(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Đỗ Đức ngay từ khi cầm bút viết văn đã chọn cho mình bút danh thật chân quê - Đông Ngàn (con ngan đồng, chàng “Văn ngan tướng công” hay chữ và vui tính). Mới đấy ông tập hợp những tản văn ký bút danh ấy, viết về chim, thú… in thành sách Gã thợ xăm (NXB Hội Nhà văn, 2021).
Đọc gần 200 trang sách, thấy trang nào cũng nghẹn ngào chuyện buồn và nhòe nước mắt vì một thiên nhiên đang bị xâm hại!
Đây là chuyện đi cày, bố không cho dùng roi hối trâu, ông bảo nó kéo cầy ăn cỏ, mình ăn cơm với thịt. “Trâu ăn giả làm thật, nó giúp mình làm ra miếng ăn, không được đánh nó. Nó như người, chỉ có điều không biết nói thôi! Bây giờ ở đây ngày nào người ta cũng giết trâu, thịt cả trâu tháu sắp trưởng thành. Làng tôi giờ chỉ còn lão Huân thợ cầy mướn, đã già là còn biết khóc cho trâu. Nưới mắt như rỉ sắt, có một tí mà như có máu trộn ở trong”.
Chuyện về tiếng "vit vit vit…, vit vít cô vít…vit". Tiếng chim gọi vịt khắc khoải đêm Đông từ thơ ấu vang vọng vào tâm khảm trên nửa thế kỷ vẫn không phai mờ… Tiếng chim gắn với cổ tích đứa đi ở phải tìm đàn vịt của ông chủ bị mất. Tìm mãi không thấy. Chết rồi hóa thành chim đi tìm tiếp. “Tiếng vịt vịt lúc thưa lúc nhặt, vang lên hối thúc rồi rơi thõng trong đêm. Tâm trí tôi cũng bị tiếng chim dắt đi trong hư không, tìm lại rừng già…” đã thay bằng những nương chè dài tít tắp!
Rồi chuyện “đôi lần đi ngang qua công viên ở Thủ đô gặp mấy gã đao phủ buộc túm chân vài con giẽ còn sống mà đã bị vặt sạch lông, quàng trên ghi-đông xe, phơi bộ da đỏ hỏn…chúng chỉ con biết run như giẽ, cái đầu ngóc ngóc bất lực. Đôi mắt đờ đẫn nhìn vô hồn vào đám nhân quần văn minh”.
Mọi so sánh đều khập khiễng. Nhưng đọc tới chuyện thợ săn chim giẽ, không thể không đọc lại chuyện săn thỏ mà Prishvin (1873 -1954), nhà văn Nga – Xô-viết kể trong Bốn mùa - Lịch thiên nhiên (NXB Tiến bộ, Moskva, 1972) và hiểu hơn kinh điển này: “…thoát khỏi cảnh thợ săn, con thỏ rừng chạy vào thị trấn trên đường Xô-viết và mắc kẹt nơi chấn song sắt… Bọn trẻ con làm tình làm tội nó… Khi thoát được bọn trẻ, nó chạy phóng vào cánh cửa mở của đơn vị công an… Dấu chân thỏ còn mới trên đường… Chó sủa vang, những người đi săn thình thịch chạy vào… Không những đã bắt được con thỏ rừng, mà còn rút thăm xong để quyết định con thỏ rừng thuộc về ai”.
- Họa sĩ Đỗ Đức: 'Tôi vẽ sắc phục các dân tộc miền núi'
- Họa sĩ Đỗ Đức đang bày tranh ở Paris
- Họa sĩ Đỗ Đức trao đổi về kỹ thuật khắc gỗ với Pháp
Đọc tiếp Đỗ Đức, ông còn kể chuyện tiếng gọi bạn tình trong mùa sinh sản, nghe thấy ngoài thiên nhiên “…Vợ chồng cuốc cất tiếng gọi nhau. Đã từng có con cuốc gọi bạn tình không được, chết khô trong bụi tre già. Người ta lấy xác con cuốc đốt thành gio làm bùa yêu”; chuyện căn hộ gia đình nơi ấy “Chiều tà khi mặt trời gác núi vợ chồng chim sâu lích tích gọi nhau về cái tổ ấm lý tưởng, chỉ là một cành ngang có vài chiếc lá, đủ che chắn ánh mắt của kẻ tò mò”.
