(Thethaovanhoa.vn) - Cứ sáng thứ Tư hàng tuần, thành phố nhỏ nhưng rất đẹp ấy biến mình thành trung tâm của một ngày hội lớn Provence: ngày họp chợ. Nhưng đấy không phải là một cái chợ bình thường như rất nhiều chợ khác họp trong tuần ở nhiều thành phố và làng mạc cổ kính khác của Provence, đấy là chợ lớn và nổi tiếng nhất ở vùng đất của oải hương này.
- Những nẻo đường EURO: Tình yêu màu tím
- Những nẻo đường EURO: Trên mảnh đất của những người thích đùa
- Những nẻo đường EURO: ... Và Thượng đế đã tạo ra Saint Tropez
- Những nẻo đường EURO: “Đời quá ngắn để uống rượu dở”
- Những nẻo đường EURO: Cabaye và chuyện đá bóng của người Việt ở Pháp
Cà chua đỏ như môi Marilyn Monroe, rượu mùi vàng như tranh Van Gogh
Tôi biết đến Saint Rémy de Provence lần đầu tiên cách đây nhiều năm trước. Một cuốn sách về nước Pháp đã nhắc đến việc Vincent Van Gogh (1853-1890) đã từng sống trong những năm cuối đời ở tu viện Saint Paul de Mausole ở Saint Rémy de Provence, và ở đó, danh họa người Hà Lan đã lấy ánh nắng, con người, cảnh sắc của thành phố đáng yêu và vùng xung quanh này làm cảm hứng cho 150 tác phẩm của mình, trong đó có bức bất hủ “Starry night” (Đêm đầy sao). Ở đây, người ta vẫn nhắc đến họa sĩ bạc mệnh này với sự ngưỡng mộ và kính trọng, vẫn dành một không gian riêng để tôn thờ người đã đến đây sống, vẽ và biến đây thành nơi hành hương của những người hâm mộ ông.
Nhưng hôm tôi đến Saint Rémy de Provence, đấy là ngày họp chợ của thành phố, và sắc vàng mà Van Gogh đã thấy trên những cánh đồng lúa mì đã gặt xong, màu vàng trong nắng và trong cả những nỗi buồn của ông, được thay bằng màu vàng của rượu apricot. Cái chất buồn buồn và tuyệt vọng của Van Gogh trong kí ức của tôi xem ra không hợp với một không gian sinh động và đông nghịt người đi chợ Provence mà giống như đi trảy hội.
Những gian hàng bày bán đủ thứ sản phẩm của vùng Provence choán hết tầm mắt khi chúng khoe mình bên nhau: hàng cá đứng cạnh hàng sửa khóa, những quầy bán dâu đỏ mọng và dưa lưới đặc trưng của vùng đất khoe mình bên những người đang chào mời tất cả những ai đi qua một lát phó mát hoặc thịt hun khói, những người họa sĩ bày bán những bức tranh vẽ các cánh đồng oải hương ở Luberon và Valensole cũng như phong cảnh của Gordes, Forcalquier hay Bonnieux bên cạnh một người bán tỏi khô, và người này ngồi cạnh một bác già bán kẹo nougat. Rồi nữa, quầy bán xà phòng thơm và các hương liệu chiết xuất từ oải hương của một cô nàng rất xinh có hàng xóm là một ông bán phó mát có nụ cười thật hóm hỉnh.
Đấy là một sáng cuối tháng 6, mà cái nóng của ngày hè không làm cho những người nông dân từ khắp nơi ở Provence đổ về bán hàng và người mua, hầu hết trong số đó là du khách, cảm thấy mệt mỏi đến mức phải bỏ cuộc. Có quá nhiều cám dỗ trong hằng hà sa những quầy hàng của một cái chợ đã tồn tại hàng thế kỉ và luôn họp ở đây hàng tuần, không hề thay đổi, bất kể những biến động của lịch sử.
Đã bao năm rồi vẫn thế, mùi của cái chợ họp trong phố-mùi của các món ăn, của thịt, cá tươi, rau quả, phó mát, đồ nướng, đồ ăn thơm ngậy của các quán ăn rất ngon trong khu phố, hòa chung trong mùi nước hoa và mùi oải hương. Màu trắng ngả vàng của những chiếc mũ phớt hòa cùng màu đỏ của những cái ô, màu xanh của rau, màu vàng của cam, màu tím của các bánh xà phòng có mùi oải hương và lại nữa, màu đỏ còn hơn môi Marilyn Monroe của những quả cà chua. Xa xa, ở một góc của quảng trường đối diện với đại lộ Marceau, nơi mà chợ Saint Rémy de Provence bắt đầu, đức Chúa bị đóng đinh câu rút trên một cây thập giá bị bao vây giữa những giá treo quần áo may sẵn bày bán. Lối đi vào nhà thờ thành phố chất đầy những túi cói đủ màu.
Lạc bước ở Saint Rémy de Provence
Một quầy bán đĩa CD và đĩa than cũ đang bật bản “La vie rose” (Cuộc sống màu hồng) với giọng hát của Edith Piaf. Đúng rồi, ở cái vùng mà cuộc sống dường như đang trôi rất chậm và đồng hồ chỉ có giá trị tham khảo, người ta sống thật chậm, với nụ cười rạng rỡ trong mắt và đôi môi luôn sẵn sàng nói “Bonjour” (Xin chào).
Ở Saint Rémy de Provence cũng như bao vùng quê khác của vùng đất đông nam nước Pháp đẹp đẽ này, những phiên chợ là một phần của cuộc sống và văn hóa nơi đây. Người ta không chỉ đến đây, sau những hành trình trên các con đường ngoằn ngoèo hết lên lại xuống giữa các cánh đồng oải hương tím ngắt và thơm ngai ngái, cũng không chỉ đi trên những con đường bằng thẳng tắp trên lối vào các thành phố, với những hàng cây tán rộng cao vút đã đi vào điện ảnh, trong các bộ phim của Jean-Luc Goddard và văn học, với các tác phẩm của Albert Camus, mà còn sống trong nhịp sống của vùng đất.
Tôi đã từng qua những phiên chợ vùng quê ở Nam Phi, nơi người ta bán đủ thứ, từ đồ ăn, đồ gia dụng cho đến đồ cũ, đã qua nhiều nước Châu Âu khác và cũng chen chân vào các hội chợ làng. Những cái chợ cũng như bản thân người bán, là một phần tâm hồn của những nơi đó, và ta đi đến những nơi rất nhiều màu và nhiều mùi đó, đôi khi không chỉ để mua một cái gì đó mang về, mà là để ngắm cuộc sống tại nơi ấy đã trôi ra sao.
Tôi mua một túi hoa oải hương khô cùng một lọ nước hoa. Cô bán hàng rất xinh bảo rằng chỉ cần rỏ vài giọt vào túi oải hương đó và treo lên trong xe là cứ thơm mãi thôi. Cô không sống ở Saint Rémy de Provence mà ở Valensole, nơi có những cánh đồng oải hương bạt ngàn trong sắc tím. Nhiều người bán hàng ở đây cũng đến từ các nơi khác.
Nhưng Saint Rémy de Provence, thành phố dễ thương ấy, giống như một điểm tụ hội của những người thích cuộc sống ở nơi này, nơi mà ta có thể đến với cái bụng rỗng và ra về đã no căng (mà không mất một đồng). Đơn giản vì người bán hàng nào cũng mời mọc bạn một miếng từ những thứ mà nhà họ đã làm, từ phó mát, bánh mì, kẹo, hoa quả cho đến thịt thà. Tôi thích những sản phẩm từ hoa oải hương, bánh ngọt và cả những ổ bánh mì rất đặc biệt chỉ nơi đây mới có, thích cả cái cảm giác được lắng nghe tiếng rao của những người bán hàng khi mình ngồi nghỉ trong một quán và uống một chút rượu làm từ cây ngải đắng (absinthe). Người ta bảo rằng, thứ rượu ấy đã khiến Van Gogh phát điên đến mức đã cắt tai sau một thời gian đến sống ở Provence...
Cách không xa cái chợ ồn ã, đông người và hòa trộn đủ thứ mùi hương ấy, có một căn nhà nhỏ đang đứng rất im lìm trên phố Hoche. Nhà mang số 6, không có vẻ gì khác những căn nhà nho nhỏ khác trong thành phố, ngoại trừ có 2 tấm biển được lên đó, cùng với nội dung ghi rõ Michel de Nostredame đã sinh ra ở đây vào năm 1503. Con người ấy không phải ai khác mà chính là nhà tiên tri Nostradamus, với những vần thơ tiên đoán về những sự kiện xảy ra trên thế giới trong nhiều thế kỉ sau đó. Điều gì đã khiến ông đưa ra những dự báo ấy vẫn còn là một điều bí ẩn. Liệu trong những lời tiên tri ấy, có câu nào nhắc đến việc Pháp sẽ vô địch EURO?
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Saint Remy de Provence, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Tags