(Thethaovanhoa.vn) - Ai đó đã nói rằng, đời luôn thật tuyệt nếu như nó không bị một cái gì đó, một ai đó, một áp lực nào đó đuổi theo. Sự thanh thản và vô tư lự, thậm chí đôi khi ngẫu hứng ấy thực ra rất cần thiết cho những người ngồi sau tay lái, tự phác thảo cho mình những hành trình đi và đến, giữa thiên nhiên đất trời và cây cỏ, ở một nơi mà người đó và biết bao người lữ hành khác đã đi qua và phải lòng như nơi này, Provence.
- Những nẻo đường EURO: Giữa hoa, thịt và mùi oải hương Saint Rémy de Provence
- Những nẻo đường EURO: Tình yêu màu tím
- Những nẻo đường EURO: Trên mảnh đất của những người thích đùa
- Những nẻo đường EURO: ... Và Thượng đế đã tạo ra Saint Tropez
- Những nẻo đường EURO: “Đời quá ngắn để uống rượu dở”
Provence là một vùng đất không dành cho những ai bận rộn. Cuộc sống nhanh và fast food không được chào đón ở nơi này, hoặc ít ra, nó có thể tồn tại ở đâu đó trong những quán bar ở các thành phố biển ăn chơi phía Nam, nhưng ở phía bên ngoài cuộc sống, trong những núi đồi trùng điệp và các thị trấn làng mạc đầy thơ mộng này, những điều ấy không được hoan nghênh. Ở những ngôi làng của vùng oải hương mênh mông nằm giữa Luberon và Valensole, người dân sống thong thả chẳng khác các du khách. Đồng hồ không có giá trị gì ngoài những con số trên mặt kính. Ở nơi đây, sự thư thái bao trùm tất cả, chỉ khiến ta sà vào một cái bàn nào đó kê dưới những tán sồi và uống thứ rượu hồng vừa được rót ra, hoặc làm cho ta phải dừng lại trên một cánh đồng và ngửa mặt lên nhìn bầu trời xanh thẳm, xanh một cách kì lạ.
Một góc của làng Gordes. Ảnh: Anh Ngọc
Xa những thành phố biển náo nhiệt ở phía Nam, với những bãi tắm nude ở Saint-Tropez, những con phố đông nghẹt du khách kiếm tìm sự sang trọng và cuộc sống náo nhiệt ở Cannes và Nice là một thế giới khác của những boutique đồ lưu niệm, các con phố hẹp và dốc, những cửa nhà cũ kĩ với dây leo phủ đầy trên bức tường, những quảng trường hẹp đôi khi dẫn đến những ngõ cụt để rồi từ đó có thể nhìn thấy cả một vùng thung lũng mở rộng trước mắt, với những thửa ruộng lúa mì và những cánh đồng oải hương đứng cạnh nhau trông như những miếng ghép của bức tranh. Xa xa lấp ló một tháp chuông cao vút của nhà thờ. Những tiếng chuông vang lên dưới nắng chiều. Chúa cũng không muốn bị gạt ra ngoài cuộc sống thanh bình và êm dịu vô cùng ở một vùng đẹp nổi tiếng thế giới tại miền Nam nước Pháp này. Vài ngày của tôi ở Provence là vài ngày tuyệt diệu trong hành trình nước Pháp này. Nhiều cảm xúc như thế cũng đã từng đến trong những lần tôi lái xe qua những núi đồi Tuscany ở miền Trung nước Ý. Nhưng lần này khác, nhẹ nhàng và dịu êm hơn. Có lẽ một phần là do màu tím của oải hương, một phần vì tôi là người lữ hành đơn độc.
Provence có tất cả những gì mà một vùng đất thèm muốn phải có: những đường cong màu trắng của cát trải dài trên Bờ biển Thiên thanh (Cote d'Azur), những cánh đồng hoa oải hương tím ngắt chạy dài từ Valensole đến Luberon, những lễ hội nhạc jazz ở Antibes, những nhà thờ và một lịch sử gắn liền với các Giáo hoàng thời Trung cổ ở Avignon; cuộc sống sôi động và hỗn độn ở Marseille và cuộc sống ngọt ngào ở Cannes. Biết bao nghệ sĩ lớn đã rung động và dành một phần đời của mình ở đây để sống và sáng tác những tác phẩm để đời, từ Van Gogh, Matisse, Cezanne, Picasso cho đến Renoir và Chagall. Họ rời Paris hoa lệ để tìm đến Provence và hầu hết dành phần đời quan trọng nhất của mình tại đây để sáng tác. Những bảo tàng vốn là studio của họ được dựng lên để gìn giữ những kí ức. Những con đường mà họ đi qua được nhắc đến. Có cả một con đường đi bộ ở Saint-Remy de Provence, nơi Van Gogh đã sống và vẽ những năm cuối đời trước khi tự sát vào năm 1890. Tôi đã tần ngần đứng hồi lâu trên con đường ấy, trước một bức tranh vẽ vườn ôliu của Van Gogh, với cảnh của hiện tại đúng như trong bức tranh ấy. Danh họa người Hà Lan đã vẽ bức tranh đó chính ở khu vườn này. Màu vàng trong tranh của ông chính là màu vàng của nắng và rơm rạ Provence.
