(Thethaovanhoa.vn) - Lyon đẹp như một giấc mơ. Ở thành phố mà khu trung tâm trông như bàn cờ dọc ngang những tòa nhà lớn nhưng không có vẻ gì lạnh lẽo của gạch, đá và những cửa sổ xa cách, bạn sẽ không có cảm giác là một người lạ ở đây.
- Những nẻo đường EURO: “ISIS, chúng mày đang ở đâu?”
- Những nẻo đường EURO: Trong suy thoái và nguy cơ khủng bố
- Những nẻo đường EURO: Ở nơi đã sinh ra Zidane
- Trên những nẻo đường nước Pháp: Nice, trong cơn mưa đầu hạ
Thủ đô ẩm thực thế giới
Lyon không phải Paris, đương nhiên rồi. Nó ít du khách hơn, ít ầm ỹ hơn. Một người bạn Pháp thậm chí bảo Lyon rất đặc biệt. Nó không cần người khác khám phá bản thân, và những ai đến đây hoàn toàn có thể tự do lựa chọn yêu nó hay ghét nó. Người Lyon thì thích đồ ăn đặc trưng ở nơi này. Họ có thể ăn và nói về đồ ăn cả ngày, và cũng không quan tâm đến người khác nghĩ gì. Đơn giản là họ ăn và yêu đồ ăn của chính mình.
Tôi không nghĩ theo cách cực đoan ấy khi ngồi ăn đĩa gan bê tái trong một “bouchon”. Đấy là một quán cổ, rất đông khách. Cuộc sống trôi đi chầm chậm, yên bình và sinh động trong một nơi mà người ta ăn, uống, hưởng thụ và chìm đắm trong một bầu không khí đúng kiểu Lyon: Mùi đồ ăn bốc lên thơm nức mũi ở khắp ngõ ngách của nơi này.
Ở thành phố được coi là thủ đô ăn uống của thế giới, ta có thể ăn những gì tinh túy nhất, với các món được chế biến một cách sáng tạo gợi bao thèm thuồng từ nội tạng, đầu và đuôi của các động vật như lợn, gà hay bê. Sức quyến rũ có thể đến từ những miếng pho mát Saint Marcellin, những lát đùi thịt lợn muối, món súp rau nổi tiếng Ratatouille cho đến những đĩa gan bê như tôi đang ăn và thứ đồ uống khai vị màu đỏ như máu của vùng Beaujolais có tên communard (theo tên của những người theo Công xã Paris vào năm 1871). Menu của các quán trông chẳng khác các tác phẩm nghệ thuật theo trường phái ấn tượng để nhìn và rất trừu tượng để phán đoán các món sẽ ngon cỡ nào.
Lyon, tóm lại là một nơi mà người ta không thể cưỡng lại được sự tấn công vào các giác quan từ mọi thứ liên quan đến ẩm thực, coi đó như là nghệ thuật, hơn thế nữa, thưởng thức nó là một phong cách sống. Nhưng cái đêm lang thang trong đó, tôi lại nhìn thấy một điều khác nữa.
Không hooligan, chỉ có sự hòa nhã
Đám cổ động viên Bỉ đang vừa uống bia vừa hát ở một góc đường gần đó, nhẹ nhàng và lịch lãm đáp trả cánh tifosi Ý vừa cất lên bản “Inno Mameli” (Quốc ca Ý). Họ đứng đó và hát, khi trời đã bắt đầu trở lạnh và có hạt mưa.
Hàng trăm người như thế trong màu áo đỏ truyền thống của “Những con quỷ Đỏ” Bỉ và màu áo Thiên Thanh của Ý, tay giơ cao những cốc bia và hát vang những bài hát quen thuộc họ hay hát trên sân vận động. Thế rồi bỗng dưng có ai đó chuyển giai điệu, và cả hội ca vang một đoạn của bài “You’ll never walk alone”, bài hát của các cổ động viên Liverpool, nhưng nay đã thành một dạng “bóng đá ca” của những người hâm mộ bóng đá châu Âu. Vui vẻ, hòa nhã và không ai muốn làm hỏng bầu không khí tuyệt diệu của một đêm cuối tuần bằng thái độ gây gổ như của các hooligan Anh.
Điều gì đã khiến họ như thế? Những thứ đồ ăn rất ngon trong các “bouchon”, ảnh hưởng từ cuốn “Hoàng tử bé” của Saint-Exupery, một người con của Lyon, khiến họ có một cái nhìn trong trẻo và thơ ngây về thế giới như chính nhân vật của tiểu thuyết, hay họ cũng như tôi, khi đã phải lòng một nơi nào đó, sẽ không quan tâm đến bất cứ điều gì khác nữa ngoài những điều đẹp đẽ đã cảm nhận từ nơi ta đến, từ chính những người rất dễ mến ta đã gặp? Hay là vì Lyon quá gần gũi, không tạo ra một cảm giác có một cái Tôi quá lớn như Paris, không đắt, đông đúc, sôi động và có vẻ xa cách như Paris?
Có thể như thế, cũng có thể không. Nhưng những nơi tôi đã đi qua trên đất Pháp trong những tháng ngày bóng đá này, trong đó có Lyon, đều có sức quyến rũ riêng từ những đặc trưng của nó. Và những điều hay nhất ấy ta không thể cảm nhận được nếu không mở lòng (và cả dạ dày) của chính mình, không lang thang và tự để mình lạc trong những con phố, những con đường, dòng sông, ngọn đồi của mảnh đất này. Sống, xét cho cùng, là tự do, và tự biết cảm nhận những điều tuyệt vời nhất mà cuộc đời đem lại. Phải vậy không?
Nơi mà Paul Bocuse còn hơn là một siêu sao… Ông không phải là một ngôi sao của điện ảnh Pháp, không phải một diễn viên kịch, lại càng không phải là một nhà thể thao kiệt xuất. Con người nhìn bề ngoài có vẻ già nua, nghiêm khắc và khó tính ấy là một đầu bếp nổi tiếng, và ông là biểu tượng của nền ẩm thực Lyon, một lí do khiến cho thành phố này trở thành thủ đô ẩm thực của nước Pháp. Trên mảnh đất miền Đông nước Pháp này, ăn uống được coi là một nghệ thuật, một phần bởi sự tồn tại của các “bouchon” trong nhiều thập kỉ, phần vì đầu bếp nổi tiếng nhất Pháp đang sống và nấu ăn ở đây. Không ngạc nhiên khi mà các fan bóng đá chỉ nói về Olympique Lyon, coi đó như một tượng đài lớn của bóng đá Pháp vào thời kì trước khi các ông chủ Arab xuất hiện và đổ hàng tấn tiền vào PSG, thì những người sành ăn coi Lyon là một thiên đường của ẩm thực và bản thân Paul Bocuse là Giáo hoàng của những người đầu bếp. Lyon có tới 2 nghìn nhà hàng, trong đó có 20 nhà hàng được gắn sao Michellin. Người ta bảo, con đường đi đến trái tim luôn đi qua dạ dày. Tôi tin là thế, sau một đêm ngồi ăn trong một quán quen ở Lyon và ngắm nhìn cuộc sống của thành phố này lặng lẽ trong một cơn mưa lạnh đầu hạ. |
Trương Anh Ngọc (từ Lyon, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Tags