(TT&VH) - Những tác phẩm đánh dấu các cột mốc quan trọng trong cuộc đời Bùi Giáng, như các bản in lần đầu tiên của thi phẩm Mưa nguồn, hay bản dịch tiểu thuyết Hoàng tử bé… đang được trưng bày tại Hà Nội, kéo dài tới ngày 11/3.
Tuần trưng bày sách Bùi Giáng trong cõi người ta (Dựa trên bộ sưu tập sách Bùi Giáng của nhà báo Yên Ba và các thành viên diễn đàn sachxua.net) được tổ chức tại Thư viện – café Đông Tây (11A Trần Quý Kiên).
Bộ sưu tập các tác phẩm của Bùi Giáng (và số ít tác phẩm viết về Bùi Giáng) được trưng bày lần này là một cố gắng nhằm tập hợp các tác phẩm của Bùi Giáng, được xuất bản cả trước và sau năm 1975, cho thấy một diện mạo của thi sĩ kì dị qua các tác phẩm của ông. Trong đó còn có những tác phẩm cực hiếm chỉ in với số lượng rất ít, 200 bản, như tuyển tập thơ Chân trời văn nghệ, hoặc bản dịch một cuốn truyện… chưởng!
Bộ sưu tập các tác phẩm Bùi Giáng.
1. Theo lời kể của nhà báo Yên Ba, anh “biết” Bùi Giáng khá muộn, bởi hầu hết các tác phẩm chủ yếu của ông trước đây đều xuất bản ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Gần đây, một vài nhà xuất bản mới tái bản lại một số tác phẩm của Bùi Giáng, đồng thời cũng hợp tác với người trong gia đình để xuất bản các tập Di cảo của Bùi Giáng, đến nay đã ra đến tập thứ 10 và theo như anh hiểu thì hình như mỗi năm chỉ xuất bản một tập để tưởng nhớ Bùi Giáng và cũng có tin đồn nói rằng bản thảo ông để lại còn chất đầy một va-li.
Một lần, tình cờ đọc một cuốn thơ của Bùi Giáng, nhà báo Yên Ba bị ấn tượng mạnh bởi ngoài một số bài thơ, câu thơ tối nghĩa, khó hiểu, nhiều câu thơ của Bùi Giáng đọc lên nghe như ca dao.
Khi càng tìm đọc nhiều thơ Bùi Giáng, nhà báo Yên Ba càng thấy ông quả là một người “thượng thừa” trong việc dùng chữ: “Thậm chí có những câu, những bài, tôi có cảm tưởng như nó cứ tuôn ra một cách tự nhiên như hơi thở vậy. Rồi dần dà, tôi tìm đọc các tác phẩm ở các thể loại khác của Bùi Giáng, càng thấy ông là người bất bình thường”!
Nhà báo Yên Ba nhận định: “Các tác phẩm của ông viết rất đa dạng, từ thơ cho đến tiểu thuyết dịch, kịch (dịch), khảo cứu, phê bình văn học, triết học. Bùi Giáng viết khảo cứu rất khó hiểu, dịch văn học nước ngoài rất vui, có thể sẵn sàng để cho nhân vật Othelo của Shakespeare thốt lên “Nam mô A di đà Phật” chẳng hạn! Tựu trung lại, đọc tác phẩm của Bùi Giáng có thể hiểu ít, hiểu nhiều hoặc thậm chí chẳng hiểu gì cả, nhưng tất cả cứ toát lên một niềm hân hoan khó cưỡng, cứ như là từ một người luôn có niềm vui liên miên bất tận muốn chia sẻ với mọi người và đó là điều tôi thấy thích ở Bùi Giáng”.
Thi sĩ Bùi Giáng. Ảnh tư liệu
2. Để sở hữu được bộ sưu tập đồ sộ các tác phẩm của Bùi Giáng, nhà báo Yên Ba mất chừng ba năm. Cuốn sách đầu tiên của Bùi Giáng anh có được là cuốn viết về Bùi Giáng: Đặc tuyển của tạp chí Thời Văn về Bùi Giáng, xuất bản năm 1997, do nhà văn Võ Trường Chinh tặng cho anh.
Cuốn sách gần đây nhất, nếu như tính sách của Bùi Giáng xuất bản sau năm 1975 thì đó là cuốn Bùi Giáng - Đười ươi chân kinh, do Nhã Nam phối hợp với NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2011, theo lời người tuyển chọn, là “tinh tuyển những tinh hoa của Bùi Giáng”. Còn sách trước 1975, nhà báo Yên Ba mới có được cuốn Chân trời văn nghệ, do Con Đuông xuất bản, cũng là tuyển tập một số bài thơ của Bùi Giáng:
“Cuốn này 27 trang, chỉ in 100 bản, chắc dành cho bạn bè, thân hữu của Bùi Giáng, phần đầu có chữ ký tặng của nhà xuất bản cho nhà văn Duyên Anh. Tôi có được cuốn này bằng cách đổi đi một cuốn của Phan Khôi…” – anh kể.
Không ở đâu tại Việt Nam, kể cả ở các thư viện lớn, lại lưu giữ một lượng sách xưa quý hiếm nhiều như những thành viên diễn đàn sachxua.net gộp lại. Nhiều cuốn sách của Bùi Giáng mà nhà báo Yên Ba có được cũng nhờ sự trao đổi, mua bán trên diễn đàn sachxua.net.
Bùi Giáng còn dịch truyện chưởng! “Có những ấn phẩm khá đặc biệt của Bùi Giáng mà tôi thấy rất thú vị khi có được, chẳng hạn như bản dịch cuốn truyện chưởng Kim Kiếm Điêu Linh của tác giả Ngọa Long Sinh mà Bùi Giáng mới dịch được có tập 1 rồi bỏ dở! Ai cũng biết Bùi Giáng là nhà thơ, nhà khảo cứu triết học, dịch văn học hiện sinh, chứ có mấy ai lại nghĩ rằng ông đi dịch truyện chưởng”! (Phát biểu của nhà báo Yên Ba). |