Khởi đầu?
Từ 16h, Trung tâm Triển lãm SECC ở quận 7 (TP.HCM) bắt đầu náo nhiệt. Tiếng âm thanh dội ra từ sân khấu càng làm cho không khí bên ngoài phòng vé thêm phấn khích. Nửa tiếng sau, sân SECC có khoảng hơn 100 người, sau cơn mưa nhẹ nhiều người tụm lại hàn huyên mà chẳng buồn cất chân tham gia nhiều trò vui mà Ban tổ chức đã cất công dựng lên. Đám fan nữ trẻ vài người rít thuốc cà kê câu chuyện, đám thanh niên lâu lâu lại dốc ngược chai nước suối đựng thứ nước màu đỏ sậm. Họ cần kích thích tại chỗ hơn là tham gia những trò vui cộng đồng.
Tinh thần của lễ hội âm nhạc không phải là ngồi một chỗ và càng không phải đến để chăm chăm chờ đợi thần tượng. Mô hình festival ngày càng lớn mạnh là để thoát khỏi chiếc áo concert đang ngày càng chật chội. “Music Festival” là một cách để giải nhiệt mà không bó mình trong âm nhạc, lễ hội mở rộng không gian sang cả ẩm thực, trò chơi đến công nghệ… Nhưng tinh thần này còn khá xa lạ với các fan Việt.
Chẳng nói đâu xa, ngay lễ hội âm nhạc gần đây nhất, Yan Beatfest, có thể xem là mẫu chuẩn của mô hình festival mùa Hè được áp dụng tại Việt Nam. Chương trình này được tổ chức từ 9h đến 23h trên khoảng không gian hết sức lý tưởng ở sân Phú Thọ (TP.HCM) và bên trong nó là một loạt các mô hình vui chơi giải trí, picnic, trải nghiệm công nghệ… Nhưng suốt từ 9h đến 17h hầu như chẳng ai đụng vào các trò vui. Tất cả rủ nhau vào bóng mát để trốn nắng (!) và trên bãi cỏ trước sân khấu, chỉ có dăm người lèo tèo cố gắng giơ tay ủng hộ phần biểu diễn của Lê Hiếu hay Hoàng Tôn… Sự định đoạt tinh thần của festival là công chúng nhưng chính công chúng cũng không biết làm gì để tạo nên một lễ hội âm nhạc thật sự.
FNMF cũng lâm vào cảnh ngộ gần giống vậy. Tuy nhiên vì cả chục ngàn người đến cốt để được xem Shayne Ward hát No Promises xong rồi về, FNMF có được công chúng đến phút cuối. Cần phải nói thêm rằng, FNMF có đầy đủ các “phẩm chất” để trở thành một festival music thành công: từ thể loại âm nhạc (festival đang thành công nhất thế giới đều là EDM, nhạc điện tử/hiphop), đến sự có mặt của các ngôi sao (Thu Minh, Afrojack, Shayne Ward), thu hút được các tín đồ của EDM (Electronic Dance Music) và bán được vé. Chỉ còn chờ sự cộng hưởng từ phía người tham dự để thật sự là một ngày hội âm nhạc.
Mô hình festival âm nhạc tại Việt Nam đã có từ khá lâu nhưng chưa bao giờ hình thành một trào lưu. Gần 10 năm trước, tạp chí Sóng Nhạc khi khai trương bộ mới có ý định làm một liên hoan âm nhạc kéo dài 3 ngày tại Thảo Cầm Viên theo mô hình kiểu Woodstcok ở Mỹ nhưng so tới so lui rồi quyết định dẹp bỏ vì khó thực thi. Nhạc sĩ Lê Quang cũng từng ôm ấp một lễ hội âm nhạc thường niên, nơi những giọng ca Việt sánh vai cùng những gương mặt nổi tiếng quốc tế hát với nhau cả ngày. Ý định đó cũng đã kéo dài hơn 10 năm. Và 6 năm trước, đã từng có một buổi diễn rock với mô hình gần giống với phong cách kiểu Woodstock (quy tụ gần 15 ban nhạc), được tổ chức tại sân Tao Đàn, TP.HCM nhưng sau đó chỉ làm một lần rồi mất tăm.
