(Thethaovanhoa.vn) - Cho tới năm học 2021-2022 này, khi chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đã vào trường học được 2 năm, hiện tượng văn học Đỗ Chu ngày nào cũng chỉ có một đoạn 53 âm tiết trích từ truyện ngắn có đề tài độc đáo Bồng chanh đỏ (NXB Kim Đồng, 1973), kể chuyện hậu phương thời chống Mỹ cứu nước dưới góc nhìn một học sinh lớp 5.
Một ngôi làng thật đẹp ngoài Kinh Bắc “... bên một đầm sen rộng, mùa Hạ hoa nở bát ngát, làng có cổng làng, còn trong đầm thì có một con bồng chanh mình đỏ như lửa lúc nào cũng lim dim đôi mắt đậu trên một cọng sen khô…Giữa bãi sen xanh rì, con chim nhỏ, không, một bông hoa đỏrực. Một đốm lửa, bỗng bay bổng lên cao”.
Trong làng đến chim cũng học tiếng người “đặc biệt có một con yểng đen, mỏ vàng như nghệ đã biết nói. Nó nói suốt ngày, với bất kỳ ai nó cũng chào: “Anh Hiền, anh Hiền ạ!”. Mẹ tôi nhiều lần phải bật cười mắng nó: “Tao đẻ ra anh Hiền mày mà mày dám gọi thế a!” Con yểng không cần biết đến điều đó, nó vẫn một mực đáp lại: “Anh Hiền, anh Hiền ạ!" thật mới cứng đầu cứng cổ làm sao.
Những đứa bé yêu nước nền nã
Không đọc truyện, thật khó hình dùng những đứa bé khăn quàng đỏ thời chiến lại yêu nước nền nã đến thế, yêu cây và con, đất và nước. Ngày Hiền rời trường huyện vào lính, thiên nhiên cùng những trò nhỏ cấp 1, cấp 2 nhận bàn giao ngôi làng tuyệt đẹp kia! Đầm sen đã sẵn hoa kính thầy cô giáo, và trời xanh đã sẵn “nhân lực” hồn nhiên nhất:
“Trước ngày lên đường, 2 anh em quyết định giải phóng cho lũ chim sống ở trong lồng bấy nay. Tôi đã kịp thời thông báo cái tin có một không hai đó cho tất cả bè bạn tôi. Chúng nó xôn xao bàn tán với nhau và không mấy đứa đã tin ngay. Tôi xách 2 cái lồng đi ở phía trước, sau lưng tôi là bọn trẻ con, rất nhiều, cả mấy đứa con gái mặc dù không ưa gì tôi cho lắm cũng háo hức có mặt. Anh Hiền vừa đi vừa nói chuyện tíu tít với chúng nó. Tới bờ đầm, tôi đặt 2 lồng chim xuống, không sao giấu được vẻ phấn chấn trên nét mặt. Bọn bạn tôi đứa nào cũng nhìn như dán mắt vào mấy con chim đang nhảy nhót, có đứa nuốt nước bọt vì tiếc. Lát nữa anh Hiền sẽ thả cho những con chim này bay đi. Anh chỉ để lại con yểng. Không phải là theo yêu cầu của tôi mà là vì mẹ tôi đã bảo anh: "Có nó nói bi bô, tao đỡ nhớ mày". Mẹ tôi cứ làm như con yểng là một đứa trẻ con không bằng!”…
Từ hơn 6.000 âm tiết của truyện hay Bồng chanh đỏ, nhóm biên soạn Tiếng Việt 2 chỉ chọn lấy 53 âm tiết làm bài chính tả Chiều mùa Hạ:
“Con chim sơn ca cất lên tiếng hát tự do, tha thiết đến nỗikhiến ta cũng phải ao ước giá mà mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là nắng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa đang ngậm đòng và hương sen”.
