Ở Việt Nam, cứ độ vài năm chúng ta lại thấy một phong trào chữa bệnh kỳ quặc rộ lên trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2015, một "thánh cô" ở Thái Nguyên tuyên bố mình có khả năng chữa bách bệnh từ ung thư, u hạch cho tới vô sinh, chỉ cần bệnh nhân nằm xuống, vén áo để cô này giẫm chân lên lưng, lên bụng.
Năm 2018, xuất hiện một "thần y" ở Bình Thuận với khả năng khai thông huyệt đạo, chữa câm điếc bẩm sinh bằng cách rút lưỡi, vỗ tai, chữa bại liệt bằng vài động tác bấm huyệt, nắn khớp.
Đến năm 2021, ngay giữa đại dịch COVID-19 lại nổi lên một người "chú" trên Facebook có khả năng truyền "năng lượng gốc" qua màn hình điện thoại di động. Mỗi ngày, hàng ngàn bệnh nhân được nhắc lịch mở xem livestream của ông vào 8 giờ 30 sáng để nhận năng lượng từ vũ trụ với tuyên bố chữa được ung thư, giảm tai biến, phòng ngừa được cả COVID-19.
Đặc điểm chung của các phương pháp chữa bệnh này là chúng được thiết kế như một màn "y kịch". Trong đó, bệnh nhân tham gia vào với người chữa trị để thực hành một chuỗi các "nghi thức", với niềm tin khắc sâu rằng chúng sẽ có tác dụng với căn bệnh của họ.
Thế nhưng không chỉ có ở Phương Đông, nhiều phương pháp chữa bệnh khai thác sức mạnh niềm tin cũng từng được phổ biến ở Phương Tây, từ thôi miên, đeo vòng tay mã não, thạch anh cho đến cúng bái tâm linh. Chúng đạt tới đỉnh điểm nhờ một trào lưu được gọi là New Age trong thập niên 1970 tại Mỹ.
Y học hiện đại của thế kỷ 21 đã phủ nhận gần như toàn bộ phong trào New Age. Nhưng có một giáo sư tại Trường Y Harvard kể từ đó vẫn đau đáu một câu hỏi trong đầu: "Liệu niềm tin có tác dụng chữa bệnh thật hay không?".
Ông đã dành ra nửa đời người, 50 năm trong sự nghiệp học thuật của mình để nghiên cứu về một hiệu ứng kỳ lạ gọi là giả dược. Trong đó, những liều thuốc hoặc thủ thuật giả vốn không có tác dụng - nhưng bằng một cơ chế nào đó - lại cải thiện được tình trạng mà bệnh nhân đang mắc phải.
Dưới đây là câu chuyện của giáo sư Ted Kaptchuk, người được ví như "gã lang băm" ở Harvard và con đường mà hiệu ứng giả dược đi vào khoa học chính thống. Nó sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi: Khi nào thì niềm tin thực sự chữa được bệnh?
Năm 1976, trên một con phố đông đúc và kỳ quái ở Cambridge, Massachusetts, những người Mỹ mặc quần ống loe với áo phông kẻ sọc có thể tìm thấy đủ mọi loại hình chữa bệnh đi từ chỗ phản khoa học đến quái đản và nguy hiểm.
Ở đó có những cửa tiệm vi lượng đồng căn, nơi một nhà hóa học đóng vai bác sĩ sẽ pha loãng một loạt chất độc trong nước hoặc nước đường, đến tỷ lệ một phần tỷ rồi cho bệnh nhân uống.
Họ tin rằng: Nếu những chất hóa học này gây ra triệu chứng nhiễm độc trên người khỏe mạnh, thì ở một lượng cực nhỏ, chúng có thể chữa bệnh cho những người ốm yếu mắc phải đúng các triệu chứng đó.
Kế bên gian hàng vi lượng đồng căn là một cửa hàng chẩn bệnh mống mắt. Những y sĩ theo trường phái ấy tin con mắt là cửa sổ của cả cơ thể lẫn tâm hồn. Nó có thể soi chiếu tất cả các tình trạng bệnh tật trong người bạn. Và thế là họ lập ra các biểu đồ phân chia 360 cung độ trên mống mắt, kết nối chúng với từng nội tạng trong cơ thể, từ tim, phổi cho đến gan, thận…
Sử dụng đèn pin và một chiếc kính lúp, những y sĩ sẽ soi vào mắt bạn để đi tìm những điểm bất thường trong mống mắt. Tương ứng với cung độ của nó sẽ chỉ ra nội tạng nào trong cơ thể bạn đang gặp vấn đề, khiến bạn bị ốm hoặc cảm thấy không khỏe mạnh.
Rồi bạn còn có thể thấy gì quen thuộc hơn nữa? Những cửa hàng bán đá tinh thể, những chiếc vòng thạch anh hoặc mã não với lời quảng cáo chúng có thể chữa bệnh hoặc giúp bạn khỏe mạnh.
