Năm 1993, Phạm Công Luận trình làng tác phẩm văn học đầu tiên của mình, truyện dài Chú bé Thất Sơn. Sách đoạt giải cuộc thi Văn học thiếu nhi vì tương lai đất nước, do Hội Nhà văn TP.HCM và NXB Trẻ tổ chức. Hai nhân vật thiếu nhi từ truyện này đã bước vào sách Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (NXB Giáo dục Việt Nam), trong bài tập đọc Hương vị đồng quê.
"Nắng sớm ở nông thôn đến rất nhanh. Mới bảy giờ ba mươi, đồng ruộng đã ngập nắng chói chang. Siêng và Nam ngồi trên một mô đất giữa nắng ấm" - từ bài đọc Hương vị đồng quê.
Học sinh lớp 4 theo các dòng văn để chơi trò câu cá: "Chưa đầy một tiếng, hai đứa đã sung sướng đi về với một giỏ cá đầy", câu bằng mồi… trứng kiến; để nếm món ăn Nam bộ, bắt đầu từ món xôi trứng kiến: "những hạt trắng, trong, tròn, nhỏ hơn hạt gạo một chút"; để nếm "vị cá ngọt kết hợp với vị nước mắm mặn, me chua thành một hương vị tuyệt vời", ngon đến độ "Nam mải ăn, đến lúc nhìn lên thấy Siêng đang ngónó, miệng cười tươi rói"…
Học sinh lớp 4 ăn ngon, chơi vui và học các phương ngữ "ngó", "nướng trui", "chọc quê"… học các hư từ"nè", "hén"…
Học sinh lớp 4 đọc diễn cảm bài này cho thiệt hay, các em sẽ được hồn nhiên "…nhe răng cười hiền khô" với các nhân vật mà tác giả Phạm Công Luận gửi theo "hương vị đồng quê" của mình.
Chuyên cần học nghề viết
Trang giáo khoa này là kết quả những năm Phạm Công Luận chuyên cần học hỏi nghề viết. Chuyện học nghề được anh kể với những ghi chép thận trọng, rất chi tiết. Tác giả khiêm nhường như học sinh ngoan chép bài: "Tôi là độc giả hâm mộ cố nhà văn Sơn Nam từ khi còn trẻ, ban đầu là qua cuốn Hương rừng Cà Mau và sau đó là các cuốn sách biên khảo về đồng bằng sông Cửu Long và về Sài Gòn xưa. Khi viết cuốn Chú bé Thất Sơn, dù không tham khảo trực tiếp sách của ông, nhưng chắc chắn hiểu biết và cảm xúc của tôi về vùng đất miền Tây Nam bộ có ảnh hưởng từ đó".
Anh kể thêm: "Sau cuốn truyện nhỏ nói trên, tôi được gặp nhà văn Sơn Nam nhiều hơn qua những lần đến thăm ông ở nhà trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh, hoặc ở đường Nguyên Hồng, quận Gò Vấp. Có lúc ông đến nhà ba má tôi ở quận Phú Nhuận ăn giỗ và trò chuyện khá nhiều, vì ba tôi có gốc gác ở cù lao Phố, vùng đô thị đầu tiên ở miền Nam mà nhà văn Sơn Nam quan tâm. Ông còn tặng ba tôi một cái tẩu hút thuốc sợi".
"Sơn Nam thích nhạc của Kitaro, người vừa đến hát ở Việt Nam tháng trước. Khi viết nhà văn thường mở CD nghe nhạc của tác giả này. Có lần ông khoe mới mua cuốn sách nghiên cứu bằng tiếng Anh có minh họa về các động tác bàn tay trong khi múa của nữ vũ công Ấn Độ. Cuốn sách đó giá khá cao lúc bấy giờ (1995), ông bảo: "Cần để tham khảo nên mắc tôi vẫn mua", dù lúc đó ông sống tằn tiện, còn phải lo kinh tế gia đình".
Phạm Công Luận nối chuyện xưa với nay, nối Hà thành với Sài thành, nối Mỹ với Việt. "Năm học lớp 5 trường Võ Tánh ở Phú Nhuận, tôi được cô giáo giao việc trông nom tủ sách của lớp. Mỗi tuần vào thứ Bảy, cô phát cho mấy đồng để khi hết giờ học, lúc đi bộ về nhà, tôi đến một sạp báo và mua hai tờ tuần báoThiếu nhi, số mới nhất. Tôi mở ngay phần feuilleton (in nhiều kỳ)Thuở mơ làm văn sĩ của cố nhà văn Nhật Tiến. Ông kể về hành trình đến với nghề viết của mình khi còn là chú bé học trường Hàng Vôi" - Phạm Công Luận chia sẻ.
Sau này, nhà văn Nhật Tiến ở Mỹ lại tìm đọc các sách của Phạm Công Luận viết về Sài Gòn xưa. Khi họ gặp nhau tại TP.HCM, ông đã mang tặng cuốn Thuở mơ làm văn sĩ cho người học trò tự nhận Phạm Công Luận.
Phạm Công Luận cảm động nghĩ: "…ông và cuốn sách chính là người thầy đầu tiên dắt tôi vào thú vui viết lách, thú vui nhọc nhằn và khó đi tới đích mong muốn, nhưng niềm vui mang tới dọc đường thì không hề nhỏ".
