Trên khán đài, Josip gào lên như một kẻ tâm thần khi chứng kiến lưới của Gigi Donnarumma rung lên sau cú sút cận thành của Luka Modric. Anh nhẩy cẫng lên và ôm lấy những người đồng hương ngồi cạnh, nước mắt chan hoà. Trong một tích tắc, người kĩ sư xây dựng ở Zagreb ấy tưởng như mình đã được lên thiên đường.
Cuộc hành hương hào hùng trên phố Leipzig
Trước đó chừng một phút, anh đã ôm lấy mặt, lầm rầm cầu nguyện. Đó là lúc trọng tài người Hà Lan Danny Makkelie đang kiểm tra VAR, và rồi, trong sự sung sướng tột cùng của các cổ động viên Croatia trên sân Red Bull Arena, ông chỉ tay vào chấm phạt đền. Một sự giận dữ ào lên trong khu của các cổ động viên áo Thiên thanh. Tim họ thắt lại. Italy có nguy cơ bị dẫn trước.
Những ai đã sống qua những phút ấy trên tivi hẳn sẽ sống qua quá nhiều cảm xúc trong một quãng thời gian ngắn. Nhưng những ai đã ở trên sân và chứng kiến những cảm giác đối lập cùng đến chỉ trong quãng thời gian bằng giây hẳn sẽ hiểu được tại sao bóng đá khiến cho chúng ta có lúc yêu, rồi lại ghét đến như thế.
Rất nhiều những cảm xúc ập đến khi bạn thuộc về một trong hai đội bóng đang chiến đấu nhằm loại nhau khỏi cuộc chơi. Cảm giác về sự bất công, bất lực, cảm giác về một niềm sung sướng hân hoan tràn ngập, giống như một cơn điên dại ập đến không thể kìm lại được, và đối lập với nó là một nỗi thất vọng, đôi khi không muốn có mặt trên sân bóng để chứng kiến tất cả những điều ấy. Josip đã như thế trong khoảnh khắc khi chứng kiến cú sút phạt đền của Modric bị Donnarumma cản phá và rồi ngay sau đó, trong tình huống tiếp theo là cú đá chân trái của huyền thoại sống mang áo số 10. Trong khoảnh khắc, Red Bull Arena trở thành sân Maksimir luôn luôn nóng bỏng như núi lửa, và Leipzig trở thành Zagreb trong một ngày hội của dân tộc Croat.
Hơn 3 tiếng trước đó, trung tâm Leipzig ngập màu cờ đỏ trắng của Croatia. Josip có mặt trong một cuộc diễu hành gồm hàng nghìn cổ động viên Croatia ấy. Đó là một cuộc diễu hành, một đám rước, một cuộc hành hương về đất thánh, như Luka, một cổ động viên Croatia đến từ Zadar, đã nói với tôi trước khi đám người vô cùng đông đảo bắt đầu đi bộ 3km để từ đó đến sân Red Bull. Mấy xe cảnh sát Đức dẫn đường, nhiều đơn vị cảnh sát Đức trong trang phục đen đi trước và đi sau, trực thăng an ninh bay cao trên đầu, họ hộ tống một cuộc đi bộ gây choáng ngợp thực sự về số lượng người tham gia, về những lá cờ Croatia họ mang theo, về âm lượng decibel từ tiếng họ hát, về mùi pháo ngạt ngào khắp nơi do họ đốt, về những số 10 trên lưng hàng biết bao người thần tượng Modric, về sự cuồng nhiệt mà họ tạo nên. Josip, người tôi đã làm quen trong cuộc "hành hương" trên phố Leipzig và sau đó, rất tình cờ, lại ngồi cạnh tôi trên khán đài, nói với tôi rằng, người Croat đã diễu hành như thế ở bất cứ sân chơi lớn nào mà đội tuyển tham gia để cho thế giới thấy rằng, dù là một đất nước nhỏ bé và ít dân, Croatia là một cường quốc về bóng đá.
Trận Leipzig của Croatia
Anh không sai, với người khổng lồ Modric, Croatia đã khiến người ta khâm phục bởi những chiến thắng của họ trên sân cỏ và tạo ra cho các cổ động viên một niềm tin bất diệt rằng, chừng nào Modric còn ở đó, Croatia còn tồn tại. Cảm giác ấy đã tồn tại một cách chắc chắn và bất diệt, hệt như niềm tin vào Chúa. Chúa đã không tồn tại khi Croatia thua Tây Ban Nha 0-3, Chúa cũng đã quay lưng khi Croatia cần chiến thắng trước Albania, bởi họ đã bị gỡ hoà ở phút 90+5, và bây giờ, Croatia không cần vị Chúa đó nữa, họ đã có một vị Chúa riêng mình, Chúa Luka.
Niềm tin mãnh liệt ấy đã tồn tại hơn nửa tiếng sau bàn mở tỉ số của Modric, đã tạo những luồng xung điện của sự phấn khích và hạnh phúc khi thời gian ngày càng trôi đi, đã tạo ra những đốm lửa từ pháo sáng họ đốt ở một góc khán đài, đã trở thành những cốc bia uống hết ném xuống sân, về phía các cầu thủ Ý. Cho đến phút 90+7, Josip đã tin vào một chiến thắng, đã mơ rằng những năm tháng gắn bó với Chúa Luka vẫn sẽ kéo dài mãi, như thể Modric và những phép màu của anh là bất tử. Nhưng đúng vào lúc người Croatia tin tưởng nhất vào một chiến thắng, trên cả những con phố Leipzig với cuộc diễu hành của âm thanh với tiếng hát, tiếng gào thét của cả vạn người át hết số lượng ít ỏi các tifosi, cũng như trên sân cỏ, thì một trận động đất làm rung chuyển sân Red Bull và làm chết lặng những tiếng hát đã cất lên khi trọng tài chuẩn bị nhìn đồng hồ.
Lúc ấy, tôi đã trên đường rời sân. Tôi không đủ niềm tin vào một điều thần kì. Josip đã thấy tôi lắc đầu liên tục và buồn bã sau bàn thắng của Modric, đã nghe tôi phàn nàn rằng đây là một trong những đội Ý tệ nhất về chất lượng chuyên môn. Nhiều cổ động viên Croatia cũng bắt đầu rời sân để chuẩn bị cho một cuộc ăn mừng. Điều đó đã không diễn ra, bởi những người Ý đã tạo nên một cơn chấn rung khủng khiếp bằng những nhịp chân giậm trên khán đài, cùng tiếng hát "Po Po Po Po" cất lên như họ từng hát ở mùa Hè lịch sử 2006 cũng trên đất Đức. Một cuộc diễu hành sau trận như người Croat mong muốn, với một cuộc đảo chiều số phận đưa Croatia vào vòng 1/8 đã không diễn ra. Giờ đây, niềm vui là của người Ý.
Trận Leipzig, hay "Trận đánh của các quốc gia", đã diễn ra ở nơi đây 211 năm trước và là một trong những cú sốc đầu tiên làm sụp đổ đế chế của Napoleon. Nhưng đã không có trận Leipzig với đội tuyển Ý, đương kim vô địch EURO, mà là với Croatia, đội bóng của Chúa Luka, á quân World Cup 2018, bán kết World Cup 2022, chung kết Nations League 2023. Tất cả là bởi những bàn thua sau phút 90 của hai trận đấu liên tiếp, như một trò đùa của số phận đúng vào những giây cuối cùng…
Tags