Những cửa tiệm xoa bóp, bấm huyệt, nắn khớp chỉnh hình. Có cả một góc phố nơi mọi người đang ngồi tụ tập vòng quanh một pháp sư để thực hành các động tác yoga, thiền hoặc chữa lành bằng cách ngửi hương thơm hoặc thậm chí bằng các kết nối tâm linh…
Tất cả đều là các loại hình trị liệu thay thế chịu ảnh hưởng lớn bởi trào lưu New Age đã xâm chiếm nước Mỹ trong thập niên 70. Những người tin vào phong trào này cho rằng, bệnh tật của con người xuất phát không chỉ từ cơ thể mà còn từ tinh thần và linh hồn của họ.
Vì vậy, họ chỉ trích y học chính thống chỉ đang cố gắng chữa trị một cơ thể vật lý mà bỏ rơi những phần liên kết của cơ thể ấy với tinh thần, với mẹ Trái Đất và với vũ trụ.
Hầu hết các liệu pháp thay thế đã bị khoa học hiện đại trong thế kỷ 21 bác bỏ vì sự vô dụng và gây hại của chúng. Nhưng trở lại thập niên 1970, con phố được mệnh danh là "hàng lang băm" ở Cambridge vẫn tấp nập vô số người Mỹ đến trị bệnh. Điều thú vị nữa là nó chỉ cách Trường Y Harvard có vài dặm.
***
Ted Kaptchuk – lúc bấy giờ 29 tuổi và mới trở về từ Macao. Ông vốn là một sinh viên khoa Nghiên cứu Đông Á của Đại học Columbia nhưng đã tới Macao 5 năm để học nghề y Trung Quốc.
Dù chỉ tình cờ thuê được một căn hộ trên con phố lang băm, Kaptchuk ngay lập tức nhận ra ở đó có một cơ hội đang rộng mở. Con phố thiếu vắng một phòng khám Đông Y. Và thế là, với những gì đã học được ở Viện Y học Cổ truyền Macao, Kaptchuk quyết định mở một cái.
Ông đặt đóng những kệ thuốc gỗ với hàng trăm ngăn kéo chứa thảo mộc dọc các bức tường, mua những chiếc lọ thủy tinh khổng lồ và ngâm vào bên trong đó nào là thằn lằn, tắc kè, cá ngựa... Đan xen trong cửa tiệm là những bức ảnh về một Đông Á đẹp đẽ, muôn màu và thần bí.
Thập niên 70, Trung Quốc còn chưa mở biên giới với người Mỹ, Kaptchuk đột nhiên trở thành một vật báu trên phố lang băm chỉ bởi vì ông mới trở về từ đó. Chẳng cần phải quảng cáo, cửa tiệm Đông Y của ông không mất thời gian để trở nên đông khách.
Những người đến với phòng khám của Kaptchuk phàn nàn với ông về đủ mọi thứ bệnh. Chủ yếu họ đều có triệu chứng đau trong người.
"Công việc của tôi là ngồi xuống, chú tâm lắng nghe họ kể về bệnh tình của mình trong 15, 20 phút hoặc thậm chí nửa giờ. Tôi đã có những cuộc nói chuyện ý nghĩa với họ. Và rồi tôi khám, chạm vào cơ thể họ, nơi mà họ cảm thấy đau đớn. Sau đó, tôi kê cho họ một đơn thuốc thảo dược", Kaptchuk nhớ lại.
Nhưng có một điều hết sức đặc biệt mà ông ấy để ý: "Vào khoảnh khắc nhiều người bước ra khỏi cửa tiệm, tôi thấy họ đã có vẻ ít đau đớn hơn, dáng đi của họ uyển chuyển hơn và thần sắc trên khuôn mặt đã khác hẳn lúc họ mới đến.
Mọi thứ chuyển biến nhanh ngoài dự kiến, đến nỗi tôi đã tự nhủ với bản thân mình rằng "Ted, mày vừa thay đổi con người đó. Chính mày chứ không phải các loại thuốc thảo mộc".
Y học cổ truyền Trung Quốc đã có tuổi đời từ hàng ngàn năm, vì vậy, Kaptchuk tin rằng mình có thể tìm thấy lời giải thích trong kho tàng khổng lồ những văn bản cổ xưa. Linh cảm cuối cùng dẫn ông đến một số ghi chép nói rằng, một đơn thuốc có thể phát huy tác dụng trước cả khi nó được sắc uống.
Vậy là hiện tượng những bệnh nhân có thể cảm thấy tốt hơn ngay sau khi được khám bệnh là có thực. Nhưng Kaptchuk vẫn tự hỏi điều gì đã thực sự xảy ra, giúp nỗi đau của những bệnh nhân được xoa dịu, ngay khi họ mới bước qua ngưỡng cửa phòng khám?
Nếu bản thân liều thuốc chưa phát sinh các tác động sinh lý, hẳn phải một thứ gì đó đã phải diễn ra trong tâm ký của họ. Có thể đó là hi vọng, niềm tin hay chính những suy nghĩ phức tạp trong đầu của bệnh nhân đã được cởi bỏ.
Nhiều người trong số họ đã đi gặp nhiều bác sĩ, nhiều nhà y thuật mà không thể hết bệnh. "Vì vậy, họ đã đến gặp tôi với một mớ cảm xúc trong đầu", Kaptchuk nói.
Sau đó, buổi khám bệnh của ông được thiết kế giống như một buổi trình diễn: "Tôi đã dẫn họ vào một nghi lễ. Tôi hỏi họ cảm thấy thế nào. Rồi tôi cũng bắt đầu nói. Họ muốn tôi hỏi họ một số câu hỏi. Và tôi thường hỏi những điều mà họ không đoán trước được để đảm bảo rằng họ đang được chăm sóc theo một cách đặc biệt, khác với các bác sĩ trước đây.
Tôi sẽ lắng nghe bệnh nhân của mình. Tôi nghiêng người khi nhận thấy bệnh nhân muốn tôi ngồi lại sát họ hơn một chút. Tôi sẽ lùi lại khi thấy ai đó không muốn tôi lại gần. Tôi sẽ dừng lại suy nghĩ một chút, nếu tôi thấy bệnh nhân muốn tôi suy nghĩ kỹ về tình trạng của họ. Đôi khi tôi sẽ hỏi lại họ để họ giải thích các triệu chứng rõ hơn".
Những năm tháng hành nghề Đông Y trên con phố lang băm ở Cambridge đã đưa Kaptchuk đến một giả thuyết. Trong đó, ông nói việc chữa bệnh có thể giống như một nghi lễ, thậm chí một vở kịch để tạo ra niềm tin.
"Khi một người bị ốm và đến tìm một thầy lang, bản thân màn kịch của y học đã là một hình thức chữa lành mạnh mẽ", Kaptchuk nói.
Bệnh nhân tin tưởng vào thầy thuốc thì mới tìm đến họ. Niềm tin đó cuối cùng đã kích hoạt các tế bào thần kinh trong một quá trình mà y học hiện đại gọi là "hiệu ứng giả dược". Và nó có thể tạm xoa dịu nỗi đau của bệnh nhân - theo những tuyến đường thần kinh phức tạp mà y học hiện đại cũng chỉ mới lờ mờ hiểu được.
Giả dược hay "placebo" có gốc từ bắt nguồn từ tiếng Latinh nghĩa là "tôi sẽ làm bạn hài lòng". Nó được định nghĩa là "bất cứ loại thuốc hoặc thủ thuật giả tạo nào được thiết kế để không tạo ra bất kỳ giá trị điều trị nào đối với căn bệnh".
Thế nhưng, trong suốt hàng chục năm, các bác sĩ đã thực hiện hàng nghìn thí nghiệm và thấy giả dược vẫn có thể gây ra các hiệu ứng với tâm lý, thậm chí cả cơ thể của bệnh nhân. Chúng được gọi là "hiệu ứng giả dược" – khi những liều thuốc hoặc thủ thuật giả vốn không có tác dụng nhưng bằng một cơ chế nào đó lại tạo ra được hiệu ứng tích cực với căn bệnh hoặc cải thiện tình trạng của bệnh nhân mắc phải giống như thuốc thật.
Chẳng hạn, trong các thử nghiệm lâm sàng, khi các bác sĩ đưa cho bệnh nhân tăng huyết áp một viên nang trơ (chứa bột mì) và bảo với họ rằng đó là thuốc hạ huyết áp. Sau khi bệnh nhân uống viên thuốc giả, huyết áp của họ đã thực sự giảm xuống.
Một nghiên cứu tổng hợp năm 2016 đăng trên tạp chí Journal of the American Society of Hypertension khẳng định "tác dụng đáng kể của giả dược trên huyết áp tâm thu và tâm trương" so với thuốc huyết áp thật.
Trên tạp chí Front Psychiatry, một nghiên cứu tổng hợp khác thậm chí còn cho thấy: Bản thân các loại thuốc chống trầm cảm có tác dụng chỉ là do giả dược. Và hiệu ứng giả dược với bệnh trầm cảm còn mạnh đến nỗi, khi một bệnh nhân uống 29 viên giả dược (không có hoạt chất) để tự tử, anh ấy đã suýt chết với các triệu chứng hạ huyết áp, tim đập mạnh và thở gấp hệt như uống quá liều thuốc trầm cảm thật.
Một loạt các nghiên cứu và thí nghiệm cho thấy giả dược có tác dụng với chứng mất ngủ, rối loạn lo âu, những người mắc hội chứng ruột kích thích. Và đặc biệt, giả dược có thể hoạt động như một loại thuốc giảm đau.
Không chỉ có thuốc, đúng như định nghĩa của nó, bất cứ phương pháp chữa trị nào tạo ra niềm tin cho bệnh nhân đều có thể phát sinh hiệu ứng giả dược. Nó có thể là một chiếc vòng mã não, một buổi châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt.
