Filip Nguyễn được AFC xác nhận đủ điều kiện dự Asian Cup 2023 trong màu áo đội tuyển Việt Nam, giúp chúng ta lần đầu tiên sở hữu một cầu thủ ở đẳng cấp châu Âu và về lý thuyết là tăng thêm cơ hội cho thầy trò HLV Philippe Troussier ở đấu trường lớn nhất châu lục.
Tuy nhiên, sự có mặt lần lượt của Đặng Văn Lâm rồi Filip Nguyễn cũng đặt ra vấn đề: Chúng ta sẽ ứng xử như thế nào với cầu thủ nhập tịch?
1. Hồi năm 2009, đội tuyển Việt Nam đã lần đầu tiên sử dụng các cầu thủ nhập tịch khi đá giao hữu dưới thời HLV Henrique Calisto. Thành thật mà nói, đó là một cảm giác không quá thú vị khi xem các cầu thủ có màu da tương đối khác biệt thi đấu dù họ mang quốc tịch Việt Nam.
Sau lần thử nghiệm đó, không còn ai nói đến việc gọi cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển Việt Nam nữa. Cảm giác là một thứ gì đó khá đặc biệt. Ví dụ như chúng ta xem cầu thủ nhập tịch đá cho Philippines, Malaysia hay Indonesia thì có lẽ cũng không có vấn đề gì, vì về cơ bản họ tương đối giống với các đồng đội. Nhưng ai đã từng xem Phan Văn Santos hay Đinh Hoàng Max đá cho đội tuyển Việt Nam thì sẽ thấy là không phù hợp.
Tất nhiên, mọi chuyện hoàn toàn khác với các cầu thủ Việt kiều. Họ không chỉ mang quốc tịch Việt Nam mà trong người họ còn mang dòng máu Việt Nam. Vóc dáng và những sắc thái cơ thể cũng không hề xa lạ với các đồng đội trên sân. Động cơ thi đấu của họ cũng rất rõ ràng, khi các mối quan hệ gia đình, quê hương đều nguyên vẹn.
Về khía cạnh chuyên môn, quyền quyết định thuộc về HLV trưởng. Cho dù có những tố chất tốt hơn cầu thủ trong nước thì mọi thứ vẫn phải được thể hiện trên sân. Cho đến thời điểm này, tại Việt Nam có rất nhiều cầu thủ Việt kiều đang chơi bóng nhưng số lượng lên được đội tuyển Việt Nam là khá hạn chế.
Như chính trường hợp của thủ thành Đặng Văn Lâm, anh từng được gọi lên đội U23 nhưng sau đó cũng phải chơi tốt ở Hải Phòng một thời gian thì mới được HLV Park Hang Seo "chấm" để rồi trở thành người gác đền số 1 trước khi Filip Nguyễn về Việt Nam.
2. Câu hỏi đặt ra là với nguồn lực cầu thủ Việt kiều đang ngày một đông đảo, liệu đã đến lúc bóng đá Việt Nam có một tầm nhìn đặc biệt nào về chính sách sử dụng cầu thủ nhập tịch hay không?
Ví dụ như nếu có một chiến lược nào đó liên quan đến cầu thủ nhập tịch để thúc đẩy nhanh trình độ của bóng đá Việt Nam, thì có thể sẽ phải tiến hành một loạt công việc dài hạn như tìm kiếm và vận động các cầu thủ trẻ tài năng có cha hoặc mẹ là người Việt Nam trên toàn thế giới về thi đấu cho quốc gia.
Nói nôm na là "đặt hàng" trước để tiến tới hoàn thiện thủ tục nhập tịch cũng như tránh việc cầu thủ đó chơi bóng cho đội tuyển quốc gia nơi gia đình đang sinh sống. Ngoài ra, cũng phải bàn đến chuyện ứng xử thế nào với các cầu thủ ngoại nhập tịch Việt Nam, bởi về lý thuyết, họ đủ điều kiện chơi bóng cho quê hương thứ 2 của mình. Đây là một thực tế không có gì phải né tránh. Nhật Bản từng có một "ông Tây" người Brazil khoác áo đội tuyển quốc gia, Trung Quốc giờ cũng vậy, Singapore thì khá nhiều…
Những vấn đề này liên quan đến tham vọng của bóng đá Việt Nam. Nói một cách sòng phẳng, ở thực trạng hiện nay của bóng đá Việt Nam, việc chúng ta nghĩ đến một ngày gần đây sẽ dự World Cup hay vào Top 10 châu Á thực sự không có nhiều cơ sở để dự báo.
