Eva Asderaki-Moore: Người phụ nữ quyền lực ở trận Djokovic-Federer

Thứ Hai, 14/09/2015 13:00 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Trước đây, có lẽ ít người biết Eva Asderaki-Moore là ai. Nhưng bây giờ thì khác, bởi cô đã trở thành nữ trọng tài đầu tiên trong lịch sử điều khiển một trận chung kết US Open.

US Open là giải Grand Slam đầu tiên sử dụng cả hai nữ trọng tài ở các trận chung kết đơn nam và đơn nữ. Điều khiển trận Flavia Pennetta - Roberta Vinci là nữ trọng tài Marija Cicak người Croatia, còn ở trận đơn nam là Eva Asderaki-Moore, người Hy Lạp. Trước đó, Sandra de Jenken (Pháp) đã trở thành người phụ nữ đầu tiên bắt chính ở một trận chung kết Grand Slam của nam. Cô nhận được vinh dự này tại Australian Open và Roland Garros năm 2007.

Đi vào lịch sử

“Eva đã được thử thách ở ba trong số 4 năm gần đây, và năm nay, cô ấy đã được chấp nhận”, chủ tịch hội đồng trọng tài quần vợt thế giới Bruce Littrell tuyên bố trên USA Today, “Về năng lực, cô ấy đã điều khiển nhiều trận của nam và thể hiện rất tuyệt. Cô ấy chưa bao giờ gặp rắc rối gì cả”.

Asderaki-Moore là một trong số 19 trọng tài có phù hiệu vàng (Gold Badge - dạng chứng chỉ bậc nhất về uy tín) làm việc tại US Open năm nay. Theo thống kê của USTA, trong số 127 trận đơn nam ở US Open năm nay, 41 trận có trọng tài nữ điều hành.

Brian Earley, trưởng ban trọng tài và thi đấu của US Open 2015, là người chốt danh sách trọng tài điều khiển chính ở các trận chung kết. Và ông đã góp phần tạo ra lịch sử bởi quyết định dũng cảm này. Ở ba trận chung kết đơn nam trước đó của Mỹ mở rộng, người sắm vai trò này là Jake Garner của nước chủ nhà.


Serena Williams đôi co với Eva ở trận chung kết US Open 2011

Đây là trận chung kết Grand Slam thứ ba trong sự nghiệp của Asderaki-Moore. Trước đó, cô từng điều khiển hai trận chung kết đơn nữ US Open 2011 và Wimbledon 2013. Hồi năm 2011, cô từng nhắc nhở Serena Williams sau khi tay vợt người Mỹ gào lên sau một pha đánh hỏng với ý thiếu tôn trọng đối thủ Samantha Stosur. Kết quả, Serena sôi sùng sục lên đôi co với Asderaki-Moore và sau đó còn phát biểu rằng “cô ta là kẻ đáng ghét, khó ưa, và không biết kiểm soát trận đấu”. Dù vậy, nữ trọng tài Hy Lạp vẫn điềm tĩnh điều khiển chính xác trận đấu ấy, còn Serena thì ức chế dẫn đến thua trận.

Quan trọng nhất vẫn là năng lực

Các trọng tài không được phép phát ngôn với báo chí trong khi giải đấu đang diễn ra, nhưng một đồng nghiệp mang phù hiệu vàng của Eva Asderaki-Moore đã email cho USA today và khẳng định rằng “Tôi vẫn luôn nghe thấy những phản hồi tốt từ phía các tay vợt nam khi cô ấy ngồi ghế trọng tài chính, và sự hiện diện của cô ấy là rất nổi bật, kỹ năng giao tiếp của Asderaki-Moore với các tay vợt giúp cô ấy thành công”.

Với một sân vận động chật cứng khán giả ở trận chung kết, Asderaki-Moore trở thành trung tâm của mọi sự chú ý.

“Là người phụ nữ đầu tiên điều khiển một trận chung kết đơn nam thật là điều tuyệt vời”, chồng của Eva, Paul Moore, cho biết “Tôi rất tự hào về Eva, và thực sự cảm thấy hạnh phúc. Cô ấy đã làm việc chăm chỉ, đã hy sinh rất nhiều để đạt được sự công nhận ấy, và một trận đấu như thế (Federer-Djokovic) là một phần thưởng xứng đáng”


Eva (ngoài cùng bên trái) ở trận chung kết đơn nữ Wimbledon 2013

Kỳ tích của Eva càng đáng chú ý hơn nếu biết rằng trong số 19 trọng tài có phù hiệu vàng ở US Open năm nay, chỉ có 5 người là nữ. Thực tế, trên thế giới hiện nay cũng chỉ có 6 trọng tài mang phù hiệu vàng là nữ. Trong khi đó, con số này của nam là 21 người.

“Liên đoàn quần vợt Mỹ (USTA) đã chứng tỏ rằng mình đang đi đầu về sự đa dạng”, Littrel tự hào “Nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là kỹ năng. Eva là một trong những trọng tài chính hàng đầu trên thế giới. Đó là thực tế. Và tôi nghĩ việc để cô ấy bắt chính ở chung kết đơn nam US Open là một quyết định tuyệt vời”.

Bạn có biết?

Người phụ nữ đầu tiên được làm trọng tài chính (chair umpire) tại chung kết một Grand Slam là cố trọng tài người Anh Georgina Clark (mất năm 2010, thọ 70 tuổi). Năm 1984, bà vinh dự điều khiển trận chung kết Wimbledon đơn nữ giữa Martina Navratilova và Chris Evert.

Georgina Clark được mệnh danh là Supermum vì chẳng ngán tay vợt nào. Đầu gấu như John McEnroe cũng phải chào thua khi dám có hành vi bỡn cợt bà trong trận chung kết Queen's Club năm 1981. Chính vì vậy, người ta tin tưởng giao cho bà vinh dự là phụ nữ đầu tiên điều khiển chính một trận chung kết Grand Slam, thời mà kỹ thuật chưa hỗ trợ trọng tài nhiều như hiện giờ.

Phương Chi


Đọc thêm
  • Xem thêm  ›