Hay thậm chí có những bác sĩ đã thực hiện các cuộc phẫu thuật giả dược cho bệnh nhân đau lưng hoặc khớp gối. Trong đó, họ yêu cầu bệnh nhân nhịn ăn và thực hiện các xét nghiệm như bình thường.
Vào phòng mổ, bệnh nhân được gây mê. Sau khi tỉnh lại, họ sẽ được cho xem video phẫu thuật của một bệnh nhân khác. Còn nếu họ còn tỉnh, các bác sĩ trong ekip sẽ diễn một vở kịch hoàn hảo, họ vẫn sẽ rạch da của bệnh nhân, thực hiện các thao tác trình diễn, tạo ra các âm thanh như một cuộc phẫu thuật thật, sau đó khâu vết mổ lại như cũ mà không thực sự làm gì cả.
Một nghiên cứu trên tạp chí y khoa BMJ năm 2014 cho thấy 3/4 trong số những ca phẫu thuật giả dược có đem lại lợi ích cho bệnh nhân. Đó là những ca phẫu thuật điều trị đau cột sống, trào ngược dạ dày thực quản, Parkinson, đau bụng kinh niên... 50% trong số đó, giả dược hoạt động tương đương với phẫu thuật thật.
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải quay lại những năm Thế chiến thứ II, khi hiệu ứng tuyệt vời của giả dược lần đầu tiên được quan sát thấy bởi Henry Beecher, một bác sĩ Harvard khi ông làm nhiệm vụ quân y trên chiến trường Châu Âu.
Trong trận đổ bộ vào bờ biển miền nam Italia, quân Mỹ bị thương quá nhiều đã khiến nguồn cung morphin giảm đau không thể đáp ứng nổi. Một y tá của Beecher sau đó đã buộc phải nói dối các thương binh rằng cô đang tiêm morphin cho họ. Trong khi thực tế, đó chỉ là những ống tiêm chứa nước muối sinh lý.
Thật ngạc nhiên, Beecher sau đó quan sát thấy có tới 40% số thương binh này cảm thấy được xoa dịu. Những cơn đau của họ thực sự giảm xuống. Điều đó khiến ông ấy đi đến một kết luận kinh điển rằng: "Kỳ vọng có thể ảnh hưởng sâu sắc đến các biện pháp trị liệu".
Beecher trở về Harvard và bắt đầu tập trung nghiên cứu đề tài đó. Ông xuất bản bài báo khoa học đầu tiên vào năm 1955 với tựa đề "Sức mạnh của giả dược" viết rằng các liều thuốc hoặc biện pháp chữa trị giả tạo "có hiệu quả điều trị cao trong các phản ứng mang tính chủ quan".
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc hiệu ứng của một viên thuốc thực sự phải trừ đi hiệu ứng mà quy trình viên thuốc đó được uống đã tạo ra. Kết luận trong bài báo của Beecher đã được trích dẫn hàng nghìn lần bởi các nhà khoa học khác, và bắt đầu tạo ra một cuộc thập tự chinh trong thử nghiệm thuốc lâm sàng.
Bởi nếu bản thân việc uống một viên nang đã có tác dụng, thì ngay cả khi hợp chất thuốc không có tác dụng chữa bệnh, viên nang bao bọc nó vẫn tạo ra các hiệu ứng tích cực trên bệnh nhân, vì họ tin rằng đó là một viên thuốc thực sự.
Do đó, Beecher đề xuất rằng các thử nghiệm thuốc lâm sàng phải được đối chiếu với tác dụng của giả dược. Người tham gia sẽ được chia thành 2 nhóm ngẫu nhiên, một nhóm được cho uống thuốc thật, một nhóm nhận giả dược - nhưng sẽ không có ai trong số họ, kể cả các nhà khoa học tham gia thí nghiệm, biết ai là người đã uống thuốc còn ai đã uống giả dược cho đến khi cuộc thử nghiệm kết thúc.
Phương pháp được gọi là "thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên mù đôi có nhóm chứng với giả dược" – viết tắt là RCT - sau đó đã trở thành tiêu chuẩn vàng của nghiên cứu dược phẩm cho tới tận bây giờ.
Nhưng trong khi Beecher đã quan sát được hiệu ứng giả dược, ông chỉ coi nó là một yếu tố phá hoại các thử nghiệm thuốc lâm sàng mà không tập trung vào hiệu ứng tích cực mà giả dược mang lại.
Liệu các liều thuốc tưởng tượng có thể chữa trị cho các bệnh nhân thật được hay không? Nếu có, cơ chế sinh lý đằng sau hiệu ứng giả dược là gì? Các bác sĩ có nên dùng giả dược như một phương pháp điều trị?
Sau phát hiện của Beecher, các nhà khoa học đã mất nhiều năm để tìm kiếm cơ chế sinh học đằng sau hiệu ứng giả dược. Nhưng công việc gần như chỉ dậm chân tại chỗ với các giả thuyết thiếu tính thuyết phục.
