Don Quijote xứ Mancha đem bộ áo giáp của ông cha để lại đã bị han rỉ và thủng lỗ chỗ ra đánh bóng và khoác lên người, cưỡi chú ngựa gày có 4 cái chân khẳng khiu cao lênh khênh với cái tên Rocinante (con ngựa mạnh nhất trong loài ngựa), thầm chia tay Công nương Dulcinea làng Toboso (Dulcinea: người đàn bà đẹp nhất trong những người đàn bà) và bắt đầu cuộc hành hiệp… Đó là hình ảnh của đội tuyển Tây Ban Nha khi đến với EURO 2020 với sứ mệnh lấy lại hào quang của một thời kỳ chưa xa, thời của thập niên trước.
Đối thủ đầu tiên mà họ gặp chính là Tuyển Thụy Điển, nhưng Thụy Điển ko phải là cối xay gió, sân Seville không phải cánh đồng vùng Montiel và thứ kỹ thuật trứ danh Tiqui-Taca đã giống như vấn đề hiệp sĩ-đã bắt đầu lỗi thời…
Tại lượt trận ra quân, tuyển Tây Ban Nha đã ‘nhanh chóng’ phá vỡ và thiết lập những kỷ lục mới đã đưa ra tới 917 đường chuyền, phá vỡ kỷ lục của chính họ ở EURO 2012 (859 lần trước Ireland). Tính trung bình, có tới 10 đường chuyền trong 1 phút, cũng có nghĩa là, mỗi giây có tới 1 đường chuyền rưỡi. Có nghĩa là, gấp 5 lần tần suất hít thở của một người bình thường. Cùng đó, đội bóng của HLV Luis Enrique đã sút tới 17 cú, nhưng không thể ghi bàn. Nó cũng như hiệp sĩ gàn dở Don Quijote vung kiếm lên, múa như vũ bão song chẳng đâm trúng ai. Trận hòa không bàn thắng vô cùng nhàm chán đã khiến các chân sút như Morata, Ferran Torres, Dani Olmo...trở nên vô hại.
Giống như Don Quijote không phân biệt được đâu là thực đâu là ảo, chỉ đắm chìm trong thế giới hiệp sĩ mà mình tưởng tượng, La Roja thực sự sa lầy trong nỗi ám ảnh Tiqui-Taca. Không có Xavi, Iniesta, Sergio Busquets … các cầu thủ Tây Ban Nha ‘trôi’ ma mị trong những đường ban chuyền-trước đây được tôn vinh là thêu hoa dệt gấm, nhưng nay đã lại rối rắm như mê cung làm cho bản thân họ cũng không có lối thoát.
Với Tiqui-Taca, La Roja đã lên ngôi cả giải Thế giới 2010 và châu Âu, 2012… nhưng, triết lý nào rồi cũng sẽ cần thay đổi. Điều đó minh chứng cho việc TBN trong gần 1 thập kỷ gần đây đã chỉ dừng bước ở vòng bảng (World Cup 2014), và vòng 2 (EURO 2016, World Cup 2018). Thay đổi một triết lý không phải là dễ, nhất là khi đã ở trong trận chiến. Tuy nhiên, đội quân không có một Madridistas nào của ông Luis Enrique có lẽ rằng không nên để rơi vào kết cục của Don Quixote: Phải thua để không làm hiệp sĩ. Hay ngược lại, La Roja trong nỗi ám ảnh Tiqui-Taca cần được thức tỉnh, cần phải điều chỉnh.
Tuyển Tây Ban Nha - Don Quixote giờ đây rất cần đến “yếu tố Sancho Panza,” để dẫn lối, đối phó với những thử thách mới chỉ ra lối thoát, nhất là ở vòng đấu thứ 2, đối mặt với đại bàng trắng Ba Lan.
Khi nhắc đến Don Quixote, tôi chợt nhớ đến nhân vật người lính Longinus Podbipieta trong cuốn tiểu thuyết lịch sử lấy bối cảnh giữa thế kỷ XVII: With Fire and Sword (Lửa và gươm) của nhà văn người Ba Lan Henryk Sienkiewicz. Có cái gì khá tương đồng ở hai nhân vật này, nếu như Don Quixote của Miguel de Cervantes Saavedra có chút gì đó hoang đường thì Longinus Podbipieta của Henryk Sienkiewicz lại có chút gì đó hài hước pha niềm cay đắng.
Trong Lửa và gươm, sau khi dùng thanh gươm khổng lồ Crusader để chém đầu ba kẻ thù, Longinus Podbipieta đã tử vì đạo. Đó có lẽ là hình ảnh của tuyển Ba Lan tối nay khi phải đối mặt với đội quân màu đỏ. Sau khi đã để thua Slovakia, giờ đây họ sẽ phải vượt qua "Cơn thịnh nộ của Tây Ban Nha" trước khi gặp Thụy Điển ở vòng đấu cuối.
Đương nhiên là Ba Lan luôn bị đánh giá yếu hơn Tây Ban Nha, nhưng trong một tối mùa Hạ Seville, nếu Tây Ban Nha –Lửa với Morata vẫn cứ vô hại như những đường kiếm hoang tưởng của hiệp sĩ đầy lãng mạn và thiếu thực tế Don Quixote trong khi Ba Lan - Gươm mà Lewandowski chính là thanh gươm khổng lồ Crusader đang sẵn sàng chờ những đối thủ lớn để vung lên… thì một chiến thắng cho đội quân tử vì đạo Ba Lan hoàn toàn không phải là một quixotic!
Nhà báo, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu, công tác tại Thông tấn xã Việt Nam, đã song hành cùng báo Thể thao & Văn hóa ở nhiều kì World Cup và EURO với các chuyên mục Đoản khúc World Cup, Biến tấu cùng EURO… Chị còn là một người yêu bóng đá Đức nổi tiếng. |
Nhà thơ Đoàn Ngọc Thu
Tags