FLUXUS - trào lưu nghệ thuật 'trôi' (kỳ 4): Tiếng thét của Dick Higgins

Thứ Sáu, 29/05/2015 13:00 GMT+7

Google News
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếng thét mở ra vô vàn cách lý giải khác nhau. Tiếng thét có thể chạm tới ranh giới mong manh phía an toàn của sự bùng nổ bên ngoài và tuyệt diệt bên trong. Tiếng thét đôi khi là liều thuốc giảm đau và chúng ta không thể lường trước được sức mạnh của nó.

Ai trong số chúng ta nín được tiếng hét khi chiếc búa đi chệch đinh và đập thẳng vào ngón tay cái? Bao nhiêu người trong chúng ta không gào lên khi nhìn thấy một con chó khoảng 50 - 60kg ầm ầm xông thẳng vào chỗ mình? Và bao nhiêu người không kìm nổi sự giận dữ với chính con cái chúng ta?

Tiếng thét bản năng kéo dài trong vài phút khi ngón tay tôi chuyển dần sang tím bầm sau cú búa giáng xuống. Mạn đàm vài lời về tiếng thét, nó có thể là nó có khi sự tự vệ, là nỗi sợ hoặc là sự bùng phát như khi chúng ta hét cật lực ở sân bóng hay tại những quán bia hơi ven đường. Và đôi lúc những âm vực lớn này lại được tiếp diễn với chính con cái chúng ta.

Trong số này, chúng tôi xin phép được đưa tới các bạn đọc một nghệ sỹ làm việc với dòng âm thanh không mấy dễ chịu này.

Tiếng thét mở ra nhiều cánh cửa

Một trong những phần chính của các tác phẩm nghệ thuật FLUXUS của những năm 1960 được gọi là “events” (tạm dich: các sự kiện). Đó là những tác phẩm tiền thân của FLUXUS và chuyển thành những dạng thức khái niệm như một phần của “Happenings”-  một trào lưu nghệ thuật mới thời điểm đó, mang tính diễn ngẫu – chú trọng vào sự ngẫu hứng xảy ra trong khoảnh khắc, đó như sự chuyển tiếp, những tác phẩm âm nhạc, sân khấu và nghệ thuật thị giác phi hoạch định, theo dạng khái niệm.


Âm nhạc nguy hiểm số 17 - Dick Higgins

“Events” khác với “Happenings” một điểm nổi bật, “Events” cô đọng hết mức có thể, lối thể hiện tối giản tác động mạnh mẽ vào cả lý trí và tình cảm. Các nghệ sỹ FLUXUS tin tưởng rằng nghệ thuật là sự trải nghiệm, cho nên thay vì làm ra một tác phẩm toàn vẹn, họ tạo nên những đường dẫn đến tác phẩm, phần hoàn thành họ để lại cho khán giả.

Những sự kiện này thường là những chỉ dẫn ngắn được soạn trên giấy, bất cứ nghệ sỹ nào làm sáng rõ hay trình diễn họ làm hết sức với sự kính trọng và nghiêm túc tìm hiểu.

Danger Music #17 (Âm nhạc nguy hiểm số 17)

Hét lên! Hét lên! Hét! Hét! Hét lên! Hét!

Dick Higgins, tháng Năm năm 1692.

Dick Higgins sinh năm 1938, ông là nhà soạn nhạc, nhà thơ, thợ in và là nghệ sỹ FLUXUS giai đoạn đầu. Ông sinh ra tại thành phố Cambridge, Anh quốc, trưởng thành trên đất Mỹ. Như các nghệ sỹ FLUXUS, Higgins học soạn nhạc tại cùng với John Cage tại học viện nghiên cứu Văn hoá New School ở New York.

Ông kết hôn với người bạn đồng môn, nghệ sỹ Alison Knowles vào năm 1960. Năm 1968, họ viết bản nhạc “Âm nhạc nguy hiểm số 12”, được đọc lên là “Hãy viết cả nghìn khúc nhạc”. Họ xếp hơn nghìn tờ giấy viết nhạc, đủ cho một buổi hoà nhạc tiêu chuẩn, tại trường bắn của Sở cảnh sát Nam Brunswick, trong khi Knowles quay tư liệu sự kiện này, Higgins dùng súng máy bắn qua những tờ giấy chép nhạc. Một danh sách những chỉ dẫn được Higgins viết và gửi cho nhạc trưởng, ngưới trực tiếp chỉ huy cho bản giao hưởng về những lỗ thủng và những tờ giấy bị huỷ hoại.  “Vết toạc càng căng, âm sắc càng đơn giản” là một trong những chỉ dẫn.

Nhưng một trong những sự kiện trình diễn FLUXUS nổi tiếng nhất của Dick Higgins là “Âm nhạc nguy hiểm số 17”, hét hết sức của bạn, to nhất, lâu nhất có thể.

“Một khoảnh khác không thể xóa nhoà trong tâm trí tôi, tôi - một bé gái 4 tuổi bước xuống cầu thang và  thấy một nhóm người đang ngồi trong phòng khách. Tôi đi quanh góc nhà, cha tôi, ông bắt đầu trình diễn bản “Âm nhạc nguy hiểm số 17”, nó tựa như sự sống còn. Tôi như đang chứng kiến cha tôi bị tiếng thét cưa toạc làm đôi”

(Lời tự sự của con gái Dick Higgins trích trong cuốn “những sự kiện FLUXUS” năm 2002)

Tiếng thét luôn có thể chứa đụng những hiểu lầm. Tiếng thét mở ra vô vàn cách lý giải khác nhau. Cúi đầu xuống, lấy hơi và hét đến tận cùng tựa như chạm tới ranh giới của phía an toàn của sự bùng nổ bên ngoài và tuyệt diệt bên trong, tiếng thét như rút ruột rút gan, như mang theo cả bản năng. Tiếng thét đôi khi là liều thuốc giảm đau, chúng ta không thể lường trước được sức mạnh của nó. Thật kỳ diệu khi tiếng thét còn là tiếng vỡ oà của yêu thương, của hạnh phúc.

Dick Higgins mất năm 1998 tại Quebec, Canada, bởi cơn nhồi máu cơ tim khi ông thực hiện tác phẩm trình diễn “Tiếng thét” – một tiếng thét cuối cùng của đời người.

Phan/Fredriksson
Thể thao & Văn hóa

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›