Đến đây, và không trở về
Nhưng ông, người đã tìm thấy cảm hứng sáng tác dồi dào tại đây, đã không tìm thấy động lực cho cuộc sống. Ông đến Provence nhưng không thấy yêu đời hoặc không cảm thấy nơi này đem đến những cảm hứng sống dạt dào nhất và rồi tìm đến cái chết. Những người đến đây trong một hành trình như tôi thì lại tìm bản thân mình, tìm kiếm sự thanh thản hoặc đơn giản là thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên và đất trời. Họ xúc động đứng trước những cánh đồng oải hương mênh mông chạy dọc những con đường ở Valensole, với một màu tím bất tận bao trùm tất cả vào đầu tháng 7. Họ lái xe trên những con đường đầy bụi đất và dốc để khám phá những ngôi làng nhỏ và yên bình như đang mơ màng ngủ đã từng xuất hiện trong rất nhiều các bộ phim của Pháp và Hollywood. Đôi khi, xe ngưng lăn bánh. Họ dừng lại không vì một lí do nào cả, hoặc đơn giản chỉ để bước ra một lát, hít căng lồng ngực bầu không khí trong lành, ngửi hương của cây cỏ khắp đó đây, hoặc vì một phiên chợ quê đang họp dọc đường đi ngang qua một thành phố nhỏ nào đó. Những người như vợ chồng Brad Pitt-Angelina Jolie cũng tìm thấy ở đây những gì họ muốn có: phong cảnh, con người, thiên nhiên và sự tĩnh lặng. Lâu đài của nhà Pitt-Jolie ở gần Brignoles có một cánh đồng nho thật lớn. Họ đến đây sống vào mùa hè và họ làm rượu. Hàng trăm nghìn chai vang Miraval các loại của họ đã được bán hết trong những năm qua. Người ta mua vang của nhà Pitt-Jolie một phần vì tên tuổi của họ, những người đã làm cho vùng đất càng trở nên nổi tiếng hơn nữa và là một động lực thúc đẩy rất nhiều người nước ngoài đến đây mua nhà, mua trang trại và làm rượu. Nhưng rượu vẫn phải là rượu, và người ta phải uống, phải cùng với nó để hưởng thụ cuộc sống nơi này và cảm thấy không hề nuối tiếc khi đã đặt chân đến đây. Sự tiếc nuối duy nhất là ta không thể ở lại lâu hơn.
Con đường giữa những tán cây ở Saint-Rémy de Provence. Ảnh: Anh Ngọc
Nhưng những người đã đến đây và ở lại thì chắc chắn có rất nhiều lí do. Một người Anh có tên Peter Mayle đã mua và trùng tu lại một trang trại ở Provence. Và rồi ở đó, ông viết cuốn “A year in Provence”, một cuốn sách best-seller khiến Provence trở thành một cái tên đầy thơ mộng, thơ mộng đến mức ám ảnh với nhiều người đã đọc nó, trong đó có tôi. Người lúc đó không phải là nhà văn ấy-ông là một chuyên gia về quảng cáo, đã mô tả một Provence như ông đã thấy và đã sống, chân thực và đầy chất sống, nhưng cũng không thiếu những góc khuất. Cuốn sách là một hiện tượng văn học nước Anh lúc đó, thậm chí tạo ra một trào lưu đi, sống và viết vào thời điểm đó, cách đây hơn 20 năm. Mayle cũng như Frances Mayes, nữ văn sĩ người Mỹ đã đến mua một trang trại ở xứ Tuscany, đã khiến cho các độc giả Anh Mỹ chết mê vì vẻ đẹp vùng đất trong đó. Những bộ phim “A good year” và “Under the Tuscan sun” dựa trên những cuốn sách ấy, được quay tại chính những nơi ấy, Provence và Tuscany, đã tạo ra cả một dòng du lịch đến những mảnh đất này. Mayle và Mayes vẫn sống ở hai vùng đất này và trở thành các đại sứ của chúng ra thế giới.
Nhưng cũng có những người không viết văn đến đây. Họ cần một lí do để đến, và có những người đã đến rồi thì không muốn trở về nữa, vì trở về là đối mặt quá khứ. Chẳng hạn Provence đã giúp cho Desley Truscott, một phụ nữ Australia, sống sót qua một cuộc li dị. Bà cũng mua một “mas” (nhà trang trại) ở Provence, cũng sửa chữa nó, cũng làm nông nghiệp như bao người Provence khác ở đây, và rồi nhận ra rằng, cuộc sống mới ở một nơi xa nhà, theo hướng tự tay ta làm nên tất cả thật tuyệt, một khi ta có trái tim cởi mở và một sự khao khát sống lớn lao. Truscott hiện tại cũng đang sống hạnh phúc ở một làng nhỏ của xứ này. Peter Mayle bây giờ thì sống ở Lourmarin, một làng nhỏ rất đẹp của Provence. Đấy cũng là nơi mà văn hào người Pháp Albert Camus đã từng sống. Tôi đọc Camus nhiều năm trước và nhận thấy tràn ngập trong nhiều tác phẩm của ông là nỗi cô độc. Cuộc đời của một con người đã từng sống ở Provence ấy đã kết thúc bằng một cái chết đột ngột, như Van Gogh. Họ không tìm thấy chất sống của Provence hay Provence chỉ đây là khoảng lặng thanh bình mà họ dừng chân trước những cái chết bi thảm?
Tôi đặt ra câu hỏi ấy khi dừng chân ở một cánh đồng oải hương dọc thung lũng Durance. Mùi hương nhè nhẹ bay lên dưới nắng. Vang tiếng của bầy ong trên những luống hoa. Oải hương chạy thành từng luống dài uốn lượn trên triền đồi nhìn như một giấc mơ màu tím. Không, tôi còn rất trẻ và tôi muốn sống, ở Tuscany, ở Provence, ở tất cả những nơi nào đem đến cho tôi khát khao sống...
Bài và ảnh: Trương Anh Ngọc (từ Aix-en-Provence, Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Tags