(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một từ tiếng Anh, mang vài nghĩa, nhưng trong tuần này, nó được biết đến rộng rãi với nghĩa “ra khỏi”, “đi khỏi”, thậm chí là “ly dị”, “đào tẩu”… và từ đối lập với nó được cho là từ “remain” với nghĩa “ở lại”.
Brexit, cuộc ly dị của nước Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6 là "vụ nổ Big Bang" xuất phát từ "đồng hồ Big Ben" làm chao đảo cả thế giới. Và Việt Nam chúng ta cũng không vô sự, khi Ngân hàng Credit Suisse cho rằng, cùng với Singaproe và Hong Kong (Trung Quốc), Việt Nam nằm trong 3 nền kinh tế chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả của Brexit tính trên phạm vi châu Á.Ít nhất 3 triệu người Anh đang ký đơn muốn đảo ngược lại Brexit, và hàng triệu, hàng tỉ người trên thế giới cũng muốn như thế.
Cũng như trong Ngày gia đình Việt Nam hôm 28/6 vừa qua, không ai muốn có một sự tan vỡ, chia ly nào hết.
Nhưng cũng như trường hợp một gia đình ai đó xảy ra… “homexit”, phản ứng bình thường của mọi người là lo lắng cho tương lai của các thành viên, và có phần trách móc kẻ bội bạc, dứt tình.
Nhưng cuối cùng thì ra đi luôn là lựa chọn của “người trong chăn”, chứ không phải của bà con lối xóm, và nếu là một sự lựa chọn đã cân nhắc, thì can ngăn hay hàn gắn chẳng ích gì. Lúc đó, chúng ta nên tìm hiểu xem vì sao họ ra đi, chúc cho họ may mắn trên con đường của mình, thay vì nuối tiếc vì họ không ở lại.
Sự lựa chọn Brexit của hơn 17 triệu cử tri Anh chắc chắn không phải là ngẫu hứng.
Nếu bạn vào một tòa nhà, bạn nên để ý đến tấm biển EXIT. Bạn sẽ phải tìm đến nó để thoát thân một khi trong tòa nhà xảy ra sự cố. EXIT còn là lối ra, là cửa thoát hiểm. Nó vẫn sáng khi tòa nhà bị cúp điện.
Còn lối ra của Brexit trỏ tới đâu thì đó là câu chuyện của người Anh.
Chúc cuộc ra đi của người Anh và tất cả những cuộc ra đi trên thế gian này luôn mang theo niềm tin và hy vọng. Nói như Tagore, nhà thơ Ấn Độ đoạt giải Nobel: “Tôi xin dâng cao ngọn đèn lên. Soi sáng đường cho Người lúc ra đi”.
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags