Chuyện tình của chàng lính ở Sư đoàn 18 và cô gái bán chén bắt đầu từ chuyến xe khách định mệnh.
Chuyến xe khách định mệnh
Năm 1968, ông Lê Văn Hùng (hiện 73 tuổi) xin đi lính, đem theo nhiều hoài bão, ước vọng như bao chàng trai trẻ khác. Sau ngày ký kết Hiệp định Paris, trong một lần nghỉ phép trở về Vũng Tàu trên chuyến xe khách, ông Hùng gặp bà Nguyễn Thị Liên - cô thiếu nữ bán chén đĩa. Hai người ngồi hai băng ghế đối diện nhau. Cuộc trò chuyện kéo dài suốt quãng đường 10km khiến trái tim ông Hùng xốn xang, quyết làm quen, hỏi địa chỉ nhà, tên tuổi bà bằng được.
"Bà ấy đi cùng một người chị em bạn dì khác, nói với tôi rằng đi buôn chén. Bà ấy đẹp lắm, răng của bà hồi xưa đều tăm tắp, rất dễ thương", ông Hùng bồi hồi nhớ lại.
Về nhà, tâm trí chàng trai trẻ chỉ nghĩ về cô thiếu nữ bán chén gặp trên xe khách. Ông quyết định tìm đến tận nhà bà Liên nhưng vì cha bà Liên khó tính, ông ngại ngùng chỉ dám vào nhìn bà giây lát rồi về. Bà Liên khi ấy cũng chỉ xem ông là người bạn quen biết, chưa có ấn tượng nhiều.
Bẵng đi một thời gian, bà Liên chột dạ, chợt nhớ ngày xưa đã từng quen người lính trong Sư đoàn 18. Bà tò mò về ông giờ ra sao, sống thế nào nên chủ động tìm tới nhà ông hỏi thăm.
"Đó là ngày 30/4/1975, cả nước ăn mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong không khí ấy, tôi chợt nhớ đến ông ấy vì ông cũng là lính. Tôi quyết định đến nhà ông để xem ông còn hay mất. Đến nơi, tôi xúc động khi thấy cả nhà ông ấy đang hòa chung niềm vui thống nhất đất nước”, bà Liên nói.
Sự xuất hiện đột ngột của cô gái bán chén năm nào khiến ông Hùng và gia đình rất bất ngờ. Ông rưng rưng: "Thật sự tôi rất cảm động. Tự dưng có một người đi kiếm mình, coi mình ra sao, vui lắm chứ".
Sau ngày hôm đó, cả hai qua lại thăm nhau nhiều hơn. Trong lòng ông Hùng và bà Liên biết đã dành cho nhau tình cảm đặc biệt dù cả hai chưa nói ra lời yêu.
Nhớ có lần, nhà ông làm đám giỗ, bà Liên đến giúp việc nấu ăn. Cơm nước xong xuôi, ông thủ thỉ với bà: "Giờ hoàn cảnh tôi em cũng biết. Có thương thì mình đến với nhau đi, chứ đợi thưa với cha mẹ chắc sẽ khó".
Không có lời thưa gửi chính thức tới hai bên cha mẹ, bà Liên vẫn đồng ý đến với ông bằng tất cả tấm chân tình. Bà gói ghém tư trang, bỏ nhà theo chàng lính trẻ xây dựng hạnh phúc mới.
Hạnh phúc nở hoa trong nghèo khó
Cuộc sống sau giải phóng khó khăn, đói kém, bà Liên tiếp tục vót đũa, bán kèm với chén. Ở được với nhau 4,5 tháng, ông Hùng mới dẫn bà Liên về nhà ngoại làm lễ thú phạt. Đây là lễ dành cho những đôi trai gái yêu nhau nhưng không được gia đình tán thành. Khi mọi chuyện đã rồi, nhà trai tìm người kết nối nhà gái tổ chức một tiệc nhỏ để hợp thức hóa cho đôi trẻ.
Ngày tới thăm cha bà Liên, ông Hùng lúc bấy giờ mới chuẩn bị được một ít tiền, một đôi bông tai nhỏ.
“Tôi vô gật đầu chào, vợ tôi cũng chào mà ông (cha bà Liên - PV) làm lơ. Tôi mới khều khều bà, kêu lại xin lỗi ba. Lúc ấy ông mới bắt đầu nói chuyện. Ông la rầy bà, rầy nhiều lắm và bảo: Con đi vậy không nói gì với ba, bộ ba khó dễ gì với con lắm sao?”, sau câu nói của cha, bà Liên bật khóc.
Dù trách mắng song thương con gái, bố bà Liên vẫn bỏ qua mọi chuyện và dần chấp nhận cuộc hôn nhân của cả hai.
Điều nuối tiếc nhất của ông Hùng là chưa cho bà Liên một đám cưới trọn vẹn
Những tháng ngày sau đó, bà Liên sinh 5 người con, hai vợ chồng vất vả cải thiện kinh tế gia đình. Tất bật với cuộc sống mưu sinh, ông bà thừa nhận cả hai ít có thời gian vun vén tình cảm, gửi tới nhau những lời yêu thương.
“Từ lúc đến với nhau cho đến bây giờ, tôi chưa từng nghĩ đến việc mua quà tặng vợ. Tôi chưa mua cho bà ấy bất kỳ món gì mà chỉ bán của bà ấy thôi”.
Tại chương trình “Tình trăm năm", ông Hùng và bà Liên lần đầu được khoác lên người bộ vest, váy cưới sau 48 năm hôn nhân hạnh phúc. Ông Hùng liên tục nói lời xin lỗi vợ, đồng thời tặng bà sợi dây chuyền - món quà rất đỗi bình thường nhưng ông chưa có dịp làm trong suốt ngần ấy năm.
Bà Liên xúc động, bày tỏ rằng, hạnh phúc của bà là được nhìn ông khỏe, 5 người con trưởng thành, hiếu thảo là bà đã mãn nguyện lắm rồi.
Nguồn: Tình trăm năm
Tags