'Gần thầy, gần bạn tập tành lễ nghi'

Thứ Sáu, 06/04/2018 07:10 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/4/2018, Trường THPT Hàn Thuyên (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đã đình chỉ công tác thầy giáo dạy văn nói thô tục với học sinh.

Ngày 5/4/2018, Trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng) cho biết đã đình chỉ công tác với cô chủ nhiệm lớp 3A5 khi cô này vắt nước giẻ lau bảng bắt học sinh súc miệng.

Còn rất nhiều vụ việc đau lòng khác nữa...

Việc thầy cô giáo đánh hoặc kỷ luật học trò từ xưa đã có, nhưng hình thức thường phải minh bạch, công bằng và an toàn với tất cả học sinh. Việc châm chọc thô tục, việc lấy nước giẻ lau bảng bắt uống… thì hoàn toàn là kết quả của tâm lý bệnh hoạn, chứ không thể là một hình thức kỷ luật minh bạch.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ca dao Việt Nam có mấy câu về giáo dục rất sâu sắc, gần gũi: “Dạy con từ thuở tiểu sinh/ Gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi/ Học cho cách vật trí tri/ Văn chương, chữ nghĩa, nghề gì cũng thông”. Đây có lẽ là cách diễn Nôm câu thành ngữ: “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, trong giáo dục, đa số đều dạy lễ nghi, nề nếp trước, sau đó mới học kiến thức, ứng dụng. Nhưng có vẻ như ngày nay nhiều nơi đang làm ngược lại: “Tiên học văn, hậu học lễ”, nên sự thực dụng thái quá mới có đất sinh sôi.

Sự thực dụng trong giáo dục đã trực tiếp phá vỡ nhiều hệ giá trị tốt đẹp. Theo Google chiều 5/4/2018, nếu từ khóa “trò đánh thầy” có khoảng 917.000 kết quả, “thầy đánh trò” khoảng 855.000, thì “đổi tình lấy điểm” lại có khoảng 2.490.000 kết quả, “mua điểm” khoảng 9.990.000 kết quả. Chính điều này đã phản ánh phần nào bức tranh với nhiều gam màu xámvề quan hệ thầy trò.

“Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hoặc trách phạt nào khác” - đây là câu nói và quan điểm cốt lõi của nhà giáo dục Konstantin D. Ushinsky (1824-1871).

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình trạng “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn đang diễn ra ở bề rộng. Đây là hệ quả của hai thực tế, đó là tình trạng tăng dân số quá nhanh khiến khan hiếm giáo viên, nên ngành giáo dục phải bỏ qua nhiều khâu tuyển chọn cần thiết. Thứ hai, thu nhập của nghề giáo dù có tăng, nhưng vẫn là quá thấp, khó thu hút được các học sinh giỏi khi chọn ngành để thi vào đại học. Nghề này cũng khó giữ được giáo viên giỏi, bởi nhiều người giỏi đã chọn bỏ bục giảng để đi làm nghề khác, ổn định hơn.

Hai thực tế trên đã làm chất lượng ngành giáo dục khó nâng tầm, ít tạo ra được thần tượng. Một thầy giáo giỏi vượt bậc, lại có nhân cách sáng ngời, chắc chắn sẽ trở thành tấm gương, thành thần tượng của nhiều học trò.

Tại sao lúc đất nước còn chiến tranh, còn quá khó khăn thì Việt Nam lại có nhiều nhà giáo rất nổi tiếng, là thần tượng của bao thế hệ, còn bây giờ thì khá ít, trong các ý để trả lời câu hỏi này, chắc chắn có sự thực dụng. Giáo dục ngày xưa được xem như một cái nghiệp, một cái đạo, còn bây giờ thường được xem như là một cái nghề làm công ăn lương.

Định nghĩa cốt lõi của giáo dục là: “Quá trình vun trồng nhân tài, huấn luyện tài năng nhằm thực hiện sự nghiệp xây dựng quốc gia, phát triển xã hội”. Nếu môi trường giáo dục mà có quá ít cơ hội để “gần thầy gần bạn tập tành lễ nghi” thì đúng là rất đáng lo. Bởi ngoài chuyện “tu thân, tề gia”, thì giáo dục chân chính, lý tưởng còn phải hướng đến việc “trị quốc, bình thiên hạ”. Nghĩa là tự mỗi người thầy, mỗi học trò phải góp cái tôi vào việc xây dựng quốc gia, phát triển xã hội, nếu chỉ thực dụng cho bản thân, thì thật lệch lạc và đáng lo.

Sẽ đuổi việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng

Sẽ đuổi việc cô giáo bắt học sinh uống nước giẻ lau bảng

Việc giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, chủ nhiệm lớp 3A5, Trường Tiểu học An Đồng (huyện An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh vì nói chuyện trong lớp bằng hình thức bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng đang gây chấn động dư luận cả nước.

Vô Ưu

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›