Gần 50% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại

Thứ Hai, 26/09/2016 15:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là con số được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam và Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới tổ chức ngày 26/9 tại Hà Nội.

Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang là quốc gia uống rượu bia đứng hàng đầu khu vực và thế giới. Cụ thể: Việt Nam đứng thứ 2 về tỷ lệ uống rượu bia ở Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới.

Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, 4% các trường hợp tử vong trên toàn cầu là có liên quan đến rượu bia; gánh nặng sức khỏe liên quan đến sử dụng rượu bia là 4,6%. Đối với Việt Nam, rượu bia luôn là một trong 10 nguyên nhân dẫn đến các trường hợp tử vong.


Du khách vui chơi giải trí lúc 00 giờ 20 phút tại phố Tạ Hiện trong ngày nới “giờ giới nghiêm” đầu tiên. Ảnh: Phóng viên cơ động - TTXVN

GS.TS Nguyễn Thanh Long cho rằng, có một số điều luật ở nước ta mọi người cho là mới, nhưng thực tế trên thế giới đã thực hiện từ lâu và cho hiệu quả rõ rệt. Chẳng hạn, việc có nên cấm hay không cấm bán rượu bia sau 22h; hoặc cấm bán rượu cho trẻ vị thành niên ở các nước đã áp dụng từ lâu; cấm quảng cáo rượu bia ở nơi công cộng, đặc biệt trong nhà trường…

“Có rất nhiều điều khoản như vậy nếu chúng ta không thực hiện quyết liệt thì sẽ không thành công và tốc độ gia tăng việc sử dụng rượu bia ở nước ta sẽ ngày một gia tăng hơn”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.


Khám, chẩn đoán bệnh viêm gan cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (Bộ Y tế). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Theo ThS.Bs Trần Quốc Bảo, Cục Y tế Dự phòng, tỷ lệ uống rượu bia ở người trưởng thành rất cao, có tới 77% nam giới và 11% nữ giới hiện tại có uống rượu bia trong 30 ngày qua. Tuổi càng cao tình trạng sử dụng rượu bia càng tăng. Nhóm tuổi trẻ tần suất uống ít hơn nhưng lượng nhiều hơn trong mỗi lần uống so với nhóm tuổi già. Gần một nửa nam giới đã uống rượu bia ở mức nguy hại.

Trong số người có uống rượu bia, khoảng 45% đã từng điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trong vòng 2 giờ sau khi dùng. Kết quả điều tra quốc gia vị thành niên Việt Nam cho thấy 20,8% nam vị thành niên đã lái xe sau uống rượu bia dẫn đến các chấn thương phải nghỉ học hoặc nghỉ lao động từ một tuần trở lên...

ThS. Trần Quốc Bảo cho biết, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đến 21 tuổi mới uống. Đó là khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất sau khi uống cao gấp 6 lần; khả năng tai nạn xe cộ do uống rượu bia cao gấp 6 lần, khả năng bị chấn thương do uống rượu gấp gần 5 lần.

“Không có mức độ uống rượu bia nào là an toàn, mức độ uống khác nhau ở từng người. Uống rượu bia ở bất kỳ mức độ nào cũng đều dẫn đến tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư. Rượu bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh”, TS Trần Quốc Bảo thông tin.

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội Lý Trần Tình cho biết, các rối loạn tâm thần thường gặp ở bệnh nhân loạn thần do rượu là ảo giác, hoang tưởng, khó ngủ hoặc ngủ ít… Thường gặp nhất và nặng nề nhất là sảng rượu với các biểu hiện rối loạn ý thức, ảo giác, nhất là ảo thị, ảo thanh, hoang tưởng bị truy hại.

Theo TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam là bằng chứng khoa học và thực tiễn để Bộ Y tế nghiên cứu các chính sách pháp luật phù hợp đưa vào dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Hiện tại, Bộ Y tế đang hoàn thiện dự thảo Luật và dự kiến tháng 5/2018 sẽ trình Quốc hội xem xét.

TTXVN/Nguyễn Bích Thủy

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›