(Thethaovanhoa.vn) - Thú thực là chưa bao giờ tôi thích Cristiano Ronaldo. Thậm chí, tôi từng rất ghét cầu thủ ấy, nhất là khi anh còn khoác áo Man United. Đơn giản, tôi thích Arsenal hơn nên với tôi, CR7 là một đối tượng ‘đáng ghét’.
1. Nhưng càng ngày, tôi càng cảm thấy có thiện cảm với Ronaldo hơn. Chắc tại một phần do tuổi tác. Khi mình đủ già, mình cảm thấy những yêu ghét vị kỷ nhiều khi phi lý. Và hơn nữa, CR7 thực tế chẳng có gì để đáng bị ghét bỏ cả, nhất là khi anh ta vẫn là một cầu thủ đẳng cấp thực sự, ở tầm vóc thế giới.
Và sau trận gặp Hungary mà CR7 đã tỏa sáng vượt kỳ vọng, là cầu thủ duy nhất từ đầu giải tới nay được L’equipe chấm 8 điểm trong 1 trận đấu, tôi cảm thấy rằng lẽ ra anh phải ở một nơi khác chứ không phải Bồ Đào Nha, đội tuyển mà trong trận cầu tưng bừng của CR7 vẫn có những cầu thủ chơi rất dở, như Eliseu (L’Equipe cho 2 điểm), như Carvalho…
Ngay khi xem hình ảnh Ronaldo nổi điên lên với đồng đội vì để bị lọt lưới bàn thứ 3, hình ảnh mà lập tức các camera trên sân bị cuốn hút ngay, thay vì tìm kiếm gương mặt người ghi bàn là Dzsudzsak, chúng ta có thể nhận thấy những thông điệp rất rõ.
CR7 là thế. Anh luôn là tâm điểm của truyền thông, đặc biệt là khi anh làm điều gì đó hơi “quái gở”. Họ thích “troll” anh nhiều hơn là ngợi ca những gì anh làm được. Và đến hôm nay, ít ai nhắc đến sự xuất sắc của Ronaldo trước Hungary. Thay vào đó, họ nối tiếp trò cười từ anh bằng hình ảnh “như con bọ gậy” kia sau khi đã ném vào anh hàng triệu chỉ trích vì chuyện anh vứt chiếc micro của một phóng viên xuống hồ nước.2. Có ai biết được người phóng viên đã hỏi gì Ronaldo không? Có ai dám chắc rằng cả đời mình không bao giờ nổi đóa lên vì một câu hỏi “đểu” không? Có ai dám chắc rằng chiếc micro kia đang được chuyển tới CR7 để mong anh mở miệng sau một câu hỏi tử tế không? Chẳng ai dám chắc điều đó, trừ anh, những người quanh anh, và gã phóng viên đã đưa câu hỏi cho anh.
Vậy mà chúng ta lại nắm quyền phán xét trong tay, như bất kỳ cuộc đấu tố online nào mà chúng ta vẫn say sưa mỗi ngày.
Để rồi, mỗi ngày chúng ta mỗi thấy Ronaldo kỳ dị hơn, quái đản hơn, đáng ghét hơn, xuẩn ngốc hơn.
Còn tôi, sau khi nhìn vào hình ảnh Ronaldo nổi đóa trên sân với đồng đội của mình, tôi chợt nhớ đến một câu hát nổi tiếng của Radiohead, viết về một gã trai bị coi là dị hợm trong mắt của mọi người nhưng vẫn muốn thổ lộ tình cảm của mình với một cô gái. “Tôi là gã dị hợm. Tôi là kẻ xuẩn ngốc. Tôi là kẻ kỳ dị. Tôi làm quái gì ở nơi này nhỉ? Tôi không thuộc về nơi này”.
3. Đúng, Ronaldo không thuộc về nơi ấy, đội tuyển BĐN hôm nay. Giả như quanh anh là những đồng đội như tuyển TBN chẳng hạn, có thể anh đã cùng họ chinh phục đỉnh cao. Hoặc chỉ cần anh là đồng đội của Bale ở xứ Wales thôi, chắc chắn anh đã có một cuộc chơi hạnh phúc hơn. Những đồng đội từng chơi với CR7 ở CLB trách nhiệm hơn rất nhiều so với những người trong màu áo ĐTQG của anh. Trong khi anh miệt mài kiếm tìm chiến thắng bằng một cú chọc khe cho Nani, một cú giật gót điệu nghệ, một cú đánh đầu mãnh lực, đồng đội của anh mang tất cả ra đốt, rất nhanh, như thể họ cho rằng nếu họ để lọt lưới 1, Ronaldo có thể mang lại cho họ 3 bàn thắng dễ dàng.
Và thực sự, Ronaldo là người vẫn rất cần tình yêu của khán giả, như cậu trai tự nhận mình là dị hợm trong bài hát của Radiohead kia. Nhưng khán giả, có những người vì trót yêu Messi, vì tin vào truyền thông, vì thích “troll”, đã lăn xả vào các cuộc “đấu tố” Ronaldo đầy hào hứng, như thể họ chứng kiến mọi chuyện của chính anh…
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags