EURO trên từng cây số: 'Lạc trôi' giữa những đường biên

Thứ Ba, 25/06/2024 14:00 GMT+7

Google News

Nikolai Meyer cười lớn khi tôi hỏi anh ủng hộ Đức hay Bỉ trong giải EURO này. "Đương nhiên rồi, tôi là người Bỉ, tôi phải ủng hộ đội Bỉ, nhưng tôi cũng ủng hộ cả Đức nữa, vì anh biết đấy (anh chỉ tay ra phía trước), con đường trước mặt quán tôi là của Đức, và nó đưa người Đức đến với tôi".

Đó là một buổi trưa thuộc loại kì quặc nhất trong đời tôi, khi mọi kiến thức về địa lý đều được vận dụng, nhưng có vẻ không ổn lắm. Meyer, người chủ quán ăn Nicky's Imbiss, nổi tiếng với món khoai tây chiên Bỉ có sốt mayonaise béo ngậy và ngon tuyệt khi uống với bia Leffe trong vùng đất phía Tây nước Đức giáp với Bỉ và Hà Lan này đang cố gắng hết sức làm giáo viên địa lý cho tôi. "Soi" kỹ Google Maps trong điện thoại và bản đồ của vùng đất này, với ngôi làng gần nhất trên tường của quán, tôi vẫn rối tung rối mù.

Đường biên giới điên rồ nhất thế giới

Trong vòng 50 mét từ quán của Meyer, vốn nằm trên đất Bỉ, là đường 258 chạy từ Aachen của Đức tới đây, ngang qua quán Nicky's Imbiss, rồi lại là Bỉ vì bị một con đường của Bỉ cắt ngang chỉ chừng vài mét, rồi ngay cạnh đó lại thành đất Đức với làng Roetgen, vùng lãnh thổ Đức đầu tiên bị quân Đồng minh chiếm trong Thế chiến II khi họ đánh tới đây đầu năm 1945.

EURO Trên từng cây số: “Lạc trôi” giữa những đường biên - Ảnh 1.

Nhà báo Anh Ngọc đứng trên phần lãnh thổ Bỉ, ở bên trái là con đường 258 của Đức, bên trái nữa là lãnh thổ Bỉ, đằng sau là làng Roetgen của Đức

Con đường ấy có tên Vennbann, chính là đường đã chạy qua quán của Meyer. Đó là con đường kì lạ nhất thế giới, có lẽ là một sản phẩm tuỳ hứng nào đó của một tay vẽ bản đồ kì quặc trong lịch sử. Ông ta đã để lại một mớ hỗn độn những vùng lãnh thổ Đức nằm trong đất Bỉ, bị bao vây bởi một con đường rộng vài mét, tổng cộng là 5 khu vực như thế, để rồi đôi khi người dân ở đây cũng không rõ mình nên là fan của Đức hay Bỉ trong EURO, vì họ thấy mình thuộc về cả hai quốc gia này. Điều này càng trở nên đặc biệt sau khi hiệp ước Schengen năm 1995 xoá bỏ các đường biên giới cứng ở nhiều quốc gia châu Âu, với việc các trạm kiểm soát ở biên giới bị xoá bỏ. Ở một số nơi như Ruitzhof, hàng ngày, xe bus của Đức vẫn đỗ trên phần đường ở đất Bỉ để đón khách, còn những người bưu tá Đức hàng ngày vẫn đi qua đất Bỉ để tới ngôi làng này lấy bưu kiện gửi qua dịch vụ của Deutsche Post (Bưu điện Đức).

Lịch sử lằng nhằng của vùng giáp biên Đức-Bỉ được bắt đầu từ năm 1899 trong lãnh thổ của Bỉ, khi một tuyến đường sắt được xây dựng để nối Aachen của Đức với Luxembourg. 20 năm sau, khi Đức thất trận trong Thế chiến I, các nước thắng trận tạo ra rắc rối lớn nhất khi trao cho Bỉ phần lãnh thổ Đức chạy dọc theo tuyến đường sắt, bao gồm một hành lang dài gần 30km chính là con đường Vennbann của Bỉ, nay dành riêng cho dân đạp xe sau khi tàu hoả không chạy qua đây nữa.

EURO Trên từng cây số: “Lạc trôi” giữa những đường biên - Ảnh 2.

Tác giả và Nikolai Meyer, chủ quán Nicky’s Imbiss trên đất Bỉ, với một con đường Đức chạy qua trước mặt, còn đối diện vẫn là đất Bỉ!

Con đường Bỉ chạy lòng vòng qua một loạt làng mạc và thị trấn của Đức, cắt đứt hoàn toàn những nơi này khỏi lãnh thổ Đức. Điều này gây mất tập trung cho những người lái xe trên đường 258 rất đẹp của Đức qua đây, khi tiếng điện thoại chuyển vùng kêu lên cỡ chục lần, làm những người mới đến đây như tôi bối rối không biết đâu là Đức đâu là Bỉ, đôi khi chỉ nhận ra khi thấy họ treo cờ nước họ trên cửa sổ trong mùa EURO và đôi khi gây khó khăn cho chính người dân nơi đây, chẳng hạn ở thời đại dịch mới rồi. Khi ấy, Đức và Bỉ đưa ra những quy định không tương thích nhau về việc tiêm chủng, trong đó nước này quy định phải đủ bao nhiêu mũi vaccine thì mới được sang nước bên kia ăn tối cùng với người thân, nhưng nước kia thì lại không quy định như vậy.

EURO Trên từng cây số: “Lạc trôi” giữa những đường biên - Ảnh 3.

Tượng đài tưởng nhớ những người buôn lậu cafe ở Mutzenich, Đức

"Tôn vinh những người buôn lậu"

Ở gần cuối con đường Vennbann gây nhũn não cho tôi về sự rắc rối giữa các vùng lãnh thổ Đức và Bỉ trong hành trình quốc tế "lạc trôi" giữa các đường biên là Mutzenich, 1 trong 5 vùng lãnh thổ Đức nằm trong đất Bỉ. Ở ngay bìa làng là một tấm biển ca ngợi "Ngôi làng buôn lậu cafe tuyệt vời nhất của chúng tôi" và ở cuối làng, ngay khi con đường đi sang đất Bỉ với tấm biển xanh có chữ "Belgien" (Bỉ) là một tượng đài nhỏ bằng đồng. Nhân vật duy nhất của tượng đài là một người đàn ông đang vác một bao tải trên lưng, mặt hốc hác, mắt nhìn thẳng ra phía trước.

EURO Trên từng cây số: “Lạc trôi” giữa những đường biên - Ảnh 4.

Nhà báo Anh Ngọc và những cây cột được dựng lên vào năm 1926 để ghi nhớ khu vực tam giác biên giới này đã được dựng lên từ năm 1843

Sau Thế chiến II, từ năm 1945 đến 1953, hơn 1 nghìn tấn cafe đã được đưa lậu từ Bỉ vào Đức theo cách này, làm giàu cho rất nhiều người Mutzenich. Lúc ấy, cafe ở nước Đức sau chiến tranh quý như vàng và có giá cao gấp 3 lần ở Bỉ. Vì thế, đa phần đàn ông Mutzenich đã tham gia vào việc này. Rất nhiều người đã bị cảnh sát bắt, nhưng chỉ nhận được các án phạt tù khá nhẹ, do Đức lo ngại làng này sẽ đòi nhập vào Bỉ. Tôi phì cười khi nhận ra người ở đây rất tự hào về quá khứ buôn lậu của mình, khi nhà nào cũng từng có ai đó đã buôn lậu cafe và/hoặc bị đi tù vì việc chẳng có gì vẻ vang này. Chợt nhớ ở Ý, có một cái làng bé xíu có tên Cospaia nằm ở giữa hai vùng Tuscany và Umbria thậm chí đã từng là một quốc gia độc lập trong hơn 3 thế kỷ. Đến giờ, người dân làng này vẫn tự hào về mấy thế kỷ trồng thuốc lá và buôn lậu thuốc lá của cha ông họ.

EURO Trên từng cây số: “Lạc trôi” giữa những đường biên - Ảnh 5.

Con đường Vennbahn này giờ là thánh địa của những người đạp xe ở vùng biên giới này. Nó là lãnh thổ của Bỉ, và chạy qua nhiều vùng của Đức, chia cắt các khu vực đó với nước Đức

Meyer có lẽ quá quen với những người rối tung rối mù về địa lý vùng đất của anh như tôi. Trên thực tế, đoạn biên giới lằng nhằng nhất giữa Đức và Bỉ chính là ở cạnh quán khoai tây chiên của anh. Bạn cứ mở Google Maps lên và đánh Nicky's Imbiss rồi phóng to lên là thấy. Anh phá lên cười khi nói về việc hàng ngày đi trên con đường Đức để đến quán của mình trên đất Bỉ thế nào. Rất nhiều người ở vùng biên này sống theo cách như thế từ hàng bao năm nay mà chẳng thấy phiền phức gì.

Ở phía bên kia, bị ngăn cách bởi con đường của Đức, là đất Bỉ. Ở đó có quán Kaffeefee tụ tập rất đông người đạp xe và mô tô. Quán này dùng điện của Đức trong khi giấy phép kinh doanh là do Bỉ cấp. Trong một phóng sự về con đường kì quặc Vennbann trên kênh BBC, bà chủ của quán đã đưa ra vài lời khuyên cho dân đạp xe, vốn có thể đạp từ Aachen qua đây và tới tận Luxembourg trên tuyến đường dài hơn 100km. Bởi vì dù con đường đạp xe này là lãnh thổ của Bỉ, nhưng trên thực tế, nó lại gần các thành phố của Đức hơn, nên bà khuyên những người đạp xe qua đây rằng, nếu họ gặp tai nạn thì nên cố đạp hoặc bò sang đất Đức rồi lăn ra đấy cũng được. "Đơn giản vì xe cấp cứu của Đức đến nhanh hơn", bà nói. 

 Anh Ngọc (từ Aachen, Đức)

Chia sẻ

Tags

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›