Artur nhắn tôi rằng, khu của anh có một cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ khá đông, nên nếu họ thắng Áo, kiểu gì cũng có ăn mừng. "Sẽ bị ồn ào một chút vào đêm đấy", anh nhắn trong message gửi qua Airbnb. "Nếu anh thích, anh có thể xuống đó mà nhảy múa cùng".
Lời nhắn nhủ của Artur không thừa. Bởi quả đúng như những gì anh nói. Đêm Thổ Nhĩ Kỳ đánh bại Áo để lần đầu tiên sau 16 năm mới vào được đến vòng tứ kết, khu phố cách nhà ga trung tâm gần 2 cây số và tập trung khá đông người nhập cư này chìm trong tiếng ồn.
Ở một quán ăn của người Ả rập cách căn hộ tôi thuê của Artur chừng 200 mét, có những tiếng hát, tiếng nói, tiếng người cười vui vang lên trong đêm khi đã gần 2 giờ sáng, sau khi tôi từ sân Red Bull Arena trở về nhà, dù ở Đức có luật cấm làm ồn vào tối muộn. Đâu đó văng vẳng tiếng còi xe inh ỏi của các cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ "đi bão". Cả tiếng còi xe cấp cứu, còi xe cảnh sát chạy rầm rập đâu đó trong đêm lạnh. Một cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ trong dòng người lũ lượt rời sân sau tiếng còi cuối cùng cất lên nói với tôi ước ao của anh: "Ước gì tôi đang ở Istanbul giờ này".
Trong cuộc vui lớn của người Thổ Nhĩ Kỳ
Nhưng Leipzig cũng đã là một Istanbul thu nhỏ. Trong khoảnh khắc nhớ nhung quê nhà ấy, người thanh niên nhớ đến Istanbul vì anh nhớ những cuộc ăn mừng lớn lao của hàng trăm nghìn cổ động viên trên thành phố của hai bờ Á-Âu ấy. Nhưng hàng vạn cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ, cả những người Ả rập ủng hộ họ nữa, đã biến đêm Leipzig thành một đêm hạnh phúc bậc nhất.
Trước đó, trong cơn mưa lạnh tầm tã trên sân Red Bull Arena, có một lễ ăn mừng của tiếng hát, tiếng thét "Turkiye Turkiye" vang vọng, với những cổ động viên quần áo ướt hết, những lá cờ màu đỏ vẽ trên mặt họ nhoè nhoẹt, nhưng trong đôi mắt họ ánh lên những tia sáng của chiến thắng. Đó không còn là cảm giác khắc khoải chờ đợi cho đến tận những giây cuối cùng của trận đấu với Czech để ăn mừng một chiến thắng nghẹ thở. Đó cũng không phải là những khán đài rực lửa với màu đỏ bừng bừng như núi lửa ở sân Dortmund để rồi chìm trong im lặng khi Thổ Nhĩ Kỳ thủng lưới bàn thứ 3 trước Bồ Đào Nha khi đồng hồ chưa điểm qua một tiếng. Cuộc vui này khác, bắt đầu từ phút đầu tiên khi Merih Demiral trở thành người hùng dân tộc bằng cú sút cận thành, làm vang lên những tiếng "Turkiye Turkiye" đầy tự hào, rồi một màn bật đèn flash như một cuộc trình diễn ánh sáng ở cuối hiệp 1.
Pháo khói màu đỏ bùng lên ở một góc khán đài khi Demiral ghi bàn thứ hai bằng một quả đánh đầu. Những khán đài ấy chìm trong căng thẳng và có đôi lúc im lặng, sự im lặng như một khoảnh khắc chết chóc ở cuối trận, để rồi bùng lên trong hạnh phúc khi thủ môn Mert Gunock thực hiện một pha đẩy bóng không tưởng ở phút 90+5 từ cú đánh đầu của Christoph Baumgartner. Tiếng còi vang lên, toàn bộ khu khán đài của hàng vạn cổ động viên Thổ Nhĩ Kỳ ôm nhau trong sung sướng. Họ chứ không phải Áo hay ai khác mới là hiện tượng lớn lao của giải đấu này. Quốc gia ở Á nhiều hơn Âu ấy và có một tôn giáo chủ đạo (Hồi giáo) khác với đa số châu Âu lại có mặt trong một cuộc vui lớn lao và có thể tác động mạnh mẽ đến kết cục của giải đấu.
