EURO trên từng cây số: Khi cái đẹp là sự cứu rỗi…

Thứ Sáu, 14/06/2024 06:37 GMT+7

Google News

Tôi biết đến bộ sưu tập ấy một cách tình cờ, sau khi xem bức chân dung Auguste Strobl, một cô gái rất đẹp thế kỷ 19 do một hoạ sĩ thời đó vẽ nên. Tên của hoạ sĩ ấy là Joseph Karl Stieler, một cái tên không gợi ra điều gì cả, cho đến khi tôi biết được rằng, minh hoạ được dùng nhiều nhất trên thế giới về nhạc sĩ vĩ đại Ludwig van Beethoven do chính Stieler vẽ nên.

Đó chính là lí do một ngày tháng 6, khi trái bóng EURO chưa lăn, tôi nhảy lên một chuyến tàu điện ra ngoại ô Munich để đến lâu đài Nymphenburg, nơi bộ sưu tập ấy đang được treo, và nhìn tận mắt những bức tranh phụ nữ rất đẹp mà Stieler, hoạ sĩ cung đình của Bavaria, đã vẽ trong 27 năm, từ 1823 đến 1850.

Những người đẹp do Đức Vua lựa chọn

Một nhà nghiên cứu nghệ thuật đã nói rằng, chính những bức tranh bất hủ ấy đã thể hiện vẻ đẹp đầy quyến rũ của phụ nữ Munich, một bằng chứng sống để hiểu rằng, Munich hoàn toàn có thể tự hào họ là nơi đã sinh ra những người phụ nữ đẹp nhất thế giới. Cũng không ngạc nhiên khi ở thành phố này, từ hàng bao thế kỷ nay, người ta luôn yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp, yêu những gì thuộc về tự nhiên và có gu thẩm mỹ rất cao.

EURO trên từng cây số: Khi cái đẹp là sự cứu rỗi… - Ảnh 1.

Bốn trong số những người đẹp thế kỷ 19 của vua Ludwig. Helene Sedlmayr ở ngoài cùng bên trái, còn Lola Montez ngoài cùng bên phải

Lâu đài ấy quá đẹp, là một trong những nơi đáng đến nhất ở Munich. Trải dài trên một khoảng không gian rất rộng và được hoàn thiện vào nửa cuối thế kỷ 17, đấy chính là cung điện mùa Hè của các vua chúa xứ Bavaria. Nó không tráng lệ như Versailles của Pháp, không rộng lớn và đồ sộ như Schonbrun của Hoàng gia Áo, nhưng nó là niềm tự hào của triều đại Wittelsbach hùng mạnh vì vẻ đẹp của các nét kiến trúc Baroque và Rococo, cũng như những tài sản vô cùng quý, chẳng hạn bộ sưu tập các đồ gốm từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20.

Nhưng đáng quý nhất chính là "Gallery người đẹp", một bộ sưu tập gồm 38 bức chân dung những người phụ nữ đẹp nhất của nửa đầu thế kỷ 19 qua sự lựa chọn của vua Ludwig I xứ Bavaria (1786-1868). 36 tranh do Stieler vẽ, 2 tranh còn lại do Friedrich Durck, cháu ruột và cũng là học trò của Stieler vẽ sau khi ông qua đời. Một người yêu cái đẹp theo nghĩa của nó và thực sự hoa tình theo cách mà ông nhìn phụ nữ, Ludwig là một người lãng mạn và quãng thời gian trị vì của ông trong 23 năm, từ 1823 đến 1848 không để lại di sản gì đáng nhớ ngoại trừ việc ông yêu nghệ thuật, yêu rất nhiều phụ nữ và bộ sưu tập đáng giá này.

EURO trên từng cây số: Khi cái đẹp là sự cứu rỗi… - Ảnh 2.

Bộ sưu tập những người đẹp thế kỷ 19 này là một bảo vật vô giá của Munich và nước Đức

Trong những bức thư trao đổi với Stieler, Ludwig nói rằng, cái đẹp của người phụ nữ trong mắt ông chính là "sự cứu rỗi cho cuộc sống", và vì thế, những người phụ nữ mà ông đã gặp trong đời và thấy đẹp cần phải được vẽ, được cho vào một bộ sưu tập không phải dành cho riêng ông, mà là để công chúng đến ngắm và thêm yêu Bavaria. Ông, người đã đích thân chọn người đẹp cho Stieler vẽ, sau đó trả công cho người hoạ sĩ và rồi chu cấp cho cả những cô gái ấy, hoàn toàn có thể toại nguyện.