Nút thắt chỉ được gỡ bỏ vào năm 1974, sau khi hai nhà khoa học người Mỹ Rabi Simantov và Solomon Snyder phát hiện ra endorphin – một chất được tiết ra trong tuyến yên của não bộ có thể tạo ra hiệu ứng giảm đau và hưng phấn giống với morphin. Trên thực tế, cũng vì chính lý do này mà nó được đặt tên là endorphin, có nghĩa là "morphin nội sinh".
Khám phá này dẫn đến một giả thuyết mới lạ cho hiệu ứng giả dược. Các nhà khoa học bắt đầu nghĩ rằng: Não bộ có thể tự nó sản sinh ra thuốc.
Năm 1978, ba nhà khoa học đến từ Đại học California là Jon Levine, Newton Gordon và Howard Fields quyết định điều tra xem liệu endorphin có thể giải thích hiệu ứng giảm đau do giả dược gây ra hay không?
Họ thiết kế một ma trận hai thử nghiệm mù đôi liên tiếp trên một nhóm bệnh nhân mới nhổ răng. Tất cả được chia ngẫu nhiên thành 3 nhóm nhỏ. Nhóm số 1 nhận được một liều morphin giảm đau, nhóm 2 là một mũi tiêm nước muối vô hại và nhóm 3 là những người được tiêm một loại thuốc đặc biệt có thể làm tăng cơn đau thay vì giảm.
Sau mũi tiêm đầu, nhóm 1 sử dụng morphin thật được bí mật loại ra khỏi thí nghiệm. Trong nhóm số 2 và số 3 còn lại, những người đáp ứng với giả dược được lọc ra một nhóm, còn lại là những người không đáp ứng với giả dược - nghĩa là họ vẫn cảm thấy cơn đau răng tăng lên khi được tiêm nước muối.
Các nhà khoa học tiếp tục tiêm cho nhóm này một liều Naloxone –hợp chất được phát triển để ngăn quá liều morphin nhưng cũng có tác dụng chặn endorphin trong não bộ. Kết quả, những người đáp ứng với giả dược lập tức cảm thấy cơn đau của họ tăng lên.
Điều đáng nói là mức độ đau trên thang đo tự báo của họ trở lại bằng đúng với mức những người không đáp ứng giả dược. Trong khi đó, nhóm không đáp ứng giả dược không thấy cơn đau của họ tăng thêm nữa.
"Những dữ liệu này phù hợp với giả thuyết cho rằng sự giải phóng endorphin chính là trung gian của hiệu ứng giảm đau do giả dược gây ra", nhóm tác giả viết. Thí nghiệm này đã cung cấp bằng chứng về mặt hóa học đầu tiên cho hiệu ứng giả dược và các thí nghiệm sau đó của chính Levine và Gordon cho thấy giả dược có thể có tác dụng tương đương một điều 6-8 miligram morphin.
"Đó là một trong những nghiên cứu vén lên tấm màn bí ẩn", Kaptchuk nhớ lại. "Năm đó tôi mới chỉ đang bắt đầu nghĩ về hiệu ứng giả dược – mường tượng nó trên khía cạnh khoa học và lịch sử. Nhưng đã có bài báo khoa học nói rằng ngay cả khi mọi thứ xuất phát từ tâm lý của bạn, thì vẫn luôn có một cơ chế sinh học thúc đẩy phản ứng này. Quả thật rất thú vị".
Tới năm 1990, sự tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu giả dược đã thu hút sự chú ý của Trường Y Đại học Harvard, một trong những trường y khoa đào tạo sau đại học lâu đời nhất nước Mỹ và cũng là thánh địa của khoa học chính xác.
Đột nhiên nó đem đến cho Kaptchuk một cơ hội tuyệt vời. Harvard muốn tuyển dụng ông ấy để nghiên cứu các hiệu ứng xảy ra với bệnh nhân, khi họ sử dụng các liệu pháp điều trị thay thế hoặc giả dược.
Các nhà khoa học ở trường y thì có nhu cầu khai thác kinh nghiệm thực hành y học cổ truyền Trung Quốc cho các nghiên cứu của họ. Và đi tìm khắp nước Mỹ, thực sự là không có ai phù hợp hơn Kaptchuk.
Vậy là một thầy thuốc Đông Y trên con phố lang băm đã vào được Harvard. Kaptchuk trở thành một giáo sư nổi bật đầu tiên tại đây, dù ông không có bằng y khoa hay tiến sĩ. "Tôi đã thấy mình như một loài bò sát trong thế giới của động vật có vú. Dường như ở đó có mỗi tôi sống trong thời đại tiền khoa học", Kaptchuk nhớ lại.
Thế nhưng, ông ấy đã tích cực học hỏi. Bên cạnh giúp các giáo sư ở Harvard thực hành các thử nghiệm với đông y như liệu pháp như châm cứu, Kaptchuk cũng hỏi lại họ về cách thiết kế các thử nghiệm và xử lý số liệu khoa học. Ông đã dành nhiều năm trau dồi kiến thức và học hỏi một cách nghiêm túc từ các nhà thống kê y tế.
"Họ rất vui lòng chỉ cho một kẻ lang băm cách xử lý dữ liệu", Kaptchuk nói. "Về cơ bản, tôi đã tự học nghề nghiên cứu khoa học".
Khi đã có đủ kinh nghiệm, Kaptchuk dần tách ra khỏi các nghiên cứu khác và bắt đầu tự mình đứng tên các công trình của mình. Ông muốn nghiên cứu giả dược như một cách chữa bệnh chứ không chỉ là một kẻ phá hoại các thử nghiệm thuốc, một hiệu ứng để so sánh, làm nền cho các phương pháp điều trị khác.
"Có một thứ gì đó đằng sau hiệu ứng giả dược cần phải được khoa học khám phá", Kaptchuk nói.
Với năng lực học hỏi và sự tò mò của mình, Kaptchuk bắt đầu giải thích hiệu ứng giả dược bằng các phương tiện của khoa học chính thống. Cùng với các nhà nghiên cứu khác, ông đã thiết kế nhiều thử nghiệm khoa học có kiểm soát chặt chẽ cho thấy hiệu ứng giả dược có thể giúp cải thiện một loạt chứng bệnh như trầm cảm, đau mạn tính, giảm đau cấp tính và giảm ho, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cương dương, hội chứng ruột kích thích và mãn kinh, bệnh động kinh và Parkinson.
Khi bệnh nhân được cho uống giả dược, các nhà nghiên cứu thấy những viên giả dược to có tác dụng củng cố niềm tin hơn so với viên giả dược nhỏ. Hai viên thì có tác dụng hơn một và viên con nhộng thì có tác dụng hơn viên nén. Giả dược dạng thuốc tiêm thì có tác dụng hơn cả.
Họ thậm chí còn phát hiện màu sắc giả dược cũng có thể ảnh hưởng đến tác động của chúng. Chẳng hạn viên giả dược có màu tạo ra khả năng giảm đau tốt hơn giả dược màu trắng. Viên nang màu xanh giúp mọi người ngủ ngon hơn viên màu đỏ. Viên giả dược màu xanh lá cây là lựa chọn tốt nhất cho bệnh rối loại lo âu.
Nhìn chung, giả dược màu nóng như đỏ, vàng, cam có tác dụng kích thích mạnh, giả dược màu lạnh như xanh lam và xanh lục có tác dụng an thần mạnh.
Hiệu ứng giả dược cũng được quan sát với nhiều sự khác biệt trong các nền văn hóa khác nhau. Ví dụ trong khi điều trị loét dạ dày, giả dược cho thấy sự hiệu quả ở Bắc Âu, đặc biệt là Đức nhưng lại kém hiệu quả ở Brazil.
Ngược lại, giả dược điều trị tăng huyết áp có tác dụng thấp ở Đức, so với những nơi khác. Nhưng nhìn chung, trẻ em đáp ứng với giả dược tốt hơn người lớn.
Tiến bộ trong các phương pháp chụp ảnh y tế như quét não MRI và PET cũng tiết lộ hiệu ứng giả dược thực sự đã kích thích các yếu tố sinh hóa và một số con đường thần kinh trong não bộ. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2002 đăng trên tạp chí Trends in Neurosciences cho thấy giả dược có thể kích hoạt vùng vân (striatum) trong não bộ bệnh nhân Parkinson, khiến lượng hooc-môn dopamin tiết ra tăng 200%, tương ứng với một liều 250 mg levadopa.
Levadopa vốn là một loại thuốc điều trị cho bệnh nhân Parkinson, một tiền chất dopamin có thể giúp bệnh nhân Parkinson giảm triệu chứng run và khôi phục lại vận động. Nhưng bây giờ, thí nghiệm cho thấy giả dược cũng có thể làm được điều đó. Não bộ của bệnh nhân Parkinson có thể tự mình sản sinh ra thuốc, sau khi được kích thích bằng giả dược.
Một nghiên cứu của Kaptchuk đăng trên tạp chí Nature năm 2014 cũng cho thấy vùng vân trong não bộ bệnh nhân có thể được kích hoạt nhờ vào giả dược, nó làm tăng tiết dopamin như một hiệu ứng trung gian giúp giảm cơn đau cho họ.
Trong sự nghiệp của mình, Kaptchuk đã xuất bản hàng trăm bài báo khoa học, thực hiện hàng ngàn thí nghiệm với đủ mọi loại hình giả dược để chứng minh tác dụng của giả dược.
Các nghiên cứu của ông đều được đánh cao, Franklin Miller, một giảng viên cao cấp tại Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ cho biết: "Ted Kaptchuk là người am hiểu giả dược nhất thế giới. Ông ấy đã thực hiện các nghiên cứu thú vị nhất về đề tài này".
Những công trình đã đưa Kaptchuk trở thành giảng viên chính thức của Harvard thay vì một người cộng tác. Năm 2013, ông được công nhận là giáo sư y khoa và năm 2015 trở thành giáo sư y học xã hội và sức khỏe toàn cầu.
Năm 2011, Harvard hợp tác với trung tâm y tế Beth Israel Deaconess thành lập Chương trình nghiên cứu giả dược Harvard. Không ai khác, chính Kaptchuk đã được chỉ định trở thành giám đốc.
Ông đã sử dụng khoản đầu tư hàng triệu USD để tuyển dụng các nhà nghiên cứu hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới, trong các lĩnh vực đa dạng từ giải phẫu thần kinh đến ký hiệu học nhằm tiếp tục đấu tranh đưa giả dược trở thành một loại thuốc, một phương pháp chữa bệnh chính thống.
Bất chấp ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác dụng của giả dược đối với một số căn bệnh và tình trạng y tế, việc sử dụng nó như một phương pháp chữa bệnh vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Như chính cái tên của nó, Kaptchuk cho biết bác bác sĩ khi sử dụng giả dược phải đối mặt với một câu hỏi kinh điển về mặt đạo đức: Liệu tôi có nên lừa dối bệnh nhân hay không?
Một khảo sát năm 2010 tại Mỹ đã hỏi 10.000 bác sĩ rằng họ có sẵn sàng kê đơn giả dược cho bệnh nhân của mình hay không nếu nó được chứng minh là có tác dụng? Chỉ có 24% nói rằng họ sẽ làm vậy, 58% từ chối và 18% nói rằng họ sẽ lựa theo hoàn cảnh.
"Mọi người vẫn tin rằng họ phải lừa dối hoặc che giấu bệnh nhân để tạo ra được hiệu ứng giả dược", Kaptchuk nói. Ông biết rằng nếu không cởi được nút thắt này, giả dược sẽ không bao giờ có thể trở thành một phương pháp y tế chính thống.
"Bản thân tôi trong thâm tâm cũng rất đau khổ vì mọi thứ tôi đang nghiên cứu đều liên quan đến sự che giấu và lừa dối", Kaptchuk nói. "Thủ thuật về bản chất phải vậy, bạn phải làm giả những viên thuốc, bạn phải lừa được bệnh nhân".
Trong một lần day dứt với những ý nghĩ, Kaptchuk chợt nảy ra một câu hỏi: Tại sao mình không thiết kế các thử nghiệm với giả dược, trong đó, bản thân người bệnh biết mình đang uống giả dược và bác sĩ sẽ không phải lừa dối họ nữa?
Năm 2010, ông công bố một thử nghiệm lâm sàng nhỏ trên 80 bệnh nhân mắc chứng ruột kích thích, trong đó, một nửa sẽ được cho uống giả dược và được thông báo đó chỉ là giả dược, một nửa không nhận được điều trị. Kết quả cho thấy giả dược vẫn có tác dụng.
Nghiên cứu đăng trên tạp chí PloS One năm đó đã mở ra một hướng nghiên cứu hoàn toàn mới được gọi là "giả dược nhãn mở". Trong đó, bệnh nhân được thông báo rằng họ nhận giả dược chứ không phải một loại thuốc thực sự. Kaptchuk gọi đó là sự trung thực tuyệt đối với bệnh nhân.
Tháng 2 năm 2021, ông tiếp tục xuất bản một nghiên cứu trên tạp chí Pain là một bản sao mở rộng của thử nghiệm năm 2010 trên các bệnh nhân mắc chứng rối loạn ruột kích thích. Kết quả cho thấy giả dược nhãn mở vẫn có tác dụng với 70% bệnh nhân. 12% bệnh nhân trong số đó cho thấy nó có tác dụng vượt trội trong việc giảm nhẹ triệu chứng ruột kích thích.
"Huyền thoại về giả dược đòi hỏi sự lừa dối đã bị phá bỏ", Kaptchuk nói. Kể từ bây giờ, bạn sẽ không cần phải lừa dối bệnh nhân nữa. Các thử nghiệm với giả dược nhãn mở được thực hiện trong hơn một thập kỷ qua cũng cho thấy những viên thuốc giả hoạt động với chứng đau mạn tính, cơn bốc hỏa, mệt mỏi, dị ứng, viêm khớp, lo lắng và trầm cảm.
Đã có những nghiên cứu kéo dài tới 5 năm theo dõi bệnh nhân dùng giả dược nhãn mở cho thấy chúng đem lại hiệu quả bền vững.
Bản thân Kaptchuk cũng chưa hiểu rõ tại sao giả dược nhãn mở vẫn có thể tạo ra hiệu ứng tích cực. Nhưng những lời giải thích vẫn dẫn về giả thuyết về niềm tin và sự kỳ vọng.
