1, 2, 4, 7, 8 hay 10 chỉ là những số áo, những con số vô hồn và chỉ để phân biệt số này với số kia. Nhưng khi nó xuất hiện trên lưng của những cổ động viên, có người già, có người trẻ, nam có, nữ có, trong những hoàn cảnh cụ thể, như ở các trận đấu EURO này, đó lại là một sự biểu thị tình yêu và nỗi đam mê của người mặc với không chỉ đội tuyển ấy, mà còn ngôi sao mà họ tôn thờ.
Cô đứng trước tôi, hãnh diện giơ ra cái lưng áo mà tôi bất chợp bắt gặp trong lúc đi qua khung trung tâm của Dortmund. Anna, tên cô gái, mặc một chiếc của đội tuyển Đức, nhưng trên lưng không có số áo hay tên của bất cứ cầu thủ nào cả.
Yêu lắm những cái tên lưng áo
Nhưng con số và dòng chữ trên đó thì thật ý nghĩa và không hề "đụng hàng". Lưng áo cô viết: "Weltmeister" và con số 2014. Đó chính là "Vô địch thế giới" và năm mà họ đã đăng quang trong trận thắng Argentina ở chung kết trên sân Maracana, Rio de Janeiro. Tôi cũng có mặt trên khán đài trong trận đấu ấy, cũng chìm trong niềm vui của những người hâm mộ bóng đá Đức khi đội tuyển của họ lên ngôi vô địch World Cup. Dòng chữ và con số ấy như nhắc nhở rằng, đã 10 năm trôi qua kể từ ngày lần gần nhất Đức lên đỉnh cao của bóng đá thế giới. Năm nay, ở EURO này, Đức đã vào tứ kết và những cuộc vui bất tận sau mỗi chiến thắng trên đất nước này chính là hệ quả của sự cuồng si đang lớn lên từng ngày. Nhiều người Đức nói với tôi rằng, họ yêu đất nước của họ hơn, thông qua đội bóng của họ.
Và tình yêu đó được thể hiện bằng việc không chỉ phất lên những lá cờ mà còn khoác lên mình những chiếc áo đấu. Trên lưng những chiếc áo ấy thể hiện niềm tin và sự hâm mộ với một cầu thủ nào đó. Bạn hãy tưởng tượng đang hoà vào dòng cổ động viên đoàn đoàn lũ lũ đến sân vận động mùa EURO, và đập vào mắt bạn chính là những lưng áo với những con số và cái tên.
Ở Đức, số áo tôi thấy nhiều nhất là số 8 của Toni Kroos, cầu thủ quan trọng nhất của Đức lúc này, cũng là người được hâm mộ nhất. Nhưng cũng có rất nhiều số 10 của Jamal Musiala, người lúc này đã có riêng một bài hát mà các fan Đức tặng cho anh và họ hát vang sau khi anh ghi bàn ở trận thắng Đan Mạch 2-0. Có áo số 9 của Niklas Fullkrug, có cả số 15 của Nico Schlotterbeck, đâu đó lác đác số 6 của Joshua Kimmich, của Florian Wirtz hay Rudiger. Không thấy áo số 1 của Manuel Neuer.
Với các cổ động viên Anh, số áo họ mặc nhiều nhất là số 10 của Jude Bellingham, số 9 của Harry Kane và số 4 của Declan Rice. Đâu đó thấp thoáng cả số 7 của Bukayo Saka và số 26 của Kobbie Mainoo. Nhưng đặc sản của các cổ động viên Anh ở không chỉ EURO này mà còn biết bao EURO và World Cup khác là lá cờ trắng có chữ thập thánh George, được treo trên sân bóng, trên ban công khách sạn họ ở, ở khắp các nơi họ đến. Chúng giống như một tấm danh thiếp nêu rõ họ đến từ địa phương nào của nước Anh, đội bóng Anh cấp CLB nào họ ủng hộ và đôi khi có thêm vài khẩu hiệu, kiểu như "In Southgate we trust" (Chúng ta tin tưởng Southgate). Nhưng nhìn kĩ hơn nữa, bạn sẽ thấy nhiều điều thú vị hơn: Họ là fan của các đội bóng ở hạng dưới, thậm chí rất thấp trong bóng đá Anh. Millwall, Macclesfied, Scunthorpe, Derby County, Bristol City, thậm chí có cả Coventry và Carlisle. Danh sách rất dài, như thể kiếm tìm đồng hương trong các chuyến đi.
