(Thethaovanhoa.vn) - Để thấy rõ hơn đại dịch Covid-19 đã tàn phá lịch đua Công thức 1 (F1) như thế nào, chúng ta hãy xem xét các vấn đề sau: Ở giai đoạn này trong một mùa đua bình thường, các nhà quản lí F1 đang dành thời gian để lên lịch và địa điểm cho lịch thi đấu vào năm sau. Thay vào đó, họ vẫn đang sắp xếp các chặng đua cuối của giải vô địch năm nay.
Lịch F1 năm 2020 hiện có 13 chặng đua. Công ty sở hữu bản quyền thương mại thể thao Liberty vẫn nuôi hi vọng tổ chức được ít nhất 16 chặng trước Giáng sinh và họ đang nhắm mục tiêu để đạt được con số đó.
Trong rủi có may
Vậy mà có thời điểm, những người bi quan lo sợ F1 sẽ buộc phải hủy bỏ toàn bộ giải vô địch năm 2020, một quyết định không thể buồn hơn trong năm kỉ niệm 70 năm ra đời F1. Mỉa mai là trong số những người như vậy có cựu chủ tịch Liên đoàn xe quốc tế (FIA) Max Mosley, người cho rằng mùa giải nên bị hủy bỏ.
Làm như vậy có nghĩa là “các đội và các nhà tổ chức cuộc đua sẽ có sự chắc chắn để họ có thể lên kế hoạch và thực hiện các biện pháp”, Mosley đưa ra ý kiến gây tranh cãi vào cuối tháng 4. “Nếu chờ đợi, anh có nguy cơ làm mọi thứ tồi tệ hơn mà không chắc chắn sẽ giành được bất cứ điều gì. Không có gì đảm bảo rằng các chặng đua có thể bắt đầu lại vào tháng 7 và thực sự là dường như là không có khả năng”.
Trong khi Mosley đã đúng khi cho rằng không có gì đảm bảo, thông qua một kế hoạch tỉ mỉ, F1 có thể đảm bảo rằng họ có thể khai thác bất kì cơ hội nào. Nhờ vậy, môn thể thao này không chỉ diễn ra mà còn trở thành môn thể thao toàn cầu đầu tiên tổ chức một sự kiện, mặc dù sau cánh cửa đóng kín.
Hãy tưởng tượng trong một kịch bản thay thế, một kịch bản mà F1 đã tỏ ra thờ ơ và không muốn chuẩn bị, sẽ không quá lời khi nói rằng, nhiều hơn một vài đội sẽ ở trong tình trạng tồi tệ hơn so với trước đây, cũng như vậy là nhân viên và nhà cung cấp của họ. Tương tự, hơn một vài nhà tài trợ sẽ không hài lòng về hóa đơn thanh toán, trong khi TV và các hợp đồng liên quan có nguy cơ mất hiệu lực nghiêm trọng.
Thay vào đó, một số đội đã tránh được nguy cơ phá sản, hàng ngàn việc làm đã được cứu và hàng triệu người hâm mộ đã có thể tìm lại niềm đam mê của họ một lần nữa - tất cả đều thông qua sự chuẩn bị. Chìa khóa để phục hồi nằm trong việc tổ chức các sự kiện đóng cửa như đề xuất ban đầu ở đây, kết hợp với các sự kiện diễn ra liên tiếp ở cùng một đường đua. Hợp đồng truyền hình và nhà tài trợ được tôn trọng.
Theo lời các nhà quảng bá, Liberty đã nỗ lực đàm phán bằng cách đưa ra các địa điểm tiềm năng cho đến khi những điều khoản tốt nhất được thực hiện. Ví dụ, Silverstone được so sánh với Hockenheim cho đến khi khoản phí giảm xuống mức hợp lý; sau đó, địa điểm của Đức được so sánh với đối thủ Nuerburgring và lại thất bại. Imola và Mugello đối đầu nhưng cả hai sau đó đều được đưa vào lịch thi đấu.
Cũng vì vậy, các đội đua bây giờ có thể dựa vào thu nhập của nhà tài trợ và F1 trong năm, với khoảng 60% dự đoán trước mùa giải và dự kiến sẽ cao hơn nếu F1 tiếp tục tổ chức những chặng đua mới. Con số này sẽ giúp họ sống sót trong năm 2021 khi ngân sách bị giới hạn và xe đua không phải chỉnh sửa nhiều. Trên tất cả, F1 và các đội đua vào lúc này đang ở một tình thế tốt hơn so với trường hợp không có chặng đua nào diễn ra.
Hi vọng cho Việt Nam
Nhìn từ góc độ thể thao, sự thay đổi mạnh mẽ nhất, đặc biệt đối với người hâm mộ chờ đợi mùa đua diễn ra kể từ khi giai đoạn chạy thử vào đầu tháng 3, là sự xuất hiện của 2 chặng đua mới. Cả 2 chặng đua này, Mugello ở Tuscany và Autodromo do Algarve ở Portimao từng tổ chức các cuộc đua thử trước đây, trong khi Autodromo do Algarve từ lâu đã khao khát làm chủ nhà một chặng Grand Prix.
Nên nói thêm là mặc dù Bồ Đào Nha từng tổ chức các chặng đua vào những năm cuối thập niên 50 (tại các đường đua Boavista và Monsanto) và một lần nữa trong khoảng thời gian từ 1984 đến 1996 (Estoril), nước này luôn bị gạt khỏi radar F1. Tuy nhiên, các nhà quảng bá đã bảo đảm cho phép tổ chức sự kiện với 65.000 khán giả - vé đã được bán hết - và như thế, tất cả đều đang chờ đợi ăn mừng ở Algarve trong một ngày rất gần.
Tương tự là sự trở lại của các đường đua tưởng như sẽ không còn tổ chức F1 nữa khi những ông chủ môn thể thao này theo đuổi các hợp đồng lớn là Imola và Nuerburgring. Và không quên rằng Malaysia có thể trở lại lịch trình vào giữa tháng 11 năm nay khi F1 đã tính đến lựa chọn này.
Với Việt Nam, chúng ta vẫn hi vọng tổ chức chặng đua đầu tiên của mình, trừ việc chi phí cho một chuyến đi như vậy là rất tốn kém nếu châu Á không có hai sự kiện. Ban đầu, Thượng Hải được cho là sẽ cùng tổ chức các chặng đua với Hà Nội, nhưng Trung Quốc đã cấm các sự kiện thể thao quốc tế cho đến cuối năm nay. Do vậy, Liberty cần một sự kiện đối tác như Malaysia, đủ gần để chia sẻ chi phí nhưng đủ xa để không có khả năng cạnh tranh trong bán vé (giả sử người hâm mộ được thừa nhận). Dù sao thì Sepang cũng là đường đua F1 của Malaysia từ năm 1999 đến 2017.
Nếu một thỏa thuận được thông qua, F1 sẽ tới châu Á ngay sau Imola (ngày 1/11), và 2 chặng đua ở Việt Nam, Malaysia diễn ra trước khi mùa đua khép lại ở Trung Đông, tại Bahrain và Abu Dhabi. Dự kiến khung lịch đua tại châu Á lần lượt vào các ngày 15 và 22/11; 6 và 13/12.
Trong trường hợp 2 chặng đua ở Malaysia/Việt Nam không diễn ra, F1 sẽ tổ chức 3 chặng đua liên tiếp tại Trung Đông, trong đó có 2 chặng đua ở Bahrain và Abu Dhabi để khép lại mùa giải hỗn loạn nhất trong lịch sử 70 năm. Một kịch bản khác là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức một chặng đua, mặc dù điều này là không thể với thời tiết khá lạnh trong tháng 11 (ban ngày là 12 độ C).
Dù thế nào đi nữa, giải vô địch năm 2020 sẽ có 16 hoặc 17 chặng đua trải rộng trên ít nhất hai lục địa - phù hợp với con số mà Giám đốc điều hành F1 Chase Carey đưa ra là 15-18 chặng. Và ai có thể nghĩ đến con số này hồi tháng 3? Chắc chắn không phải là Mosley.
Nói gì thì nói, Liberty vẫn tiếc hùi hụi vì F1 không thể đến Mỹ, Canada và Mexico khi họ niêm yết cổ phiếu trên sàn NASDAQ của Mỹ. Hi vọng cho Liberty là 3 chặng đua ở Austin, Montreal và Mexico City nhiều khả năng sẽ trở lại vào năm sau. |
Mạnh Hào
Tags