Xét cho cùng, cuộc đời của chúng ta là những cuộc chia tay. Chia tay những niềm vui, những câu chuyện hạnh phúc và chia tay cả các giải bóng đá. Dù EURO 2024 để lại những ấn tượng trái ngược về những gì đã xảy ra, nhưng khi nó kết thúc, một cảm giác hụt hẫng xuất hiện. Vì phải 2 năm nữa mới có một World Cup, 4 năm nữa mới lại có một EURO.
Cuộc ăn mừng của các cổ động viên Tây Ban Nha diễn ra ngay khi tiếng còi của trọng tài cất lên, vang vọng, kéo dài thành những tiếng hạnh phúc trong đêm Berlin của một ngày ban đầu nắng rất đẹp, nhưng sau đó có mưa to và rồi, như có một phép màu trước trận, mưa lại tạnh, nắng lại lên và hoàng hôn đỏ ối phủ lên Olympiastadion khi trận đấu diễn ra.
Lịch sử trên bầu trời Berlin
Để rồi khi trận đấu kết thúc, trên bầu trời đầy sao là pháo hoa bắn lên, là tiếng hát của Freddy Mercury trong bài "We are the champions" (Chúng ta là những nhà vô địch). Những người đến từ Anh, chính là quê hương của Mercury và ban nhạc Queen huyền thoại, trớ trêu thay, không được hưởng bài hát ấy. Họ trở về nhà tay trắng, trong khi bóng đá mà người Anh vẫn hát là sẽ về nhà, trên thực tế đã lên đường để tới Madrid, cách London 1.700 km về phía Nam, nơi có nhiều ánh nắng hơn, nơi người ta đã ăn mừng các thắng lợi của đội tuyển từ ngày đầu trái bóng lăn ở trận khai mạc EURO cho đến giờ. Trên đôi cánh trẻ trung của những Nico Williams và Lamine Yamal, cùng sự toả sáng của Dani Olmo, một phương án thay thế hữu hiệu cho Pedri làm thay đổi lối chơi của Tây Ban Nha, họ đã khiến các cổ động viên hạnh phúc không ngưng nghỉ. Mỗi một trận đấu trôi qua là một niềm vui bất tận, trong sân, trên đường phố, trong những quán bar. Tôi đã chứng kiến những niềm vui ấy ở EURO 2008, World Cup 2010, EURO 2012 trong những hành trình đã qua. Và giờ là EURO 2024.
Điều đó khác hẳn với Anh, đội bóng đã khiến các cổ động viên trải qua không biết bao nhiêu cảm xúc trong hành trình, từ bực tức, hoài nghi, cho đến sung sướng, sẵn sàng chấp nhận cách chơi mà HLV Gareth Southgate đã áp dụng cho đội bóng dù có thể lòng không phục. Nhưng kết thúc của giải đấu này với họ là một bi kịch đau đớn. Bởi khi bạn đã bùng lên các hy vọng về vinh quang trong một hành trình mà cá tính của bạn chỉ thể hiện được ở hoàn cảnh bị dồn vào chân tường, với những bàn thắng ở các phút chót, nhưng lại bị chính đối thủ đánh bại ở đúng thời điểm bạn không thể có hy vọng làm nên điều kì diệu nào nữa, thì đó chính là bi kịch. Khi Cole Palmer gỡ hoà cho Anh, lần thứ tư liên tiếp Anh ghi bàn sau khi bị dẫn trước trong 4 trận đấu, mà 3 trận trước họ đều chiến thắng, các cổ động viên đội áo trắng đã hát vang khắp sân Olympiastadion. Họ hy vọng, họ chờ đợi điều kì diệu. Nó đã không bao giờ đến, bởi Tây Ban Nha còn chơi hay hơn, lì lợm hơn. Cũng ở phút cuối, họ đã giết chết mọi hy vọng của đội tuyển Đức. Cũng ở phút cuối, họ làm tan nát các trái tim Anh. Khi trận đấu kết thúc, các cổ động viên Tây Ban Nha ùa ra sân nhảy múa và hát. Trong khi ấy, các cổ động viên Anh rời sân trong thất vọng. Không ít người xếp hàng trước quầy bia của sân vận động, uống cho quên đất trời. Có những người nằm dài trên cỏ, không nói lên lời.
Chào tạm biệt EURO!
Rồi thì người Anh cũng trở về nhà không danh hiệu. Người Tây Ban Nha sẽ mang Cúp về và lại đổ ra ăn mừng cùng hàng trăm nghìn cổ động viên trên những con phố Madrid và nhiều nơi khác nữa. Người Đức không phải đi đâu cả, vì đây là nhà họ. Nhiều đội tuyển và các cổ động viên của họ thì đã về nhà từ trước đó với những cảm xúc trái ngược, có người vui vì đi xa hơn kì vọng, có người buồn vì không thể hiện được gì và thua.