Mở hòm kẽm kể chuyện xưa
Bộ sách 5 tập Chuyện đời của phố rất được độc giả yêu thích, được NXB xếp vào loại "tản văn". Người viết bài đọc thì thấy trong ấy không chỉ có văn, mà còn sử nữa. Các chuyện kể của Phạm Công Luận có nhiều dòng vừa là chi tiết văn học, vừa là sử liệu.
Như chuyện Mậu Thân 1968: "…lúc đó khu Bà Quẹo là nơi tranh chấp rất quyết liệt giữa hai phe "quốc gia" và "Việt cộng". Có mấy người du kích mang dép râu gõ cửa nhà Cường xin bánh tét ăn vì đói. Khoảng 8 giờ sáng, nghe lệnh tản cư. […]. Lúc đó mới thấy chiếc xe ngựa của gia đình thật quan trọng vì có thể chở được cả hơn chục người. […]. Mấy ngày sau tình hình im dần, gia đình lại lên xe ngựa kéo về nhà. Chú ngựa Khịt tội nghiệp vừa chạy vừa sợ sệt giữa tiếng bom đạn, mình ướt đẫm mồ hôi, nhưng vẫn rang. […]. Về đến nhà mới biết bạn của Khịt là chú ngựa Giang đã chết vì bom đạn cắt đứt một chân".
Kể tới đây, sử liệu hóa thành văn học, viết bằng nước mắt: "Cả nhà thương xót như mất người thân, nhất là ba. Buồn hơn nữa là con Khịt, bỏ ăn, mắt lúc nào cũng đầy nước và rồi mấy bữa sau chết theo con Giang".
Người cha của nhân vật Cường mất cả Khịt và Giang, đành bỏ nghề chạy xe thổ mộ! Nhưng chuyện Một con ngựa đau… vẫn chưa hết. Hai mươi năm sau, khi Cường lên đời mới cho ngôi nhà xưa thì "…anh nhặt được một cái móng ngựa", nhặt được di vật lịch sử của riêng nhà mình, của cả cuộc chiến mấy mươi năm.
Chuyện một người Sài Gòn đang sống giữa Paris hoa lệ, một họa sĩ, một nhà ngoại giao, bạn vong niên của tác giả - người có phân nửa dòng máu Việt, Marcelino Trương Lực. "Những bức tranh của anh khiến tôi nhớ Sài Gòn tuổi thơ của tôi quá đỗi. Sao mà nó gợi cảm và thân thuộc đến như vậy? Anh vẽ đường phố Sài Gòn và những người qua lại, bên trong căn nhà có cửa sổ lá sách với những vật dụng cũ kỹ như cái quạt mo cau, cái võng, bình tích trà đựng trong vỏ tre, nền gạch bông hai tấc vuông, cái táp-lô điện bằng gỗ gắn lộ trên tường... Và không chỉ thế, còn dáng đi trên phố, dáng mẹ nằm với con trên giường, cảnh ông bà ra cửa đứng đón con cháu đến thăm ngôi nhà ngói ở Gia Định. Tất cả quen thuộc đến nao lòng" - trích Sài Gòn chuyện đời của phố, tập 4).
Chính hướng nhìn hồi cố dẫn Phạm Công Luận tới góc nhìn riêng, tìm ra đẹp nay trong dáng xưa, cái đẹp mà cư dân Sài Gòn hôm nay tạo lập. Ông nhìn thấy bên các kiến trúc thời thuộc Pháp -nhà thờ Đức Bà và Bưu điện trung tâm - là Đường sách TP.HCM, nằm trên đường mang tên vị Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình.
"Khi con đường vắng vẻ này biến thành đường sách tôi thầm phục những người khởi xướng đã có mắt xanh chọn đúng nơi chốn với vị trí trung tâm, và sự biệt lập của nó. Nó đã lột xác để trở thành một con đường quyến rũ…" (trang 183, trong sách Với ngày như lá tháng như mây của Phạm Công Luận.
Tác giả đã bỏ ra mấy năm thời mới vào nghề phóng viên để hàng tuần tới đó "…nhận đồ gửi từ Hà Nội vào, là một va-li kẽm chứa những xấp giấy can để in báo. […]. Trên xe máy của tôi cái va-li kẽm nảy lên kêu lục cục vì mặt đường bị tróc nhựa nhiều chỗ, để lâu không tu sửa".
Người viết bài mỗi khi đọc sách mới của Phạm Công Luận cũng thầm cảm phục và tự hỏi bữa rày "người Sài Gòn" Phạm Công Luận mở "hòm kẽm" nào đây,để giúp độc giả, nhất là độc giảtrẻ"…không mấy khi thấy con gà tre, con dế cơm, con rắn mối càng không, suốt ngày ôm tivi, vi tính để được thấy con kanguroo, con ngựa vằn châu Phi…?" đặng mà "học cách bảo vệ hành tinh này, để được gần gũi với thiên nhiên".
Phạm Công Luận từng làm việc tại báo Thiếu niên tiền phong, báo Sinh viên Việt Nam - tuần san Hoa học trò. Là tác giả của hơn 15 đầu sách, trong đó có vài quyển viết chung với Đặng Nguyễn Đông Vy, với Asako Kato. Tính đến nay thì cuốn Nếu biết trăm năm là hữu hạn… (viết chung với Đặng Nguyễn Đông Vy, ký Phạm Lữ Ân) đã tái bản 30 lần, với hơn 100.000 bản in. Hiện Phạm Công Luận sống cùng gia đình tại quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Tags