Nếu như việc nâng chất lượng V-League, thậm chí đưa giải đấu vào tốp đầu châu lục, thì đó cũng chỉ là vấn đề về mặt kỹ thuật. Khó, rất khó, nhưng xét cho cùng vẫn có cách để làm nếu đạt được những điều kiện cho phép.
Ngược lại, những bất lợi về thể hình, thể lực thì lại không phải cứ quyết tâm hay đầu tư mạnh là được. Nó không phải là các chỉ số về chiều cao, cân nặng mà là những thứ bên trong của cầu thủ, là về cơ bắp, đặc điểm xương và những yếu tố di truyền khác mang tính đặc thù.
Thiếu những phẩm chất ấy, cầu thủ Việt dù có nền tảng kỹ thuật khéo léo thì cũng rất khó vươn đến một đẳng cấp cao hơn, và tất nhiên, với một số lượng lớn cầu thủ, thì lại càng vô cùng khó.
Nên đã không ít lần chúng ta đề cập đến việc sử dụng ngoại lực, tức là các cầu thủ nhập tịch và Việt kiều, những người sở hữu các tố chất mà cầu thủ trong nước đa phần đều thiếu. Nhìn nhận một cách khách quan, đó là lối đi tắt để tìm đến một đẳng cấp mới nhanh hơn thay vì đợi sự may mắn từ các thế hệ cầu thủ vốn phải mất đến gần chục năm cho các chu kỳ đào tạo và tuyển chọn.
3. Không phải tự nhiên mà một vài quốc gia ở châu Á nôn nóng với việc đưa cầu thủ nhập tịch lên đội tuyển. Đông dân như Trung Quốc, nay cũng phải thử áp dụng phương pháp này vì họ cũng nhìn thấy cái khoảng cách với tốp đầu châu Á đang ngày càng rộng ra.
Với phần lớn các đội tuyển bóng đá tầm trung ở châu Á, có cùng góc nhìn: Nếu không có đột phá về mặt con người, thì sẽ không thể biết bao giờ gia nhập vào nhóm các đội bóng đứng đầu châu Á, đồng nghĩa với vé đi World Cup.
Ngay chính những quốc gia Tây Á, vốn có lợi thế về thể chất, cũng vẫn tính đến chuyện nhập tịch các cầu thủ từ châu Phi, Nam Mỹ nhằm bổ sung những yếu tố mà họ không có.
Đó là câu chuyện thực tế, khá sòng phẳng, không liên quan gì đến cảm giác của CĐV khi xem đội tuyển quốc gia của mình thi đấu. Vì vậy mới cần có những cái gạch đầu dòng cụ thể trong chiến lược hoặc tầm nhìn dự World Cup của bóng đá Việt Nam.
Thực tế cho thấy, sau hơn 20 năm phát triển V-League, chúng ta đã có những kết quả nhất định nhưng chắc chắn là chưa đi được đến đâu trong cuộc hành trình đến đẳng cấp châu Á. Ngược lại, chỉ cần mong muốn cống hiến của một Việt kiều, bóng đá Việt Nam lại có một cầu thủ từng chơi bóng ở Europa League.
Trường hợp của Filip Nguyễn cũng gần giống như Đặng Văn Lâm, có thể xem là may mắn cho bóng đá Việt Nam bởi trong họ có khao khát được chơi bóng cho quê hương của mình. Nhưng làm sao chúng ta biết được những cầu thủ nước ngoài đã và muốn được nhập tịch Việt Nam khác không có trong người khao khát tương tự. Và với một nguồn lực không nhỏ đó, liệu có thể biến giấc mơ "hóa rồng" của bóng đá Việt Nam sẽ dễ hiện thực hơn không?
Sẽ không có gì đáng bàn nếu bóng đá Việt Nam không nói gì về chuyện dự World Cup. Còn một khi đã "mơ lớn" như vậy, thì đâu có gì phải ngại khi bàn chuyện cầu thủ nhập tịch và con đường lên đội tuyển.
Những cầu thủ Việt kiều tham dự V-League 2023/24
Patrik Lê Giang, Filip Nguyễn (CAHN), Martin Lò (Hải Phòng), Nguyễn Như Đức Anh (Hải Phòng), Đặng Văn Lâm (Bình Định), Mạc Hồng Quân (Bình Định), Viktor Lê (Bình Định), Adriano Schmidt (Bình Định)
Tags