Bằng 200 trang sách, tác giả chuyển thật khéo chuyện tập tục muôn loài, thành chuyên nhân văn! Theo ông, con người mà sống được như chim sâu, chim cuốc có thể coi là “đắc đạo” . Vì “Mắt ao bị san lấp, sông suối cũng khô nước mắt trong mùa Đông lại khóc tầm tã trong mùa Hè là tại chúng ta tất cả. Trời xanh có mắt hỏi có cái gì giấu được trời xanh?”.
Vài nét về họa sĩ Đỗ Đức Họa sĩ Đỗ Đức sinh năm 1945 tại Đại Từ, Thái Nguyên. Quê gốc: Ninh Hiệp - Gia Lâm - Hà Nội. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1980. Giải B triển lãm toàn quốc 10 năm ngành Đồ họa (1985). Ông có 13 tác phẩm trong sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 15 tranh trong Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên). Có tranh trong sưu tập của Bảo tàng châu Á - Thái Bình Dương của Ba Lan. Chất liệu sáng tác chính của ông là khắc gỗ, màu nước trên giấy dó, ngoài ra còn sáng tác trên chất liệu sơn dầu và sơn mài, chuyên đề tài miền núi và dân tộc. Ông đã viết hoặc biên soạn 9 cuốn sách. Ông đã có các triển lãm cá nhân ở trong nước và tham gia nhiều triển lãm ở nước ngoài nhưtham gia các triển lãm chung của Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Mông Cổ (1981), Bungary (1981, 1984, 1985, 1986, 1987), Liên Xô (1985, 1986), Cuba (1981)… Năm 2013, ông đã triển lãm về đề tài cao nguyên đá Đồng Văn tại Phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức. Ông đã ủng hộ tiền bán tranh tại triển lãm để xây dựng 2 ngôi nhà cho đồng bào nghèo tại đây. |
“Lẩy ra tính cách con người từ những chim chóc, côn trùng...” “Tuổi thơ tôi dính với rừng. Những ngày hái củi, những buổi thả trâu lần mò trong rừng kiếm quả rừng, đào hang bắt rúi, lội suối bắt cá. Trong ký ức đọng lại hôm nay nhiều nhất là hình ảnh môi trường của một thời đã qua. Tập sách viết để ghi nhớ tuổi thơ này của tôi không chỉ viết về một số loài chim mà còn viết về thú rừng và côn trùng, viết cả về môi trường và cuộc sống quanh ta, những cái hoàn hảo và cả những gì chưa hoàn hảo. Gã thợ xăm, đó là chim giẽ giun kiếm ăn trên đầm lầy bờ vực, là hình ảnh người nông dân lúa nước hiền lành, sống cần cù tần tảo yếm thế mà vẫn chẳng dễ yên thân. Theo đà phát triển của xã hội, đầm vực thu hẹp, giẽ giun cũng bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ bị tiêu diệt… Rồi con chim chích, loài thú bệ rạc lửng lợn, con kiến lửa và nhiều loại chim chóc khác của rừng xanh như cu gáy, ri đá, gõ kiến, chim khách, bói cá… và các lại côn trùng như cồng cộng, ong, tò vò… Tôi muốn lẩy ra đâu đó tính cách con người từ những chim chóc, thú rừng, vật nuôi và cả muôn vật vô tri trong thiên nhiên, những quy luật mà con người có thể nhìn thấy và học theo. Cuốn sách này trình bày theo lối mở, chỉ ghi lại một số loài chim thú sâu bọ, côn trùng và câu chuyện môi trường cùng những suy ngẫm về cuộc sống để người đọc sẽ thử tìm hiểu thêm những gì chưa được viết ra trong sách… Mà những cái chưa viết thì phong phú vô cùng… Tôi muốn chia sẻ điều này với mọi người để cùng nhau quan sát cuộc sống và quan sát thiên nhiên, để từ đó yêu quý thiên nhiên hơn. Nó sẽ giúp mọi người nuôi nấng lòng nhân ái với đồng loại và thế giới quanh mình, để bảo vệ cuộc sống của chính mình. Mong được các bạn đọc chia sẻ tình cảm này và nhất là các em đang ngồi trên ghế nhà trường” - Họa sĩ Đỗ Đức. |
Trần Quốc Toàn
Tags