Darwin Guevarra, một nhà nghiên cứu giả dược tại Đại học Michigan cho biết: "Trong nhiều nghiên cứu của tôi cũng như trường hợp của Kaptchuk, kỳ vọng đã được xây dựng từ sự giáo dục. Những người tham gia nghiên cứu của Kaptchuk đã được giảng về tác dụng của giả dược, và họ biết giả dược nhãn mở cũng có thể hữu ích".
Nhưng sự kỳ vọng từ giáo dục và kiến thức sẽ phức tạp hơn một chút so với niềm tin thuần túy. Khi bệnh nhân mong đợi giả dược đem lại sự cải thiện, họ có thể bắt đầu chú ý đến các tín hiệu khác nhau đến từ cơ thể mình.
Não bộ chúng ta tạo ra một loạt các hoạt động thần kinh trong mọi lúc, mọi thời điểm. Một số tín hiệu mà cơ thể chúng ta gửi về não có thể được hiểu là sự đau đớn, những tín hiệu khác thì không.
Vì vậy, khi bạn thay đổi kỳ vọng của mình, bạn có thể bắt đầu bỏ qua các tín hiệu cho biết "Tôi đang đau" hoặc "Tôi đang lo lắng", và bắt đầu tìm kiếm manh mối cho thấy bạn đang cảm thấy tốt và cảm thấy ổn. Khi não bộ có được sự kỳ vọng vào các tín hiệu này, tín hiệu đau đột nhiên bị lu mờ và giả dược nhãn mở có tác dụng.
Tất cả các nghiên cứu về giả dược đã cho thấy sự kỳ diệu của hiệu ứng mà chúng tạo ra. Hãy tưởng tượng bạn có thể cầm một viên thuốc rỗng, hoặc một viên thuốc nhồi đường hay bột mì và nói với bệnh nhân rằng: "Hãy uống viên thuốc này đi rồi bạn sẽ cảm thấy tốt hơn".
Nhưng Kaptchuk cho biết giả dược không phải là ma dược. "Nó sẽ không giúp khối u thu nhỏ lại. Nó không thể khiến người mù nhìn thấy. Nếu bạn bị bại liệt, giả dược cũng sẽ không giúp bạn đứng dậy và đi lại được", ông nói.
"Giả dược cũng không chữa được bệnh tiểu đường và không khiến huyết áp của bạn hạ xuống trong vòng 15 phút".
Giả dược chỉ trở nên hữu ích khi các bác sĩ đã vắt kiệt các loại thuốc có sẵn và tốt nhất cho bệnh nhân, nhưng căn bệnh của họ vẫn không cải thiện. Như vậy, giả dược hiện chỉ nên là thứ vũ khí và công cụ cuối cùng trong kho dự trù của các bác sĩ.
Hãy tưởng tượng một bệnh nhân ung thư đang được điều trị giảm nhẹ khi không có morphin. Các bác sĩ có thể kê cho ông ấy một viên giả dược. Nó có thể xoa dịu những lo lắng và nỗi đau cuối cùng trong cuộc đời họ. Thế còn, giả dược không thể giúp bệnh nhân ung thư khỏi bệnh. Không thể giúp người bại liệt đứng lên, không thể khiến người câm nói được và người điếc tìm lại thính giác.
Vậy đó là toàn bộ câu chuyện về gã lang băm ở Harvard và hiệu ứng giả dược cho tới thời điểm này. Kaptchuk hiện vẫn đang tiếp tục công việc của mình, nghiên cứu giả dược. Nhưng khác với một tay thầy thuốc Đông Y hành nghề lang băm 50 năm về trước, thứ Kaptchuk sử dụng hiện giờ hoàn toàn là ánh sáng của khoa học.
Đó là thứ ánh sáng có khả năng soi rõ thủ thuật của những kẻ lừa đảo tinh vi, những gã lang băm đang lợi dụng hiệu ứng giả dược và những kẻ đang bán vật phẩm chữa bách bệnh. Còn với Kaptchuk, khi ông quyết định theo đuổi con đường học thuật với những tiêu chuẩn khoa học ngặt nghèo, nó đã tách biệt ông khỏi miền đất của những kẻ lừa đảo.
Khoa học và các phương pháp nghiên cứu khoa học là thứ đã đem Kaptchuk từ con phố lăng băm ở Cambridge về Harvard, đưa giả dược trở thành một liệu pháp trung thực thay vì sự dối trá.
Nó cũng cho thấy bất kỳ một hiệu ứng dù kì diệu đến đâu cũng có thể được soi chiếu và giải thích bằng khoa học. Và sự trung thực là thước đo cuối cùng để giữ gìn y đức. "Tôi không bao giờ đưa những thứ nhảm nhí cho bệnh nhân", Kaptchuk nói. "Tất cả những gì tôi có ở đây chỉ là sự trung thực".
Tham khảo Harvardmegazine, Vox, Wired, WebMD, Theconversation, NPR, Thenewatlantis, Plosbiol