(Thethaovanhoa.vn) - Phụ nữ gào thét và ngất xỉu trước sự xuất hiện của dương cầm thủ kì tài Franz Liszt, chẳng khác gì cảnh người hâm mộ thời nay dành cho Justin Bieber.
Cảnh những cô gái thét lên, nức nở, ngây ngất khi nhìn thấy thần tượng âm nhạc của mình nghe có vẻ như chỉ là “sản phẩm” của thời nay. Nhiều người nghĩ rằng sự cuồng nhiệt thái quá này bắt đầu từ những năm 1950 hay 1960 với sự bùng nổ của Elvis Presley và The Beatles; và hiện nay, là giữa những người hâm mộ One Direction và Justin Bieber trong “cuộc chiến” chứng minh họ là người hâm mộ trung thành nhất thế giới.
Tuy nhiên, thật bất ngờ, hiện tượng này không hề mới. Nó đã có từ thế kỷ 19, trong các khán phòng cổ điển ở châu Âu, nơi nghệ sĩ trẻ tài hoa người Hungary Franz List từ một người nghèo khó hóa thân thành “celebrity” (người nổi tiếng) (Theo từ điển Oxford, từ “celebrity” lần đầu được sử dụng vào những năm 1830 từ sự thành công của Liszt).
Mái tóc dài lãng tử của Liszt từng khiến nhiều phụ nữ dòng dõi phát cuồng
Siêu sao nhạc cổ điển – người thậm chí tiếng tăm hơn cả thần tượng Niccolo Paganini của mình – là nhà soạn nhạc huyền thoại, dương cầm thủ và nhà sư phạm lỗi lạc, được người viết sử Oliver Hilmes nhắc tới là “cơn cuồng loạn Liszt cực kì dễ lây lan và đã nhấn chìm châu Âu trong nhiều năm”.
Franz Liszt (1811-1886) là thần đồng âm nhạc, người sớm làm mê hoặc khán giả ở Vienna, Paris và London từ khi còn ít tuổi, không chỉ bởi kỹ thuật siêu phàm và khả năng sáng tạo vô cùng trong âm nhạc mà còn bởi sự thôi miên trong nghệ thuật trình diễn, khi ông đắm đuối lắc lư và hất mái tóc dài quyến rũ lúc ngồi bên dương cầm. Phụ nữ cấu xé nhau để được chạm tay vào một cái ly hay khăn tay mà Liszt từng dùng.
Khán giả cổ điển có tiếng là nghiêm trang nhưng điều này không áp dụng với trường hợp của Liszt. Theo ông Hilmes “có thời kì, những cuồng nhiệt bùng lên trước sự xuất hiện của Liszt đã đến độ mê sảng. Ông trở thành đối tượng của mọi tưởng tượng dâm dục và khát khao thầm kín. Nhiều phụ nữ quên hết thảy mọi thứ, cả danh tiếng gia đình và nền giáo dục, để được gần gũi với vị thần của mình. Một nhân chứng kể rằng ‘có lần, một phụ nữ vồ lấy điếu xì gà mà Liszt hút dở, và dù rất buồn nôn, vẫn cố hút nó với một niềm vui giả tạo’. Những nữ bá tước và nam tước giật tóc nhau để cố chạm tay vào một chiếc cốc hay khăn tay mà Liszt từng dùng”.
Thuật ngữ Lisztomania do nhà thơ Đức nổi tiếng và cùng thời với Liszt là Heinrich Heine đặt ra, để chỉ những người phát cuồng vì Liszt. Những hành vi cuồng nhiệt – hoặc tương tự thế - không xa lạ gì ở thế kỷ 21.
Tiến sĩ Ruth Deller từ tường Đại học Sheffield Hallam và là một chuyên gia về hành vi người hâm mộ cho biết “Những hành vi của người hâm mộ ngày nay có thể thấy trong đám đông hâm mộ Franz Liszt thời xưa. Những ghi nhận vào thời điểm đó bao gồm cả phản ứng về thể chất và tinh thần của người hâm mộ - gào thét, cổ vũ, ngây ngất – và sự tận tâm của họ khi theo Liszt tới mọi điểm diễn”.
Sự cuồng nhiều của người hâm mộ Justin Bieber
Theo cô Deller, ngày nay, để tạo nên một ngôi sao, tài năng chỉ là một phần nhỏ, còn lại là các yếu tố như thương hiệu, chiến dịch quảng bá, vẻ ngoài hấp dẫn…, thậm chí là tai tiếng. Nhưng ở Liszt, sự ưu ái nằm ở chỗ “Ông là người đầu tiên trình diễn trọn vẹn tất cả các tác phẩm cho dương cầm từ thời Bach đến Chopin đương thời. Hơn thế, trên tư cách một nhà soạn nhạc và hòa âm, ông thực sự tạo nên một cuộc cách mạng, là người mở đường cho một thế giới hoàn toàn mới”.
Nghệ sĩ dương cầm Kirill Gerstein, người vừa ghi âm sáng tác Transcendental Etudes cực kỳ khó của Liszt chỉ ra rằng, trong khoảng năm 1830 tới 1850, Liszt đã sáng tạo nên “rất nhiều kỹ thuật dương cầm được dùng trong sáng tác dương cầm hiện nay. Các nhà soạn nhạc vẫn đang dùng chúng, hoặc phát triển từ những hạt giống ý tưởng mà Liszt gieo vào các sáng tác của mình”.
Liszt có thể coi là nghệ sĩ dương cầm vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông Gerstein đồng tình: “Một nhà soạn nhạc với những tác phẩm mang tính cách mạng, đã tạo nhiều ảnh hưởng quan trọng tới thế hệ sau; đồng thời, là một người thầy vĩ đại, đầy nhân cách và có lẽ là người tinh tế nhất trong những nghệ sĩ đại tài”.
Tuy nhiên, cũng theo ông Gerstein, Liszt “giống như đỉnh Everest – ngoài tầm với, nhưng tạo đầy cảm hứng” và “các siêu sao ngày nay chỉ như cậu trò nhỏ khi so sánh với Franz Liszt”.
Thư Vĩ (lược dịch)
Thể thao & Văn hóa
Tags