004-2008. Với Del Bosque, thành tựu ấn tượng nhất phải là thời kỳ 4 năm với Real Madrid. Ông vẫn là HLV vĩ đại nhất của Real trong suốt 20 năm trở lại đây. 2 chức vô địch Champions League, 2 chức vô địch Liga chưa đủ để nói hết về galacticos bất khả chiến bại ngày ấy.
Và chắc chắn, cho đến bây giờ, vẫn nhiều người đánh giá Real giai đoạn Del Bosque có sức mạnh thuyết phục còn hơn cả Barca thời Pep Guardiola. Đó mới là một đội bóng do Del Bosque hình thành nên, mà trong đó đáng kể nhất là Casillas, người được Del Bosque lựa chọn và trở thành tượng đài bóng đá TBN suốt 1 thập niên qua.
Nhắc đến Del Bosque ở cả hai giai đoạn huấn luyện giàu danh hiệu ở thời điểm này, chúng ta chắc chắn sẽ liên tưởng ngay đến đội hình TBN và thất bại của họ ở Brazil 2 năm trước. Bây giờ, đó không còn là một TBN nền tảng Aragones nữa, dù rằng vẫn còn đó những cái tên nổi trội như Iniesta, Fabregas, Pique, Ramos… Bộ khung cơ bản, những người xây dựng lối chơi như Alonso, Xavi đã không còn nữa. Hàng công đã xuất hiện nhiều gương mặt mới hơn, và đội tuyển đã trở về với đúng nghĩa là một tập hợp các hảo thủ từ các CLB khác nhau.
Xây dựng một đội bóng như thế, chắc chắn phải có một cách tiếp cận mới chứ không chỉ áp dụng cái công thức thành công quen thuộc, dù công thức ấy không hẳn đã lạc hậu. Thách thức của Del Bosque nằm ở đó. Và nếu ông vượt qua được thách thức này, tài năng thực sự của ông mới khiến toàn bộ phải tâm phục khẩu phục. Đó chính là nghịch lý Del Bosque, nghịch lý khiến chúng ta ở vào trạng thái biết rằng ông giỏi nhưng vẫn cố gắng không muốn tin vào điều đó.
3. Trước thắc mắc của người hâm mộ về chuyện không dùng Casillas, Del Bosque bình thản “Tôi là người quyết định”. Chính ông đã tạo cơ hội cho anh khi anh chưa tròn 20 tuổi thì khó có thể nghi ngờ là ông ưu ái De Gea hơn anh. Ông có cái nhìn khách quan, công bằng, như cách ông thừa nhận sau trận thua Georgia rằng “Morata sẽ đá chính. Bởi thế, tôi giữ sức cho cậu ta ở EURO chứ không phải bào mòn nó ở một trận giao hữu chuẩn bị”. Và người TBN cũng đang chờ đợi vào bộ ba MSN (Morata - Silva - Nolito) của Del Bosque để nhận diện sức sống thực tế của TBN ở giai đoạn này ra sao.
Tuy nhiên, chưa chắc Del Bosque sẽ tung ra một bộ ba như vậy chỉ vì sự tương đồng vài chữ cái với Messi-Suarez-Neymar. Ông biết mình vẫn đang trong giai đoạn thử thách lớn nhất sự nghiệp cầm quân và vì thế, ông sẽ có những lựa chọn riêng, để nghịch lý Del Bosque sẽ không có thể còn tồn tại lâu thêm nữa.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags