(Thethaovanhoa.vn) - “Cố gắng hết sức, chơi hết mình và tận hưởng. Chúc may mắn”, đấy là lời nhắn gởi của Nguyễn Bảo Quân, cựu đội trưởng đội tuyển futsal Việt Nam tại FIFA Fusal World Cup 2016, trên trang faceboook cá nhân, kèm theo một tấm poster rất đẹp về đoàn quân của HLV Phạm Minh Giang…
Trên một dòng trạng thái khác, một cựu đội trưởng đội tuyển futsal Việt Nam (trước Bảo Quân) - Hà Bảo Minh, cũng đăng cả lịch thi đấu cùng lời nhắn gửi chúc may mắn đến những người em. “Trận đầu mà gặp đội hàng đầu thế giới (ý nói Brazil), chỉ mong kết quả như tính toán của BHL, đặng còn tranh vé vào vòng tiếp theo. Hãy ủng hộ đội tuyển futsal Việt Nam mọi người ơi”, Hà Bảo Minh viết.
Mặc dù đã rất nỗ lực, xong cuối cùng thì đội tuyển futsal Việt Nam vẫn để thua đậm Brazil với tỷ số 1-9. Đây là kết quả không nằm ngoài dự đoán, tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể lạc quan.
So sánh thì khập khiễng, nhưng cho đến nay, futsal Việt Nam là một trong không nhiều các môn thể thao ở cấp độ ĐTQG vinh dự có mặt ở giải thế giới. Trước đó, chúng ta có U20 Việt Nam từng tham dự FIFA U20 World Cup 2017 tại Hàn Quốc, giải đấu mà đội tuyển Anh đã lên ngôi vô địch, tạo tiền đề cho ngôi vị á quân UEFA Euro 2020 vừa kết thúc cách đây không lâu. Cái gì cũng có căn nguyên lịch sử của nó, và thể thao là sự tích lũy không ngừng.
Như đã nhắc ở trên, futsal Việt Nam vẫn còn một khoảng cách tương đối so với các quốc gia hàng đầu châu Á khác, nhưng việc thường xuyên đi sâu tại các giải châu lục và đặc biệt là các suất tham dự VCK FIFA Futsal World Cup như thế này, có ý nghĩa lớn trong việc kích thích nguồn lực phát triển bộ môn này tại Việt Nam. Futsal bây giờ đã trở thành một khái niệm rất phổ quát và thậm chí, nó còn gần gũi với người chơi hơn so với bóng đá 11 người.
Nếu không vướng dịch Covid-19, kéo dài trong suốt gần 2 năm qua, thì hàng ngày, hàng tuần, thậm chí là hàng giờ có cả trăm ngàn giải đấu trên sân 5 hoặc 7 người được tổ chức trên khắp dải đất hình chữ S từ địa đầu Móng Cái đến mũi Cà Mau và cả hải đảo xa xôi. Số lượng sân chơi (trong nhà và cỏ nhân tạo ngoài trời) và người chơi không giới hạn, là một tiền đề rất vững chắc cho tập luyện và phát triển fustal chuyên nghiệp, từ cộng đồng.
Trong những lần công tác tại Thái Lan, chúng tôi từng chứng kiến rất nhiều các trận bóng đá đường phố được tổ chức tại gầm cầu hoặc công viên. Không phải Thái Lan thiếu hạ tầng phục vụ tập luyện, thi đấu môn futsal, khiến họ phải kéo nhau ra gầm cầu hay bãi xe, công viên đá bóng, mà chính những nơi như thế đã tạo chân rết cho futsal Thái Lan phát triển như bây giờ. Bậc thầy về bóng đá đường phố, về futsal: Brazil, cũng vậy. Thế còn Việt Nam?
Chúng ta thậm chí có nhiều hơn các cơ sở để phát triển, ngoài yếu tố con người, nhưng vẻ như vẫn chưa đúng với tiềm năng. Futsal là môn thể thao đồng đội, nặng tính đối kháng và đòi hỏi sức bền tốc độ, sức mạnh trong va chạm rất lớn. Kỹ thuật cá nhân trong không gian hẹp phải cực kỳ điêu luyện, cùng với đó là sự nâng cấp các ý tưởng về mặt chiến thuật. Việt Nam đi sau, nên không mong về trước, song nếu phát huy hết tiềm lực, chúng ta có thể chiếm lĩnh đỉnh cao trong tương lai không xa.
Giờ thì hãy cứ tận hưởng những ngày hội ở Litva, bởi những dịp như thế này, không xuất hiện nhiều lần trong đời. Còn nếu muốn tần suất tham dự FIFA Futsal World Cup như thể một thói quen, thì thách thức lúc này thuộc về những nhà hoạch định, thuộc về những người trẻ, đừng đổ hết lên vai một ông bầu như Trần Anh Tú. Ông Tú đã làm tất cả những gì có thể rồi!
Đón đọc bài 3: Giải sân 7 VĐQG, tại sao không?
Tùy Phong
Tags