Có còn hơn không! Nhưng thật tiếc, các soạn giả không đưa truyện con chim như hoa, như lửa, kia vào sách, lại chọn con “sơn ca” thứ chim như bay lạc vào truyện ngắn này! Tiếng Việt 2 sách mới đã nói nhiều về con “sơn ca” có tên chữ rất hay này, nếu có thêm “bồng chanh”, các em sẽ giàu tiếng Việt hơn, và con chim bay ra từ vùng quan họ sẽ gọi vào giờ học con “gọi vịt” nơi đồng chiêm trũng Nam Hà, con “bắt cô trói cột” trên núi rừng Việt Bắc hay con “cúm núm” đất phương Nam… Chẳng nên bỏ qua cơ hội dạy tiếng mẹ đẻ trong các sách giáo khoa!
Kín đáo, viết về những e ấp của tuổi mới lớn
Bài văn học sử dạy cho học sinh lớp 12 THPT Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 tới hết thế kỷ XX có đưa nhận định: “Ở miền Bắc, truyện, ký cũng phát triển mạnh. Tiêu biểu là ký chống Mỹ của Nguyễn Tuân. Truyện ngắn của Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Đỗ Chu …” (Ngữ văn lớp 12 tập 1 bộ hiện hành). Trong 5 cây bút văn xuôi tiêu biểu có Đỗ Chu.
Nhìn lại thời kỳ văn học ấy, mới hay chùm 3 truyện ngắn viết tay Hương cỏ mật, Thung lũng cò và Mùa cá bột của cậu học trò trường cấp 3 Hàn Thuyên, thị xã Bắc Ninh ngày ấy nếu không lần lượt ra đời trên Văn nghệ quân đội theo “khai sinh” còn trong văn học sử: “Bọn mình đã nhận được gói bản thảo, chuyền tay nhau đọc, thú lắm, sẽ lần lượt in hết, bắt đầu từ số tháng 2 Tết Âm lịch 1963. Tạp chí đang có cuộc thi truyện ngắn, bọn mình định chọn Hương cỏ mật đưa vào dự thi, chắc Đỗ Chu không phản đối” (Nguyễn Minh Châu 1930-1989), thì đề tài tuổi mới lớn gần như còn bỏ trống ở văn học nửa nước phía Bắc thời ấy.
Có thể nói Đỗ Chu kín đáo, viết về những e ấp của tuổi mới lớn trong thời chống Pháp nối vào chống Mỹ. Cậu bé Tuân lớp cuối cấp 2 mồ côi mẹ, mười mấy năm thay mẹ làm “chinh phụ” chờ cha, và chỉ giỏi diễn trò… thương binh cụt tay! Vậy mà em học lên cấp 3, vùng đất thơm hương cỏ và tình ngườigiúp em lành lặn. Em thưa với cô giáo Nhâm về người bạn gái của mình:
“Phương không biết cưỡi trâu, mà trâu nhà nó cũng nghịch lắm, vì thế bao giờ nó cũng dắt trâu lò dò lên chậm. Em bao giờ cũng đánh trâu tế lên đầu, nhận phần cho cả 2 đứa. Không đứa nào dám thắc mắc gì đâu, vì cái Phương rất tốt, biết làm cỏ mật khô… Chỉ cần buộc túm những cụm cỏ xanh ấy lại, đem phơi nắng rồi hong gió, cỏ mật héo vàng đi, tỏa hương thơm dìu dịu. Những cụm cỏ ấy quý lắm, mang về gối đầu giường, ngủ không bao giờ mơ thấy rắn đuổi, có mơ thì cũng chỉ mơ thấy những cảnh đuổi nhau trên núi… Sau khi u em bị Tây giết ở bãi Vòi ấy, em cũng chẳng đi chăn trâu nữa. Cái Phương lại nhập bọn với đám trẻ khác. Nhiều lần nó rủ em lên Vòi chơi nhưng em không lên; lên đấy, em khóc mất. Chiều nào cái Phương cũng đem về cho em một túm cỏ mật rất thơm...Ít lâu nay, Chủ nhật về quê, em cũng không muốn tránh con đường vắt qua nơi Vòi Voi nữa. Qua đường ấy, em hay gặp Phương ở trên bãi Vòi. Cũng chỉ nhìn nhau là nhiều thôi…”.
Chuyện tình đan dệt bằng những cọng cỏ xanh lại có kết thúc thật bất ngờ, Tuân thành người lính trẻ và cô giáo Nhâm thành nghĩa mẫu của người lính ấy! Cô giáo tóc uốn người Hà Nội viết thư: “Tuân yêu của cô! Mùa Xuân đang trở lại rồi, mưa phùn chắc là đang đánh thức cỏ mật trỗi dậy khắp trên núi Voi...”.
