Trong một giao hưởng thơ nổi tiếng có tựa đề “Đất nước tôi”- nguyên gốc tiếng Séc: “Má vlast” - tương tự tên của dòng sông dài nhất Séc, Vltava, nhà soạn nhạc Bedřich Smetana đã dành ngôn ngữ âm nhạc đẹp nhất cho chương thứ hai nói về con sông Vltava.
Bắt đầu là âm thanh của đàn hạc vút lên du dương trầm bổng, giai điệu của dòng chảy ấm và dòng chảy lạnh từ từ tìm đến nhau và hòa làm một để uốn lượn theo những khúc quanh qua những khu rừng, đồng cỏ mà ở đó có những đám cưới của nàng thôn nữ, có những lễ hội dưới trăng với vũ điệu tuyệt vời quyến rũ của các cô gái đẹp như tiên nữ trong trang phục kroje …
Cuối cùng, Vltava được kết thúc bằng một giai điệu Elegiac đầy bi tráng.
Tôi hình dung chương thứ hai Vltava đó chính là những gì tuyển Séc sẽ trình diễn trong trận đấu tới đây với Hà Lan, sau khi đã nghe trọn vẹn Vltava… Bắt đầu là sự vào cuộc nhanh, sắc bén với sự vút cao của “tiên hạc” Patrik Schick xộc thẳng đến tận khu vực cầu môn Hà Lan. Nhưng, chỉ vậy thôi, dù thành công hay không, đấu pháp của Czech sau đó cũng thay đổi. Các chàng trai Séc giảm nhịp độ, chậm hơn, mượt mà và thanh thoát ở những đường ban chuyền… Giai điệu du dương đó rất dễ làm đối phương buồn ngủ, nếu không tỉnh táo, các cầu thủ của huấn luyện viên Frank de Boer sẽ bị rơi vào cái kết Elegiac.
Tuyển Hà Lan bước vào trận đấu này với 3 chiến thắng, ghi được 8 bàn thắng và để lọt lưới 2 bàn, một đội tuyển mà theo các chuyên gia đồng đều mọi tuyến. Lối đá của Hà Lan tuy không còn đặc trưng kiểu cơn lốc màu da cam như thời hoàng kim nhưng cũng đã bay bổng mạnh mẽ hơn nhiều so với thập kỷ trước.
Các nhà cái, các chuyên gia, fan hâm mộ… đều cho rằng việc Hà Lan đi tiếp là không có gì phải bàn cãi. Thậm chí nhiều người theo nhánh thi đấu đã tính đến cuộc đối đầu ở vòng kế tiếp mà trận đấu trong mơ đó là gặp tuyển Đức. Nhân nói về fan hâm mộ trên thế giới và ở Việt Nam, dĩ nhiên fan của Hà Lan thì đông hẳn. Fan Séc chắc chỉ người dân Séc và loanh quanh những người đã từng lưu trú ở đất nước xinh đẹp này. Nhưng, nhìn cách Séc đá cho dù họ chỉ lọt vào vòng 16 đội ở vị trí một trong các đội thứ 3 xuất sắc nhất thì “cơn lốc da cam” không thể chủ quan. Nhất là trước khi vòng chung kết EURO đã có một kết quả được thực hiện trên một siêu máy tính rằng ngôi vương năm nay sẽ thuộc về đội tuyển Cộng hòa Séc!
Theo kết quả được hãng tin Al Jazeera công bố ngày 9/6, dựa trên việc sử dụng “hàng triệu điểm dữ liệu trong 20 năm qua và đưa vào thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để dự báo kết quả” đã đưa ra kết luận: đội tuyển Czech sẽ đánh bại Đan Mạch với tỉ số 3-2 trong trận chung kết.
Lịch sử trái bóng tròn cho thấy, trên sân cỏ điều gì cũng có thể xảy ra, khi tiếng còi vang lên, trái bóng bắt đầu lăn đó là khi những giấc mơ bắt đầu bay vào những quỹ đạo dịch chuyển tới đích. Vô vàn điều bất ngờ sẽ đến trong một trận đấu, một hiệp đấu thậm chí là ở ngay trong một pha bóng. Sự bất ngờ của bóng đá chính là một yếu tố để người ta luôn say mê, luôn bị cuốn hút. Bất ngờ như cách Đan Mạch - đối thủ ở trận chung kết trong mơ của Séc ở chung kết lọt vào vòng sau đầy ngoạn mục khi chiến thắng ở trận thứ ba sau hai trận thua. Bất ngờ như bàn thắng thứ hai của Patrik Schick vào lưới Scotland…
Và vì vậy, tôi để dành câu chuyện và bài thơ của mình về chiếc Cầu tình- được viết ở cầu Karl (hay còn có tên là cầu Charles) ở trận đấu sau của tuyển Séc mà tôi tin rằng sẽ được chia sẻ!
Nhà báo, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đã song hành cùng báo Thể thao & Văn hóa ở nhiều kì World Cup và EURO với các chuyên mục Đoản khúc World Cup, Biến tấu cùng EURO… Chị còn là một người yêu bóng đá Đức nổi tiếng. |
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Tags