Sẽ nhớ mãi những điệu kèn túi của các cổ động viên Scotland, nhớ mãi những điệu nhảy trái-phải trái-phải của một biển màu cam từ cổ động viên Hà Lan ở những nơi mà họ theo chân đội tuyển, sẽ không bao giờ quên những cuộc ăn mừng của người Georgia hay Thổ Nhĩ Kỳ. Có những giọt nước mắt hạnh phúc vì chiến thắng của người Tây Ban Nha, có những giọt nước mắt buồn bã không chỉ vì một quả penalty hỏng ăn của Cristiano Ronaldo mà còn cả vì cảm giác lập nên những kỉ lục mới ở mùa EURO này đang trên đường thất bại dù đã hết sức cố gắng mà không thắng được quy luật thời gian, có những giọt nước mắt như của một đứa trẻ của Pepe ngày Bồ Đào Nha thất bại, và cả những nỗi buồn không thể giấu được trong mắt của các cổ động viên Anh. 3 năm liên tiếp là 2 trận chung kết thất bại, mỗi trận theo một cách. Còn nỗi đau nào lớn hơn thế?
Có quá nhiều điều để nhớ và để quên ở một tháng EURO này, để rồi khi đến giờ phút chia tay giải đấu, ta lại thấy hẫng hụt đến nao lòng, nhưng rồi nhận ra rằng, đấy là một tháng đã sống với bao cảm xúc, lúc buồn lúc vui, lúc háo hức lúc mệt mỏi. Để rồi giờ đây quay trở lại với cuộc sống thường nhật. Cảm ơn nước Đức vì một hành trình không thể quên, về những sân bóng ngập tràn khán giả, với tiếng hát, với niềm vui, với bia 5 độ uống tuyệt vời chưa từng có trên khán đài, với mùi xúc xích nướng sực nức mũi trong khi bóng vẫn lăn, với những tình nguyện viên áo xanh hết lòng vì mọi người, với cả những chiếc cốc nhựa uống bia được ném xuống từ khán đài. Thời tiết cũng là câu chuyện đáng nói, vì lúc mưa, lúc nắng, lúc lạnh, lúc lại gió rất to. Có cả một cơn mưa lớn đã ập xuống Dortmund và làm trận đấu Đức-Đan Mạch gián đoạn nửa tiếng. Và rồi những lần trễ tàu trong đêm muộn của hàng nghìn người sau trận đấu trở về. Tất cả tạo thành những thứ gia vị không thể thiếu được của một mùa EURO đặc biệt.
Đối với những người phóng viên như chúng tôi, đó là một tháng của dày đặc những chuyến đi, những trận đấu, những đêm ngủ rất ít, rất nhiều công việc bài vở và triền miên áp lực. Cả một tháng trời vất vả chạy theo công việc, đôi khi có những đêm trắng vì nó, như đêm cuối cùng ở Berlin vẫn còn nán lại làm việc ở trung tâm báo chí (Media hub) đến hơn 2 giờ sáng, để rồi, khi tất cả kết thúc, thấy như vừa mất đi một điều gì đó. Đấy là cảm giác của việc đã cố gắng hết sức làm một việc quan trọng trong cả một quãng thời gian dài, sống vì nó, trăn trở vì nó, đổ mồ hôi vì nó, trong một guồng quay liên tục hàng ngày, cho đến khi nó chấm dứt. Bạn hiểu bạn đã xong một hành trình, bạn nhớ đến hành trình đã đi hơn là cách bạn đã kết thúc nó. Có một nỗi buồn trong một niềm vui.
… Đêm cuối cùng của tôi ở Berlin chính là đêm chung kết. Chưa về nhà sau chuyến tàu đêm, tôi lên trung tâm thành phố và đứng lặng một hồi lâu trước cổng Brandenburg, biểu tượng của Berlin. Và cũng như cố Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã từng nói ở đây trong bài phát biểu bất hủ của mình năm 1961, sau khi bức tường Berlin được dựng lên, tôi nói: "Ich bin Berliner" (Tôi cũng là người Berlin). Bởi một phần của cuộc đời tôi, dù chỉ hơn một tháng, đã nằm lại ở nước Đức, với điểm cuối của hành trình là Berlin. Tôi biết, tôi sẽ trở lại mảnh đất này…
Anh Ngọc (từ Berlin, Đức)
Tags