(Thethaovanhoa.vn) - Khoảng 10 năm trước, khi 4-2-3-1 và 4-5-1 vẫn là hai sơ đồ chiến thuật thịnh hành, bắt đầu đã có những HLV tìm tòi thử nghiệm lại sơ đồ 4-3-3, để nâng cấp và phát triển. Bây giờ, 4-3-3 đã bắt đầu trở nên thịnh hành, thịnh hành đến mức đã từng có một bài viết lý giải thất bại của các CLB Premier League ở các cúp châu Âu gần đây là bởi sự cứng nhắc của người Anh, khi cứ bám theo cái mode cũ là 4-2-3-1.
1. Nhưng cũng chỉ vài năm trước thôi, đã có những thử nghiệm (cũng để nâng cấp và phát triển) thành và bất thành của nhiều HLV, trong đó có cả những HLV nổi tiếng, ở sơ đồ 3-4-3. Và ở thử nghiệm nào đi nữa, cũng như thời 4-2-3-1 và 4-3-3 thịnh hành, lối chơi với hai tiền đạo như thời thập niên 90 đã không còn nữa. Vị trí trung phong bây giờ chỉ dành cho 1 người, dù đội bóng có rất nhiều mũi nhọn có thể khoan phá tạo nên cơ hội hoặc trực tiếp ghi bàn. Thậm chí, có những đội bóng còn bỏ qua vai trò một trung phong thực sự và chơi với số 9 ảo. Đơn giản, các HLV hiện nay cần khai thác các khoảng trống một cách linh hoạt hơn, biến thiên theo những diễn biến của cục diện trận cầu.
Và một điều khá lý thú là ở EURO kỳ này, những đội bóng chơi với hàng thủ 3 người đã nhiều hơn. Cái hàng thủ 3 người đó đã từng là một cuộc cách mạng chiến thuật của thời cuối thập niên 20s, đầu thập niên 30s của thế kỷ trước. Song song đó, việc chơi với hàng tiền đạo 2 người, thứ tưởng như đã tuyệt chủng, cũng nhiều hơn. Đức đã vào bán kết trước một tuyển Italy quay về 3-5-2 (tất nhiên đó không phải là thứ 3-5-2 cổ điển ngày nào) bằng cách tung ra đội hình với hàng thủ 3 người. Xứ Wales cũng vượt qua Bỉ bằng hàng thủ 3 người như thế còn Iceland, họ tạo ra kỳ tích vào đến tứ kết nhờ chơi với cặp tiền đạo Bodvarsson và Sigthorsson.
Tất nhiên, những sự quay lại với các mô hình cũ kia không phải là trở về cái cũ. Đó chỉ là sự trở về với cơ bản, sự trở về đang trở thành xu thế rõ rệt của thế giới hiện nay.
2. Rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi “Tại sao khinh khí cầu; đĩa vynil (đĩa nhựa, đĩa than); xe đạp và thầy lang đang quay lại và thắng thế ngoạn mục?”. Điển hình như vynil chẳng hạn. Trong khi doanh số nhạc số, đặc biệt là nghe trực tuyến, ngày một tăng cao và CD đã bắt đầu bước vào giai đoạn cáo chung tuyệt đối, vynil lại tăng trưởng và chiếm tới 2% doanh thu thị trường âm nhạc toàn cầu. 2% nghe thì nhỏ nhưng một thứ tưởng như lỗi thời bỗng nhiên chiếm ngần ấy doanh số trên một thị trường trị giá chục tỷ USD mỗi năm lại là câu chuyện khác.
Nó cho thấy, trở về với cơ bản là xu hướng không thể phủ nhận và đó cũng là xu hướng song tồn với xu hướng hiện đại, tiện dụng đến mức tối đa.
Đó là sự phân cực trong thế giới quan của con người. Sẽ chỉ tồn tại những thứ tỉ mẩn, phức tạp, đòi hỏi kỳ công… như chơi đĩa vynil hoặc những thứ tiện lợi trăm bề như streaming tồn tại mà thôi. Còn những thứ nhàng nhàng ở giữa hai thái cực đó sẽ dần không còn không gian sinh tồn.
Và sự trở lại với cơ bản cũng thể hiện đúng những gì Huấn Ca trong kinh Tanakh đã viết.
“Những gì đã từng xảy ra, nó rồi sẽ xảy ra trở lại. Và những gì đã được hoàn thành sẽ là những thứ sẽ được hoàn thành trở lại. Chẳng có gì là mới mẻ ở dưới mặt trời cả.”.
Quay trở về với các nền tảng cơ bản, vì chúng ta hiểu rằng: “Cái cũ chính là cái... mới mẻ”.
Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa
Tags