(Thethaovanhoa.vn) - Những người chết trẻ thường để lại một cảm giác đau buồn và tiếc nuối đối với những người còn sống. Cuộc đời này quá đẹp để từ bỏ. Thế giới này quá rộng để đi. Những lạc thú và đam mê của đời còn rất nhiều mà ta chưa thể nếm trải hết. Và những bông hoa mọc trên các cửa sổ của Paris sẽ chẳng thể tàn ngay nếu ta biết chăm sóc cho chúng. Nhưng những người đã đi thì không bao giờ trở lại.
- Trên những nẻo đường nước Pháp: Có một thiên đường sách ở Paris
- Trên những nẻo đường nước Pháp: Paris, Piaf và 'cuộc sống màu hồng'
- Những nẻo đường EURO: Vì chúng ta chưa từng mất Paris
Bataclan bây giờ bị bao vây bởi những tán cây lớn. Toàn bộ tầng dưới của nhà hát bị bao quanh bởi hàng rào sắt che kín mọi kẽ hở trước những con mắt tò mò. Một dòng chữ nguệch ngoạc xuất hiện trên đó, đầy ám ảnh. Ai đó đã viết: “130 người, còn chúng ta?” (130 người là tổng số nạn nhân đã thiệt mạng trong vụ khủng bố Paris tháng 11/2015. A.N). Một câu hỏi đặt ra không có câu trả lời, vì không ai biết sẽ trả lời theo hướng nào. “Còn chúng ta”, chúng ta làm sao, chúng ta phải sống thế nào, hay tiếp theo sẽ là chúng ta? Chỉ còn nhìn thấy tầng phía trên của nhà hát. Nó vẫn đẹp với phần thượng nhìn như một ngôi chùa ngạo nghễ vươn lên trên cao. Nhưng đấy là một niềm tự hào bị tổn thương, bởi mặt bên của nhà hát đã được bọc kín bởi những hàng rào, những tấm biển trắng, những giàn giáo nhô cao đến hết chiều cao của nhà hát. Nơi ấy, có những mạng sống đã được cứu khi họ tìm cách nhảy ra từ một cửa sổ của nhà hát. Nơi ấy có lối thoát hiểm của Bataclan, là nơi mà niềm hy vọng sống đôi khi đồng nghĩa với một cú nhảy từ độ cao vài mét. Trên ban công tầng 2 phía mặt ngoài của nhà hát, có một chiếc bàn tròn và một chiếc ghế trống nhìn thật lạnh lẽo dưới nắng.
Liệu có ai đó đã ngồi đây vào đêm ấy, khi những tiếng súng vang lên chát chúa khiến những tiếng hò reo vì âm nhạc nghẹn lại, thay vào đó là tiếng la hét vì sợ hãi, tiếng người ngã xuống mặt đất, tiếng rên rỉ của những người bị thương hoặc hấp hối, và bao trùm tất cả, tiếng của cái chết? Không ai biết được, nhưng trong một chiều Paris đứng trước Bataclan, rất nhiều suy nghĩ ập tới khi nghĩ đến các nạn nhân. Tôi đọc rất nhiều báo sau cái ngày khủng khiếp ấy và cảm thấy gai người sau khi nhận được message từ một người bạn, thông báo rằng, anh vừa mất đi một người bạn, một cô gái Ý, một người con của Venice trên mặt nước. Bố mẹ cô vẫn sống ở Venice, trong một ngõ nhỏ gần trung tâm thành phố, ngay gần những cửa hàng nghệ nhân làm mặt nạ truyền thống. Những thông điệp dành riêng cho Valeria, những bức tranh về cô vẫn được dán ở phía gần nhà cô, như một sự nhắc nhở đầy ám ảnh về một cái chết. 88 người khác cũng thế. Mỗi người có một cái tên, một số phận, những câu chuyện để kể hoặc không kể. Họ chết cùng một chỗ, cùng một ngày, có thể không quen biết nhau, nhưng số phận đã gắn kết họ theo một cách.
Bây giờ, hoa không còn được đặt ở nhà hát Bataclan nữa. Không còn bất cứ một dấu vết nào của vụ xả súng ngày đó vào các giá trị Phương Tây và reo rắc nỗi sợ hãi tại nơi đây ở Bataclan (nhưng rất nhiều hoa, và hoa lúc nào cũng tươi, cùng với những lá cờ, được đặt ở quảng trường Cộng hòa nằm ở một đầu của đại lộ Voltaire). Ban quản trị nhà hát đã tuyên bố sẽ đóng cửa vô thời hạn, trước khi đưa ra một tuyên bố mới vào đầu năm nay, rằng Bataclan sẽ mở cửa trở lại vào trước 2017. Những show diễn đã bị hủy bỏ. Cơn sốc đã bao trùm tất cả, cả ở đây, cả đại lộ Voltaire và những con phố nhỏ có các quán cà phê hoặc quán ăn cũng bị xả súng bắn vào cái đêm tháng 11 lạnh lẽo đó. Nhưng cuộc sống phải tiếp tục, những nỗi đau cũng sẽ được thời gian hàn gắn, và xét cho cùng, chẳng điều gì có thể ngăn cản được cuộc sống nơi đây vẫn trôi, gấp gáp và đầy màu sắc. Những dòng xe vẫn lao qua nơi này tấp nập hàng ngày. Tiếng còi xe, tiếng phanh gấp, tiếng xe gắn máy, tiếng người cười nói từ các quán cà phê vỉa hè, cả tiếng cãi nhau của một cặp vợ chồng… hòa thành một bản hòa ca hỗn độn của cuộc sống bên cạnh sự im lặng trong chết chóc của một nhà hát nhỏ ngay cạnh đó, nơi rất nhiều người đã đến và không trở về. Những cửa sổ và ban công ở đại lộ Voltaire phấp phới rất nhiều lá cờ Pháp từ hồi đó đến giờ. Đấy có lẽ là con phố có nhiều lá quốc kì Pháp nhất Paris.
Tôi ngồi một lát trong một quán cà phê gần nhà hát Bataclan. Những người làm việc ở đấy cũng từng chìm trong cú sốc lớn lao khi chứng kiến cái chết lạnh lùng lướt qua sống lưng họ, và họ có lẽ cũng cám ơn Chúa đã cho họ sống, khi những họng súng khủng bố không nhắm vào họ. Họ không muốn nhắc đến ngày đó nữa, vì muốn thời gian sẽ giúp họ vượt khỏi những nỗi đau và sự sợ hãi. Có một người duy nhất muốn nói với tôi về chuyện ngày đó ở Bataclan, một chàng bồi bàn dễ thương, người đã không có mặt vào đêm đó ở quán của mình, vì anh làm ca sáng. “Tôi ngồi nhà và xem trận giao hữu Pháp-Đức hôm ấy trên sân Saint-Denis. Thế rồi, bạn bè gọi điện và bảo nhà hát gần chỗ tôi đã bị khủng bố, rất nhiều người chết. Tôi sốc nặng”, anh nói. “Sau tất cả những gì xảy ra, tôi chợt nhận thấy cuộc sống này thật có ý nghĩa và phải cố gắng không để nó trôi đi mà không đọng lại điều gì. Tự dưng tôi thèm có một người phụ nữ để ôm nàng và ái ân hàng đêm, thèm có một căn nhà của riêng mình để bày bừa ra rồi dọn, thèm có những chuyến đi đâu đó đến tận cùng thế giới. Tôi có tham quá không nhỉ?”.
Không, anh bạn ạ, đấy là giấc mơ rất bình thường và có lẽ những người đã đến Bataclan và không trở về đêm đó cũng đã mơ, hoặc đã thực hiện một phần những ước muốn ấy. Và những gì họ chưa làm được thì những người thân yêu còn sống sẽ làm cho họ. Chẳng hạn nhà hát Bataclan sẽ lại vang tiếng nhạc vào cuối năm nay. Chẳng hạn Pháp sẽ chơi một trận để đời trước Đức, 8 tháng sau cái ngày bi thảm ấy, và cho thấy một điều mà bọn cuồng tín khủng bố không thể ngăn cản được: đấy là niềm hạnh phúc của việc được ăn mừng, được sống. Chẳng hạn, Griezmann sẽ ghi bàn vào lưới Neuer, như một sự nhắc nhở rằng, 8 tháng trước, anh cùng đội Pháp đá với Đức ở Saint-Denis, khi những tiếng bom khủng bố vang lên, và Maud, chị gái anh, đã bị mắc kẹt lúc lâu trong nhà hát Bataclan cùng lúc ấy, khi bọn khủng bố ập vào. Maud may mắn hơn nhiều người khác hôm ấy. Cô thoát ra sống sót.
Những người trẻ ấy đã chết ở Bataclan, và nhiều người khác đã chết cùng lúc ở một số nơi khác của Paris. Điều quan trọng là những người còn sống hãy làm điều gì đó, có thể là thật giản dị thôi, để những cái chết ấy không trở nên vô nghĩa…
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Paris, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Tags