(Thethaovanhoa.vn) - Khi chứng kiến những cầu thủ Italy gục xuống mặt sân Bordeaux và nước mắt rơi trên mặt Buffon, người ta hiểu rằng, những chàng trai Thiên Thanh ấy đã đi đến tận cùng của mọi giới hạn chịu đựng. Nước mắt, xét cho cùng, chỉ là thứ để vuốt ve và an ủi những trái tim đã sắt đá quá lâu.
- Barzagli: 'Sẽ không ai nhớ tới đội tuyển Italy này'
- Chiến thuật & Lối chơi: Khi Đức và Italy chơi như nhau
- Pelle xin lỗi người Italy sau quả 11m như... CHUYỀN cho Neuer
- Đức đã phá được dớp trước Italy
- Dừng bước nhưng Italy vẫn khiến châu Âu ngưỡng mộ
Người ta có thể bàn luận thêm nữa về cách đá penalty kì quặc của Zaza, có thể chỉ trích thái độ của Pellè khi khiêu khích Neuer trước cú penalty hỏng ăn, nhưng điều đó bây giờ thực ra chẳng có gì quan trọng nữa. Cám ơn vì tất cả, vì đã chiến thắng chính mình trong gần một tháng EURO, đã buộc các đối thủ mạnh hơn phải ngả mũ, đã khiến các nhà đương kim vô địch thế giới phải thay đổi lối chơi để áp chế Italy trong khi bản thân họ không hề thay đổi lối chơi, sơ đồ, bất chấp việc có quá ít lựa chọn nhân sự.
Ý đã vượt qua chính họ. Một đội bóng già nua mất hết hàng tiền vệ và có một hàng công rất cùn đã dùng lao động cật lực và kinh nghiệm để khỏa lấp những khiếm khuyết về kĩ, chiến thuật của mình, coi đó như là cách hiệu quả nhất để đương đầu với các đối thủ. Đội ngũ đặt lên trên cá nhân. Đội hình và kỉ luật của các chiến binh La Mã làm nên chiến thắng khi họ là 11 người cùng chơi trên sân, trong một sơ đồ, dưới những tiếng thét xung trận của một vị tướng có tên Conte. Nhưng khi những chàng trai ấy bị tách riêng ra, đứng trước chấm penalty, họ đối diện trước hết với chính mình, với những hạn chế về tinh thần, kĩ thuật và thậm chí cả đẳng cấp của bản thân mình, và tập thể thất bại khi những cá nhân thất bại.
Thất bại như những điển hình của một nền bóng đá cũng đã luôn gục ngã trên những chấm phạt đền, và cũng mới chỉ tái sinh một lần ở nơi họ đã chết đi, cách đây đúng 10 năm, dưới bầu trời nước Đức. World Cup 2006. Vẫn còn Buffon của ngày đó. Nhưng lần này anh không thể chiến thắng, và anh khóc không phải chỉ vì quá thất vọng, mà có lẽ vì một suy nghĩ rằng, sau tất cả những gì Italy đã làm được ở một giải đấu mà họ luôn chạy nhiều hơn đối phương, chiến đấu mạnh mẽ hơn đối phương và không để họ vượt mặt, lại là việc ngã gục trên chấm luân lưu. Trong cuộc chiến tay đôi ấy với người trẻ hơn là Neuer, chính Buffon cũng thất bại.
Không chỉ Buffon khóc. Bonucci cũng thế. Ở một đội bóng mồ côi các tiền vệ trung tâm chơi phía trên hàng thủ sau khi Pirlo không được gọi, rồi những người có thể chơi ở vị trí ấy, từ Verratti, Marchisio, Montolivo, De Rossi cho đến Thiago Motta lần lượt vắng mặt, Bonucci đã trở thành nhạc trưởng, là người kiến tạo bằng những đường chuyền dài cho phản công. Nhưng trong loạt luân lưu, con người thép ấy đã thất bại. Và Barzagli nữa, anh đã nói một điều khiến rất nhiều người xúc động. Anh bảo: “Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể. Tuy nhiên, thật không may khi điều Italy giành được lại là thất bại. Theo suy nghĩ của tôi, tuyển Italy chẳng để lại gì tốt đẹp sau giải đấu này cả".
Và nữa: "Tất cả chỉ là sự thất vọng và nhiều năm nữa sẽ không còn ai nhớ đến những thành viên tuyển Italy tại EURO 2016 đã thật sự làm được những gì". Những lời nói quá thực tế, đến mức phũ phàng và có thể gây tổn thương. Trên khán đài, vợ của Conte cũng rơi nước mắt. Hàng triệu người Ý khác cũng thế. Họ cũng đã trải qua cảm giác phải mạnh mẽ cùng đội Thiên Thanh quá lâu. Những giọt nước mắt của tiếc nuối và tự hào.
Nhưng thực ra, Italy đã làm được nhiều hơn những gì họ có thể. Nhiều hơn nữa là không thể, với một đội hình què quặt như thế, với những cầu thủ một mình cô đơn đứng trước chấm phạt đền cảm thấy run rẩy như bị người ta nhìn thấy những điểm yếu tâm lí của mình trong gương. Thất bại theo cách đó thật cay đắng, nhưng không thể đòi hỏi hơn được nữa. Họ đã nhận được những lời ngợi khen của mọi người, đã khiến tình yêu của các tifosi với đội tuyển Thiên Thanh trở lại sau mấy năm nguội lạnh từ thất bại ở World Cup 2014. Họ, ở thế yếu hơn và bị đánh giá thấp hơn, đã đánh bại hai đội bóng hàng đầu thế giới (Bỉ và Tây Ban Nha) và chỉ bị các nhà đương kim vô địch World Cup loại sau 18 cú penalty luân lưu. Vắng Italy, từ đây EURO sẽ trở nên nghèo nàn hơn về cảm xúc. Đội bóng ấy thực ra đã không thất bại và ngẩng cao đầu rời nước Pháp trở về như những người hùng.
Hành trình EURO kết thúc sẽ mở ra một hành trình mới của đội Thiên Thanh với Giampiero Ventura. 68 tuổi, mới cưới vợ, và là một môn đệ trung thành của bóng đá tấn công, Ventura được kì vọng sẽ tạo ra một Italy mạnh mẽ trong thời điểm calcio vẫn khủng hoảng nghiêm trọng, ngày càng vắng bóng các tài năng và cầu thủ đẳng cấp. Khoảng trống mà Conte để lại sẽ rất lớn, nhất là với triết lí, đội bóng vẫn có thể thắng mà không cần ngôi sao. Cuộc phiêu lưu ấy sẽ bắt đầu tháng 9 tới, ở vòng loại World Cup 2018.
Hẹn gặp lại nhé Italy, với niềm vui...
6 Đức đang có thành tích đá luân lưu cực tốt khi đi tiếp ở cả 6 lần gần nhất phải “đấu súng” ở giải lớn để lần thứ 6 lọt vào bán kết World Cup/EURO. 3 Trong 5 lần phải trải qua loạt sút luân lưu ở EURO, có 3 lần Italy bị loại 56 Tỷ lệ chiến thắng của Italy dưới thời Conte là 56%. Cụ thể, họ thắng 14, hòa 7, thua 4 trong 25 trận đã chơi. |
Trương Anh Ngọc (từ Pháp)
Thể thao & Văn hóa
Tags