Liên hoan âm nhạc được xem là gần giống với tinh thần lễ hội nhất khi ông vua nhạc folk Bob Dylan đến Việt Nam vào năm 2011. Ban tổ chức rất mong muốn đem tinh thần kiểu ngồi picnic, dã ngoại, lắng nghe và thưởng thức nhưng cuối cùng công chúng chỉ ngồi đến 17h sau đó là đứng hết lên. Cả Tây lẫn ta chẳng cả nể gì nhau và cũng chả cần đếm xỉa tinh thần lễ hội là như thế nào, lao vào giành chỗ và kết quả có vài trường hợp ngất xỉu phải được khiêng ra ngoài!
Chậm chân?
Nói một cách chính xác, Việt Nam đang rất chậm chân với xu hướng lễ hội âm nhạc.
Tính từ 2013 đến nay, những festival âm nhạc đình đám nhất đều đáp xuống Đông Nam Á, khu vực biểu diễn đầy tiềm năng mà buồn thay, Việt Nam lại ít khi có mặt trên bản đồ này. Miền đất hứa Đông Nam Á đang là điểm đến của một loạt những nghệ sĩ tên tuổi. Không cần nói đâu xa, ngay cái tên FNMF tại Việt Nam cũng là cách “lấy tiếng” từ lễ hội Future Music mà suốt 2 năm qua nó đã trở thành đặc sản của Malaysia. Quốc gia Hồi giáo này đã không ngại bỏ tiền, thậm chí rất nhiều tiền để đầu tư cho những lễ hội kiểu Future Music, để kéo người bản địa, hòa cùng khách du lịch và tạo ra bản sắc thuởng thức âm nhạc kiểu mới. Future Music ra đời từ Úc và sau đó mô hình này đã được di trú nhiều nơi và đến nay Malaysia là nước Đông Nam Á nhanh chân nhất lấy ngay mô hình này để phát triển thị trường âm nhạc biểu diễn.
Nhiều nhà phê bình phương Tây đang nhìn nhận Future Music Festival Asia (FMFA) ở Malaysia đang là lễ hội âm nhạc hoành tráng và nổi loạn nhất Đông Nam Á, nơi tập trung những nghệ sĩ “chất” nhất thế giới biểu diễn trực tiếp cho hàng vạn khán giả. Nhưng FMFA không phải là duy nhất và đó cũng không phải khu rừng nguyên sinh mà các nhà tổ chức festival đang cạnh tranh nhau để tìm chỗ đứng.
Trước người Malaysia, thì Singapore, Indonesia đã làm rất tốt cho chuyên đề festival trong khi Thái Lan ở mức rất ổn định. Họ trở thành thỏi nam chân thu hút các lễ hội và từ đó tạo nên sức tiêu thụ khổng lồ (chỉ xếp sau Trung Quốc và Nhật Bản). Các lễ hội âm nhạc như Hammersonic ở Indonesia, Baybeats hay Mosaic Festival tại Singapore, Sonic Bang ở Thái Lan... đã trở thành những thương hiệu. Đó còn chưa kể những festival và trình diễn âm nhạc quy mô nhỏ hơn, nhưng không hề muốn tỏ ra thua kém về chất lượng vẫn diễn ra đều đặn bởi những nhà tổ chức nhỏ ở khắp các thành phố sầm uất tại Đông Nam Á.
Và vì thế, sự thành công có mức độ của FNMF vừa diễn ra tại Việt Nam có thể xem là một khởi đầu khả quan cho dù để hình thành một xu hướng sẽ còn phải chờ khá lâu.
Cung Tuy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Tags