Trên thực tế, người ta yêu cầu thủ nào nhiều nhất thì số áo và tên cầu thủ ấy xuất hiện nhiều nhất. Với đội tuyển Pháp là Mbappe, với Georgia là Kvaratskhelia (không chỉ có số 7 với đội tuyển Georgia, nhiều fan còn mặc áo số 77 của Napoli), với Bồ Đào Nha dĩ nhiên là Ronaldo (nhưng với rất nhiều mẫu áo, từ mẫu 2004 khi anh còn trẻ với số 17, đến những số 7 ở MU, Real Madrid, Juventus và cả Al-Nassr), với Slovakia là Skriniar… Có một số áo thậm chí còn gợi cả những sự xúc động, như các cổ động viên Slovenia đồng loạt mặc áo của Ilicic, thần tượng lớn của họ, người vừa trở lại thi đấu sau một giai đoạn trầm cảm nặng. Cũng có khá nhiều trường hợp đặc biệt khi việc cá nhân áo số hoá thực sự dễ dàng. Tôi gặp một số trên lưng là cổ động viên Anh, có số 1 sau lưng cùng dòng chữ "Dad" (bố). Không có một số 1 khác đi cùng, với chữ "Mom" (mẹ) trên lưng. Hỏi ra thì mới lặng người một chút khi ông bảo bà ấy mất rồi.
Nỗi nhớ cho những người không có mặt
Gerrard, Lampard, Rooney, Shearer, Scholes, Beckham… chính là những cái tên Anh xuất hiện ở mọi nơi mà các cổ động viên Anh đi qua. Những cái tên ấy xuất hiện trên những mẫu áo đấu từ những năm xưa lắm, từ những World Cup 2002, EURO 2004, có lẽ là lúc những người trai trẻ mặc chúng trên lưng còn chưa ra đời. Có cả những áo đấu rất hoài niệm của EURO 1996, khi Anh đăng cai giải đấu trên sân nhà. Trên lưng áo của một cổ động viên Anh như thế, có tên của Southgate, người đá hỏng quả luân lưu quyết định của Anh trong trận bán kết với Đức và giờ đang dẫn dắt Anh trong hành trình EURO này.
Những cái tên quá khứ ở đây không ít, toàn những huyền thoại. Trên lưng áo của một cổ động viên Đức còn trẻ, là số 20 và tên của Effenberg, và đó là trang phục đội tuyển Đức cách đây 30 năm, ở World Cup 1994. Có cả số 10 của Matthaeus và số 6 của Sammer, thủ lĩnh của Đức trên hành trình vô địch EURO 1996, hay số 20 của Bierhoff, người ghi bàn thắng vàng trong trận chung kết EURO ấy. Nhưng cũng có những chiếc áo đấu nhắc nhở về tên của người mà họ thần tượng, tiếc thay không được các HLV triệu tập cho EURO này. Một cổ động viên Đức mặc chiếc áo số 5 của Hummels. Một người nữa có số 11 của Reus. Trên lưng áo các cổ động viên Anh có cả tên của Maguire và Grealish. Họ hẳn đã ước rằng, những ngôi sao mà họ yêu mến có mặt ở nơi này. Họ mặc những chiếc áo ấy hệt như tuyên ngôn về một tình yêu không bao giờ đổi thay.
Nhưng cũng có những chiếc áo đấu và các cái tên trên đó chỉ gợi lên những hoài niệm xa xăm. Trên lưng các cổ động viên Ý đa phần là Fiore, Totti, Del Piero, Baggio hay Maldini… thật hiếm tìm thấy một cái tên nào của đội hình Ý vừa bị loại khỏi EURO trên lưng những chiếc áo đi lại ngoài phố. Điều đó bộc lộ một vấn đề lớn: Italy bây giờ chẳng có ai đáng gọi là thần tượng.
Có một hình ảnh đọng lại mãi trong tôi khi bắt gặp trên đường phố ở Đức: Số 3 trên lưng áo của một chú bé. Bên trên con số ấy là Chiellini, người đội trưởng của đội tuyển Ý giành chức vô địch EURO 2020. Tôi chưa thấy ai ở Đức mặc số áo này, kể cả các cổ động viên Ý. Đấy chính là một biểu tượng, một con người, một hình mẫu mà đội Thiên thanh đã không có ở giải đấu này khi họ cần một mẫu thủ lĩnh như anh nhất. Không có một người như thế, không cả những số 10 như Alex del Piero, người cũng có mặt ở EURO 2024 nhưng không phải để xỏ giày đá bóng mà là để bình luận về giải đấu trong vai trò của một BLV kênh CBS, đội bóng của Luciano Spalletti đã sớm về nhà.
Mỗi con số, một hoài niệm, một nỗi buồn xa xăm…
Anh Ngọc (từ Dusseldorf, Đức)
Tags