Khi cái đẹp không chỉ là sự cứu rỗi

Một cuộc tìm kiếm những người phụ nữ đẹp để Stieler vẽ diễn ra. Đích thân vua Ludwig lựa chọn họ trong số những người ông trực tiếp gặp, có những người do Stieler gợi ý, có cả những người do chính Hoàng hậu Therese giới thiệu cho ông. Qua tháng năm, bộ sưu tập hình thành, với những bức vẽ sơn dầu theo cùng một kích cỡ và chính Stieler là một đảm bảo cho thấy, dù quá trình sáng tác của ông kéo dài 27 năm, nhưng phong cách của ông không hề thay đổi. Những người đẹp ấy, họ là ai? Đó là một tập hợp những người đẹp ở mọi giai tầng xã hội, được vẽ ở tầm 20 tuổi, có người gốc gác nghèo hèn, có diễn viên, có con gái của Ludwig, có cả người tình của ông và nhiều trong số họ ông đã giữ liên lạc bằng hàng nghìn lá thư cũng như sự ngưỡng mộ với họ trong cả cuộc đời. 

EURO trên từng cây số: Khi cái đẹp là sự cứu rỗi… - Ảnh 3.

Lâu đài Nymphenburg ở Munich, Đức

Tôi ngồi rất lâu trong một căn phòng lớn ở phía Nam của Nymphenburg, ngắm mãi không thôi những bức tranh ngay ngắn được gắn lên trên tường. Họ như đang nhìn ra người xem, mỗi người có một vẻ đẹp khác thường, như đang tư lự xa xăm nghĩ ngợi gì đó. Những nét vẽ sống động của Stieler đã khiến họ như bằng xương bằng thịt từ hai thế kỷ trước sống lại. Có những vẻ đẹp khiến ta sững sờ, như chân dung của Helene Sedlmayr, con gái của một người thợ đóng giày và sau đó làm nghề bán đồ chơi, được Stieler vẽ khi mới 17 tuổi và chính là bức chân dung nổi tiếng nhất của bộ sưu tập. Nàng, người nghèo nhất, cũng chính là người có cuộc sống viên mãn và hạnh phúc nhất sau khi kết hôn với người hầu phòng của vua Ludwig, để rồi sau này qua đời ở tuổi 85 vào năm 1898.

Có những vẻ đẹp cả về thể xác lẫn trí tuệ như của Marianna Florenzi, một nữ hầu tước người Ý, người mà Ludwig đã yêu trong cả cuộc đời. Nàng chính là tri kỷ của ông trong hơn 40 năm. Gần 5 nghìn lá thư trao đổi giữa họ về mọi vấn đề cuộc sống bây giờ vẫn còn tồn tại. Nhưng có những vẻ đẹp lại tạo nên không phải sự ngây thơ, trong trắng như hầu hết các bức chân dung phụ nữ đẹp của bộ sưu tập, mà chất chứa nhục dục và hoa tình. Lola Montez, một nghệ sĩ múa khá tồi, nhưng lại rất đẹp, là người tình của Ludwig. Nàng chính là một trong những nguyên nhân tạo ra một cuộc cách mạng ở Munich khi các thần dân bất mãn vào năm 1848, khiến Ludwig phải thoái vị.

Tôi rời Nymphenburg mà lòng ngẩn ngơ. Những người phụ nữ ấy đẹp quá. Mà đúng là nơi này từ lâu nổi tiếng sinh ra những người phụ nữ đẹp. Hoàng hậu Sisi (Hoàng hậu Elizabeth của Đế chế Áo) ra đời ở Munich năm 1837 và là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế kỷ 19. Nàng còn quá nhỏ khi Stieler vẽ người đẹp cho vua Ludwig. Nhưng cũng nhờ Franz Xaver Winterhalter, học trò Stieler, mà hình ảnh của nàng ngày còn trẻ mãi mãi bất tử. Một thời đại những người đẹp của Munich đã qua, không bao giờ trở lại…


Anh Ngọc (từ Munich, Đức)

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›