(Thethaovanhoa.vn) - Deschamps có phải là một HLV giỏi hay không? Nhìn vào những gì Les Bleus thể hiện từ mùa Thu năm 2012, khi Deschamps tiếp quản đội bóng từ tay Blanc, chúng ta khó có thể cảm thấy khẩu phục chứ đừng nói đến tâm phục.
1. Ngay cả những người thuộc giới chuyên môn cũng phải nhận xét rằng Les Bleus thực chất đang chỉ gặt được thành quả từ những cá nhân tỏa sáng, một cách rời rạc, hoặc theo các tình huống mang tính tổ hợp, chứ không phải từ một tập thể có lối chơi cuốn hút và thuyết phục như thời 1998-2000. Tất cả những hiện tượng đó đều được quy về nguyên nhân duy nhất: HLV trưởng, vì ai cũng hiểu, mảng miếng phối hợp, lối chơi trên sân, các bài đánh hoặc các bài chống phản công… đều do HLV mà ra cả. Sự rời rạc của Les Bleus, bởi vậy, theo nhiều người là lỗi của Deschamps.
Và ở vào lúc này, khi những gì Les Bleus bày ra trên sân lẫn những đóng góp của giới chuyên gia đều cho thấy việc đưa Griezmann vào đá ở trung tâm, ngay sau lưng Giroud (hoặc Gignac) như một tiền đạo lùi trong sơ đồ 4-2-3-1 là hợp lý hơn để anh chơi xuất phát ở biên phải trong sơ đồ 4-3-3 nhưng Deschamps vẫn không thay đổi theo hướng “hợp lý” ấy, chúng ta lại càng tin tưởng vào nhận định của mình hơn. Chúng ta cảm thấy Deschamps đang cứng nhắc, và mang lại nhiều thất vọng.
Song, Deschamps là người linh hoạt. Ông sẵn sàng thay đổi khi thấy cần thay đổi. Và việc ông không tỏ ra rõ ràng rằng mình sẽ xây dựng Les Bleus theo sơ đồ nào chỉ cho thấy một điều duy nhất. Phải chăng ông không muốn Les Bleus quá lộ bài? Phải chăng ông đắn đo rằng, ở tư thế chủ nhà, trong tay lại nhiều cầu thủ tấn công loại giỏi, Les Bleus là tâm điểm theo dõi của nhiều đối thủ? Hay ông muốn giữ cho đội bóng một sự bí ẩn, sự bí ẩn mà L'Equipe nhận định rằng “Deschamps lại tiếp tục ẩn mình”?
Nếu vậy thì tại sao Deschamps lại bí ẩn như thế ở lần ra quân này mà ông không thực hiện nó ở World Cup 2014, khi Pháp thực sự rất có cửa cạnh tranh? Và tại sao ông thực hiện cái bí ẩn ấy khi bản tính thực sự của ông luôn đề cao sự chắc chắn và ổn định? Khó có thể tin rằng một người ở tuổi gần 50 như ông lại có thể thay đổi bản tính một cách dễ dàng thế???
2. Thực tế, Deschamps cũng không có phương án nào khác là phải ẩn mình như thế. Ông bắt tay vào EURO với một sự đổ vỡ về kế hoạch, sự đổ vỡ mà bản thân ông cũng không lường được sẽ xảy ra. Kế hoạch ấy, ông đã bám chắc vào nó kể từ 2012, khi ông lần đầu làm việc với ĐTQG.
Trong chuyến du đấu Nam Mỹ thua tan nát hồi 2012, Deschamps không mang đội hình mạnh nhất theo, mà chỉ mang những cầu thủ trẻ. Ông trả lời chất vấn báo chí bằng câu trả lời khá lạnh “Ồ, tôi không lên kế hoạch cho chuyến du đấu này. Tôi chỉ đáp ứng đúng lịch thi đấu của FFF đã lập ra mà thôi. Còn ĐTQG của tôi ư, phải bắt đầu vào vòng loại World Cup tôi mới tính đến”.
Sau chuyến du đấu ấy, Deschamps định hình cái khung hàng thủ, hàng tiền vệ rất nhanh. Hàng thủ thuộc về Sagna - Varane - Koscielny (hoặc Sakho) - Evra, tuyến tiền vệ là bộ ba Pogba – Matuidi – Cabaye. Ông cố định với công thức ổn định đó đến tận cuối năm 2015, khi mọi toan tính vẫn theo lộ trình. Nhưng khi mùa giải 2015-16 càng gần đến ngày khép lại, tất cả những gì đã ổn định ấy đều đổ vỡ. Hàng thủ nát bét vì chấn thương. Tuyến tiền vệ thì Cabaye không giữ được phong độ. Đúng lúc ấy, Kante lại nổi lên như một chốt chặn xuất sắc. Có thể nói, Deschamps xây dựng Pháp 4 năm trời nhưng chỉ những biến cố bất ngờ mới xảy ra thôi đã buộc ông phải đập đi và ráp nối lại đội bóng trong khoảng thời gian vẻn vẹn chỉ hơn 2 tháng.
Và bởi thế, ông vẫn phải loay hoay khi chưa phương án nào cho ông vững tâm rằng nó là tối ưu. Vậy thì ông là HLV giỏi hay không, khi ông xoay xở tài tình đến thế trong bối cảnh toàn gặp các biến cố không ngờ?
Cuộc đời là không thể đoán trước được điều gì. Và chỉ những người bắt kịp với thời cuộc chuyển xoay để đưa ra được kết quả tích cực nhất trong mọi hoàn cảnh mới xứng đáng là những người xuất sắc. Vậy thì câu trả lời về năng lực Deschamps thế nào, chúng ta có nên cân nhắc lại???
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags