(Thethaovanhoa.vn) - EURO 2016 là mùa giải EURO đầu tiên trong lịch sử mà đội vô địch sẽ phải đá đủ 7 trận. Tuyển Anh đã qua 2 trận và chỉ cần 2 trận ấy thôi, tôi có thể nhận xét ngay từ lúc này rằng: “Đây không phải giải đấu dành cho Kane”.
- Quan điểm của tôi: Deschamps phải cẩn thận với xoay tua
- Quan điểm của tôi: Supersub và Super Star
- Quan điểm của tôi: Lẽ ra Zlatan phải là tuyển thủ Italy
- Quan điểm của tôi: Chúng ta là Anh và xứ Wales
Tâm lý thi đấu ấy được xây dựng từ nhiều yếu tố: cá tính, thái độ, tinh thần, bản lĩnh và quan trọng nhất là sự tự tin. Harry Kane cho thấy dường như anh đang dần mất đi sự tự tin của mình sau 135 phút thi đấu trước Nga và xứ Wales.
Có vẻ rất kỳ lạ với Kane khi anh bắt đầu EURO với nhiệm vụ đá phạt góc. Đó không phải là lựa chọn của anh, càng không phải anh giành lấy nó như nhiều người suy đoán vội vã. Đó là sự phân nhiệm của chính Roy Hodgson. Và khi HLV trưởng giao cho trung phong xuất sắc nhất của mình nhiệm vụ đá phạt góc, chính ông ta đã tước đi sự tự tin ban đầu của người trung phong ấy.
Nhận nhiệm vụ sút phạt góc, chắc hẳn Kane sẽ nghĩ rằng: “Tại mình có khả năng đá phạt góc tốt nhất đội chăng? Hay tại mình không nguy hiểm trong các pha dứt điểm từ tình huống bóng chết như các đồng đội khác?”. Chỉ nội việc đặt ra câu hỏi ấy thôi, tâm lý thi đấu của Kane đã bị ảnh hưởng rất nhiều. Và nếu như anh là người chuyên nghiệp, chỉ cần nhận nhiệm vụ, không tự hỏi, không tự băn khoăn gì đi chăng nữa thì tâm lý thi đấu của anh vẫn cứ không tốt qua từng phút thi đấu trên sân khi mà thứ người ta cần anh đáp ứng lại không diễn ra: bàn thắng.
2. Tờ Mirror ra số Chủ Nhật vừa rồi đã giật cái tít khá thú vị là “Hodgson có thể không phải HLV tài năng nhưng ông sẽ là viên kim cương nếu để Vardy đá chính”.
Cái tít ấy có đến với Kane hay không? Không một ai trong đội tuyển Anh có thể ngăn cản tin tức dạng đó đến với Kane cả. Báo chí tiếp cận với cầu thủ mỗi ngày và ngay cả việc các câu hỏi về chuyện Kane hay Vardy, ai xứng đáng đá chính hơn, cũng đủ để Kane dao động.
Một ví dụ khá hay là trường hợp của Pogba ở tuyển Pháp. Khi Payet ghi bàn thắng ấn định trận thắng Albania, Pogba được cho là đã có hành động ăn mừng quá khích, một động tác gọi là Bras d’honneur, động tác cấm kỵ trong văn hoá Pháp nói riêng và nhiều nước phương Tây nói chung. Ai cũng nghĩ Pogba phản ứng lại Deschamps vì cất anh trên ghế dự bị nhưng thực chất, anh phản ứng với báo chí, những người đã luôn lôi anh ra để mổ xẻ sau trận gặp Romania.
Ví dụ ấy cho thấy, báo chí tác động đến tâm lý cầu thủ mạnh mẽ như thế nào. Và câu chuyện Kane hay Vardy cũng sẽ khiến Kane bị ảnh hưởng rất nhiều. Câu chuyện ấy lại được phụ hoạ thêm bởi việc Kane nhường chỗ cho Vardy và tiền đạo Leicester lập tức ghi bàn gỡ hòa cho Anh trước Wales. Sự so sánh bắt đầu đậm nét hơn từ đó.
3. Thêm vào đấy, nhìn cách Kane dứt điểm ở trận mở màn và ở 45 phút đầu tiên gặp Wales, chúng ta thấy rằng sự nôn nóng bắt đầu tăng dần trong anh. Và khi nôn nóng, người ta khó có được kết quả tốt. Các cú dứt điểm hỏng sẽ càng khiến sự tự tin mất dần. Chiến thắng là một thói quen và thất bại, vì thế, cũng là một thói quen.
EURO này sẽ là một EURO mờ nhạt của Kane, trừ phi đêm nay anh làm được điều gì đó kỳ diệu (tất nhiên là Hodgson phải để anh ra sân và đừng quay lại bắt anh đá phạt góc nữa). Chỉ có một điều kỳ diệu sớm mới có thể cứu vãn EURO của Kane mà thôi. Nhưng điều kỳ diệu thì lại là thứ không hoàn toàn dễ xảy ra chút nào. Bởi thế, người ta mới gọi nó là kỳ diệu…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags