(Thethaovanhoa.vn) - Không phải thất bại đầu tiên và cũng không phải trận thua cuối cùng, nhưng Roger Federer không tránh được cảm giác cay đắng khi để Milos Raonic đánh bại ở bán kết Wimbledon.
- Federer: 'Thất bại khiến tôi tổn thương vì lẽ ra tôi đã có thể thắng'
- NÓNG: Federer gục ngã trước Raonic ở Bán kết Wimbledon 2016
- Roger Federer – Milos Raonic: Chạy đua với 'Tàu tốc hành'
Wimbledon tự thân nó đã mang đến cho Roger ít nhiều hy vọng vào một “bước nhảy thần kỳ” dù đã cận kề tuổi 35 bởi ở 2 mùa gần nhất anh đều đã vào đến chung kết giải này và chỉ thất bại bởi vì đụng phải Djokovic trong trận đấu cuối cùng ấy.
Mặt sân cỏ cho phép bóng bay nhanh, nảy thấp từ lâu đã được xác định là lý tưởng với lối đánh của Federer. Hy vọng vô địch hẳn đã được củng cố nhiều hơn trong thâm tâm anh khi Djokovic bất ngờ gục ngã ngay từ vòng 3. Khi đối thủ lớn nhất không còn nữa thì niềm tin chiến thắng không gia tăng mới là chuyện lạ!
Và rồi những trận đấu đi qua trong suôn sẻ. Cú ngược dòng ngoạn mục trước Marin Cilic ở tứ kết lại càng khiến Federer thêm hưng phấn và hy vọng nhiều hơn vào chức vô địch Grand Slam thứ 18 trong sự nghiệp và là thứ 8 ở Wimbledon.
Đấy là trận đấu mà Federer giao bóng tuyệt vời (so với anh ở tuổi này), thể hiện sự tự tin đáng nể (giao bóng 2 thường rất nặng và không bối rối bấp chấp nhiều lần đối mặt với match-point của Cilic) và khiến ngay cả các fan cũng ngạc nhiên bởi sự dẻo dai, bền bỉ của anh khi đánh 5 set và thắng ngược.
Hy vọng hẳn đã tăng lên một mức nữa và phải nói là rất, rất cao khi Federer lại dẫn Milos Raonic 2-1 ở bán kết và có cơ hội đưa set 4 vào tie-break (mà anh đã thắng tie-break ở set 2) để nuôi hy vọng đóng lại trận đấu ở loạt giao bóng luân phiên.
Nhưng cuối cùng tất cả vỡ tan. Bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu ước vọng tan biến sau 2 lỗi giao bóng kép trong set 4 và cú trượt ngã ở set 5. Trận chung kết đã đến thật gần rồi biến mất như một trò đùa nghiệt ngã của số phận.
Nếu Djokovic vẫn còn ở đấy và nếu Federer...đừng thắng Cilic ngoạn mục đến thế ở tứ kết thì hẳn vết thương lòng của anh sẽ không buốt nhói quá nhiều như hôm nay. Ở tuổi 35 đang sầm sập đến này, đâu có mấy tay vợt còn vô địch Grand Slam. Và khi số phận đã chiều lòng Roger với cuộc từ biệt sớm của Djokovic và khi chính anh đã vượt qua giới hạn bản thân để thắng ngược Cilic ở tứ kết thì Roger lại gục ngã trước bình minh.
Hỏi sao không buồn bã. Nỗi đau ấy hẳn lớn hơn những gì Federer đã nói thành lời. Nhưng đấy là tiếng nói của cảm xúc. Còn lịch sử nói rằng thất bại này của Federer là rất bình thường và nó lại càng dễ hiểu hơn ở tuổi 35 đang sắp đến. Xuyên suốt sự nghiệp của mình, mới chỉ 1 lần Federer đánh 2 trận liên tiếp đều dài 5 set cho tới trước Wimbledon năm nay. Những năm tháng đỉnh cao anh hiếm khi cho đối thủ có cơ hội đưa trận đấu tới set 5. Nhưng có một lần ở Australian Open 2013 Federer đã trải qua 2 trận liên tiếp dài 5 set và ngay khi ấy kết cục đã không khác hôm nay. Anh thắng Tsonga ở tứ kết nhưng thất bại trước Murray ở bán kết Australian Open 3 năm về trước. Nghĩa là khi anh còn trẻ hơn bây giờ 3 tuổi.
Cú ngược dòng của Milos Raonic nói rằng thể lực của Federer dù tốt hơn anh nghĩ vẫn chỉ có giới hạn của nó và Roger đơn giản là không thể vượt quá giới hạn ấy. Một trận dài 5 set với anh như cuộc chiến với Marin Cilic đã là thách thức. Anh đã vượt qua nhưng cái giá phải trả là sự bào mòn sức lực không tránh khỏi mà kinh nghiệm, bản lĩnh, đẳng cấp nhà vô địch và cả khát vọng chiến thắng cũng không bù lại được cho sự hao hụt của những nơ ron thần kinh bị mất đi, cho những nguồn năng lượng dự trữ bị cạn kiệt.
Có phải thế không khi Federer mắc 2 lỗi kép định mệnh ở game 12 set 4 và trượt ngã không đúng lúc ở set 5? Thể lực đã phản bội lại khát vọng và ước mơ chiến thắng của Federer. Một thất bại không bất ngờ nhưng nó đã trở nên ít nhiều bi kịch bởi chính những hy vọng vô địch được thắp lên trước đó từ cuộc chia tay sớm của Djokovic và từ chính chiến thắng anh hùng của Federer trước Cilic ở tứ kết.
HT
Tags