Văn học cần đa dạng và những chuyện tình tươi như cỏ xanh nối liền các vết cắt lịch sử thì sách giáo khoa nên giữ.
Hình tượng người thầy trong văn Đỗ Chu
Nhà văn Đỗ Chu luôn lao tâm khổ tứ về hình tượng người thầy và có những thành công đáng kể! Đó là cô giáo địa lý trong truyện ngắn Thung lũng cò nơi những đứa học trò nghịch ngợm nhưng thông minh như Tịch “híp” hay Vinh “mốc” tính viết lại địa mạo làng xưa; đó là cảnh những nữ sinh “đệ tam” tinh quái nhưng trong sáng, long lanh như sương trên lá sen, bơi xuồng hái những bông đẹp nhất tặng thầy cô giáo giữa một đầm “… nước trong veo chẳng khác nào một cái gương để khoảng trời tự ngắm vẻ đẹp và sự khoáng đạt của mình”(Truyện Bồng chanh đỏ).
Nhưng đậm nét nhất chính là hình ảnh cô giáo Nhâm trong truyện Hương cỏ mật. Cô hướng học trò của mình vào đời theo lối “…mấy tháng nay, đã hành quân qua nhiềuđồng nhiều núi…” tìm cỏ mật quê hương!
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Những cô chủ nhà tí hon của Thu Hằng
- Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK: Văn Thành Lê mở ra góc biển chân trời
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Có một 'Dàn nhạc mùa Hè' của Dương Kỳ Anh
Đỗ Chu từng được một thầy giáo Nam Bộ tập kết dạy anh học viết văn ngay từ hồi học cấp 1 trường làng. Nhà giáo lão thành Vũ Minh Đức (1921- 2021) từng kể: “Những em học sinh nhỏ có năng khiếu về văn học mà bây giờ thành đạt luôn luôn là niềm vui trong đời dạy học của tôi. Em Trương Nhuận (1957 - 2020) từng là Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, là học sinh giỏi văn lớp 7, từng đạt điểm cao trong kỳ thi học sinh giỏi văn thị xã Bắc Ninh. Với Đỗ Chu, tôi vẫn thường xuyên theo dõi bước đường thành công của em! Tôi nhớ mãi lời nói ngộ nghĩnh về ước mơ tương lai của cậu bé Chu Bá Bình ngày nào khi tôi khen bài văn miêu tả em viết năm lớp 5: “Thầy ơi, sau này em thích học Đại học Tập làm văn”(Bùi Công Minh, tạp chí Thế giới mới).
Người tự mở trường đại học “tập làm văn” cho mình, trong sách tùy bút Thăm thẳm bóng người (NXB Văn học, 2008) trân trọng: “Kính tặng thầy Vũ Minh Đức, cô Hồng và các em yêu quý. Hà Nội, 1/10/2009. Đỗ Chu, học trò Chu Bá Bình của thầy. Em không bao giờ quên hình ảnh thân ái và sang trọng của thầy với đám trò Bắc Ninh thuở ấy, những năm em còn nhỏ tuổi. Kính thầy, sức khỏe và đầm ấm gia đình”.
Trong sách ấy nhà văn Đỗ Chu bàn chuyện giữ mình để có thể là mình: “Cho nên ở đây vấn đề sống còn chính là bản lĩnh của người cầm bút, là tính cách riêng, bút pháp riêng và cách nhìn cách nghĩ cũng phải riêng, không thể đua đòi, không thể theo thời, càng không thể đánh mất mình”.
Vài nét về nhà văn Đỗ Chu Đỗ Chu sinh 1943 tên khai sinh Chu Bá Bình, là tác giả 14 tác phẩm văn học gồm truyện ngắn và tùy bút. Ông đoạt giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ quân đội1963, Giải thưởng Hội Nhà văn VN các năm 2002 và 2005,Giải thưởng Nhà nước đợt I-2001, Giải thưởng ASEAN 2004, Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT năm 2012. Đỗ Chu vào Hội Nhà văn năm 1969. |
(Còn tiếp)
Trần Quốc Toàn
Tags