Để cố gắng đạt được thành tích tốt nhất trong cuộc đua khi gặp phải thiệt thòi về thể chất, tay đua liệt chân người Nhật đã phải có những chiến lược, chiến thuật thông minh.
Ông Takuma Aoki - một tay đua người Nhật Bản hiện là tay lái chính của đội Toyota GR Indonesia tại Giải đua xe xuyên Quốc gia Châu Á (AXCR 2022) đã khiến không ít người cảm thấy nể phục về nghị lực và sự đam mê với bộ môn đua xe địa hình dù ông không thể sử dụng đôi chân để điều khiển xe.
Trong chuyến sang Thái Lan để đến với AXCR, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ tay đua đầy nghị lực này để tranh thủ trò chuyện nhanh với ông trong lúc giải đua đang diễn ra.
Có lẽ ông là người duy nhất giải đua điều khiển xe chỉ bằng 2 tay. Cơ duyên nào đưa ông đến với giải đua mà các đối thủ đều có ưu thế hơn về mặt thể chất này?
Trước đây, tôi là một tay đua tại các giải xe máy. Do một biến cố vào năm 1998, tôi không thể tiếp tục sự nghiệp.
Sau đó, tôi rất quan tâm tới các cuộc đua đường trường, trong số đó có giải Dakar danh tiếng. Khi tôi xem giải đua đó trên TV, tôi chỉ đơn giản cảm thấy muốn tham gia và trải nghiệm cảm giác băng qua các cung đường núi, rừng, cát,... Năm 2007, tôi lần đầu tham dự giải đua AXCR và đạt được vị trí thứ 2.
Khi chuyển từ đua xe máy sang đua ô tô, ông đã gặp phải những khó khăn nào?
Khá nhiều trở ngại. Bình thường xe máy chỉ có hai bánh còn ô tô có tới bốn bánh, đó cũng là một điểm khác biệt lớn rồi. Trước đây, những giải đua mà tôi tham dự trong đó có giải Le Mans 24h danh tiếng đều là lái những xe có lực ép xuống mặt đường rất lớn, nhưng thể loại đua xe rally lại rất khó tìm được lực bám đường nên đây cũng là một thử thách đối với tôi khi mới bắt đầu.
Trước khi giải đua AXCR 2022 diễn ra, điều gì khiến ông và cả đội lo lắng nhất?
Tôi và đội đua không quá lo lắng điều gì về giải đua năm nay. Trong hai năm giải hoãn tổ chức vì dịch COVID-19, các tay đua gần như không có cơ hội để tranh tài hoặc tập luyện. Tuy nhiên những tay đua người Thái họ vẫn tự tổ chức các giải đua trong nước và cạnh tranh với nhau. Vì vậy, họ có những lợi thế về thời gian luyện tập hơn. Nhưng tôi và đội đua vẫn tự nhủ phải cố gắng, liên tục tạo ra sự thúc ép khi làm việc.
Cuộc đua cũng có nhiều điều may mắn hoặc không may, những rủi ro mà các đội tay đua cũng không thể biết trước được. Kinh nghiệm đua tại AXCR không phải chỉ cần học thuộc hoặc lấy kinh nghiệm từ quyển sách được, mà cần có những trải nghiệm thực tế.
Đâu là những khó khăn mà ông gặp phải khi tham gia giải đua AXCR?
Điều khó khăn nhất sẽ là mỗi khi bị thủng lốp hoặc xe bị hỏng hóc. Ví dụ trong một chặng đua ở bờ biển, xe của chúng tôi đã bị thủng lốp. Tôi không thể xuống phụ giúp thay lốp được nên chỉ có mỗi co-driver (tay lái phụ) của tôi xuống thay. Cũng khá vất vả và mất thời gian. Mà trong những cuộc đua rally như thế này, thời gian rất là quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng tới kết quả về đích, kết quả xuất phát ngày hôm sau và điểm số cuối cùng khi tổng kết.
Hay như ngày đua đầu tiên, xe của tôi gặp chút sự cố nổ lốp khi còn cách điểm bảo dưỡng khoảng 3 km. Để lúc đó dừng lại thay lốp sẽ tốn không ít thời gian nên tôi quyết định cố gắng lái xe về điểm dừng chân rồi mới thay lốp nhằm tránh tụt thứ hạng. Ngoài ra, chiến lược của đội là phía sau xe tôi vẫn còn chiếc Fortuner khác trong đội, sẽ có nhiệm vụ giữ chân những xe khác để họ khó có thể vượt qua chúng tôi.
Giải đua năm nay có những đội sử dụng chiến thuật hai phụ lái ngồi trên xe. Vậy tại sao đội của ông không làm vậy để khi gặp sự cố sẽ có thêm người để khắc phục cùng?
Năm ngoái đội tôi có sử dụng chiến thuật đó nhưng vì chỉ có một chiếc xe để đua duy nhất. Sang tới năm nay, đội đua của tôi mang tới hai xe để đua, vì vậy một lái phụ sẽ được chuyển sang chiếc xe còn lại để hỗ trợ tay đua chính. Việc không thể có thêm một tay lái phụ khác là bởi sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể huấn luyện họ làm quen công việc và khớp với đội nên năm nay chưa thể có.
Việc đồng thời cầm lái và điều khiển ga/phanh của một chiếc xe khi đua có gì khó khăn với ông?
Cũng không khó khăn lắm. Do chân tôi hiện còn không thể di chuyển được nên sau khi đã ngồi trong xe, các kỹ thuật viên trong đội sẽ cố định phần chân tôi lại, chỉ có phần thân trên của tôi có thể cử động. Và vì trước đây tôi đã cũng từng là một vận động viên đua xe máy nên việc điều khiển ô tô thông qua một cái cần cũng không hề khó khăn.
Các bạn cứ tưởng tượng việc lái chiếc xe máy là tăng tốc hay phanh đều hoàn toàn bằng tay. Và việc tôi lái chiếc ô tô cũng vậy. Thứ khác biệt duy nhất đó chính là một tay tôi phải điều khiển cần ga/phanh trong khi tay còn lại cầm vô-lăng. Vì vậy, tại sao cần phải dùng chân để điều khiển chiếc ô tô. *Cười*
Mục tiêu của ông và đội Toyota GR Indonesia khi tham gia AXCR 2022 là gì?
Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ không để ra những sai lầm trong quá trình đua để đạt được thứ hạng cao nhất có thể. Kỳ vọng của đội chúng tôi là chiếm lĩnh vị trí số 1 và 2 của giải AXCR 2022.
Nhưng như tôi đã đề cập trước đó, đây là một giải đua rally, có rất nhiều điều không thể biết trước được sẽ thế nào như sự cố hoặc gặp một chút may mắn nào đó. Ngày đua đầu tiên của chúng tôi đạt được kết quả thứ hạng là 4 và 6. Như vậy là cũng khá tốt cho ngày đầu mở màn rồi.
Tags