Trong đêm lạnh, cơn mưa đã ngớt khi họ rời sân, làm một cuộc diễu hành chiến thắng trên những con phố của Leipzig. Buổi chiều trước trận đấu, một cuộc diễu hành rầm rộ như thế cũng đã diễn ra, với sự hộ tống của cảnh sát, với điểm đầu là toà thị chính cổ của Leipzig. Bây giờ, là những chiếc xe phóng nhanh và bóp còi inh ỏi, cửa sổ mở toang và cờ Thổ Nhĩ Kỳ bay phấp phới. Rất nhiều xe Mercedes, Porsche và Audi. Không có gì ngạc nhiên, vì nhiều người người Thổ ở đây rất giàu.
Mỗi thắng lợi là một cuộc vui lớn
Chiến thắng làm cho cuộc vui của người Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức thêm dài. Mà đá ở đây với họ chẳng khác sân nhà. Hàng triệu người Thổ Nhĩ Kỳ và người Đức gốc Thổ đang sống ở đây, cùng hàng vạn người Thổ ở các nước xung quanh lái xe sang ủng hộ đội tuyển. Một trang mạng của Đức đã nói đến một cuộc "xâm lăng" bằng bóng đá của người Thổ Nhĩ Kỳ trên nước Đức. Một cuộc "xâm lăng" trước đó, thông qua quá trình nhập cư, cũng đã diễn ra và biến Đức thành quốc gia có cộng đồng người Thổ đông nhất, khi họ có mặt trong nhiều lĩnh vực, từ kinh doanh cho đến bóng đá. Những quán doner kebab có ở mọi nơi trên đất Đức này.
Những cuộc "xâm lăng" khác, trong những lĩnh vực khác đã từng diễn ra và từng thất bại, dưới thời đế chế Ottoman khi quân đội của Mustafa Pasha đã bao vây thành Vienna trong hai tháng của năm 1683 cho đến khi bị quân liên minh do Jan Sobieski đứng đầu đánh bại. Đó là lần gần nhất người Thổ tiến rất gần đến châu Âu qua con đường chiến tranh. Những lần tiến gần hơn đến việc làm thành viên của EU những năm qua đều nhận được cái lắc đầu. Người Thổ là một phần trong cộng đồng dân cư ở các nước châu Âu, nhưng nước Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Tayyip Erdogan luôn được nhìn bằng con mắt rất e dè và thận trọng từ phần đông các nước EU. Vì đa số trong 84 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ là Hồi giáo, trong khi đa phần châu Âu là Cơ đốc giáo, việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU, nếu diễn ra, sẽ tạo ra sự thay đổi trong cán cân quyền lực châu Âu.
Con đường vào EU của Thổ Nhĩ Kỳ còn rất xa, và đó là một cuộc chơi không đơn giản, nhưng trước đó, họ phải thắng trong cuộc chơi bóng đá. Cuộc chơi ấy đang diễn ra và Thổ Nhĩ Kỳ đang gây ấn tượng mạnh. 16 năm trước, tôi đã chứng kiến Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra những điều kì diệu thế nào trong hành trình EURO 2008. Châu Âu ngày ấy ngỡ ngàng chứng kiến những cuộc ăn mừng trên các đường phố ở Áo và Thuỵ Sĩ, những cuộc diễu hành và bóp còi suốt đêm khi Thổ Nhĩ Kỳ vào đến bán kết của giải, để rồi thua Đức theo cách mà họ đã từng đẩy nhiều đội khác vào nước mắt: Ghi bàn chiến thắng ở những phút cuối cùng. Giờ đây, họ đang tiến về Berlin cho trận tứ kết với Hà Lan và lại mơ chiến thắng để đi xa nhất có thể. Và như thế, đất nước rất khao khát vị thế của mình ở ngã ba Âu, Á và Trung Đông này sẽ lại thấy hàng vạn đồng bào mình khoác là cờ đỏ diễu hành suốt đêm trong thắng lợi.
… Ba giờ sáng, thành phố đã yên ắng trở lại. Cả khu phố có lẽ đã ngủ yên, cơn mưa cũng đã tạnh, những chiếc xe đã thôi bấm còi và không còn rú ga phi nhanh trên đường. Tất cả đã về ngủ để lấy sức cho những đêm không ngủ tiếp theo, trong những giấc mơ lớn lao. Chỉ còn tiếng một đôi trai gái người Nga đang cãi nhau ở bên kia đường…
Anh Ngọc (từ Leipzig, Đức)
Tags