Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Phạm Anh Xuân: 'Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con'

Thứ Tư, 10/05/2023 18:57 GMT+7

Google News

Phạm Anh Xuân vào đời bằng công việc của một phóng viên, sau đó chuyển sang làm ở ngân hàng. Rồi bất chợt anh có thêm một con đường song hành, khác đầy thơ mộng - những vần thơ trong trẻo cho trẻ con. Dù anh đến với thơ khá muộn, nhưng viết rất nhiều. Trong 7 năm, anh sáng tác gần 900 bài thơ và có 3 bài được chọn vào sách giáo khoa.

Một phần tác phẩm của anh đã được in thành 4 tập thơ và 1 truyện dài. Báo Thiếu niên tiền phong và nhiều báo khác cũng đã in vài trăm bài thơ trong số này. Hiện anh là một tác giả được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi và cả phụ huynh đón nhận nồng nhiệt qua các buổi nói chuyện văn chương, hoặc những buổi giới thiệu sách.

Người lớn cần dẫn dắt trẻ con đọc sách

* Là người sáng tác tương đối muộn màng, nhưng lại sớm có thơ được đưa vào sách giáo khoa. Anh nói gì về con đường văn chương của mình?

- Con đường văn chương đến thật tình cờ, khi tôi đã 40 tuổi. Đó là một ban mai, bỗng nhiên cảm xúc đến dạt dào và tôi đã viết bài thơ Bình minh - bài thơ đầu tiên.

Điều kỳ lạ là ngay sau bài thơ này, trong tôi bị thôi thúc, cứ như thể bằng bài thơ này tôi đã được khơi dậy mạch nguồn của "dòng suối cảm xúc". Kỷ niệm và ký ức ùa về, hình ảnh, chi tiết cùng những câu chuyện cứ tự nhiên hiện ra, những tứ thơ cùng câu chữ, vần điệu cứ như đầy ắp, dồn nén và được sắp xếp sẵn trong đầu, tôi chỉ cần viết ra.

Có thể nói, con đường văn chương của tôi là một "ân huệ" mà cuộc đời đã dẫn dắt tôi vào. Khi viết cho trẻ con, tôi nhận ra rằng thế giới trẻ thơ cực kỳ rộng lớn, bởi cùng với thế giới thực vốn đã rất sống động, trẻ thơ còn có thế giới của mộng mơ và sự tưởng tượng đến vô cùng.

Tôi thường chia sẻ với bè bạn rằng trong tôi luôn có một đứa trẻ. Đứa trẻ ấy nhìn thế giới bằng con mắt đầy sắc màu và mỗi ngày sẽ viết ra điều gì đó về thế giới của chính mình và của bè bạn ấu thơ.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Phạm Anh Xuân: 'Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con' - Ảnh 1.

Nhà thơ Phạm Anh Xuân

* Những bài thơ "Đi học vui sao" (sách Tiếng Việt 3 tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), "Chú cá con và ngôi sao nhỏ"(sách bài tập Tiếng Việt 3, tập 1),"Khúc hát những bàn tay"(sách tăng cường Tiếng Việt 5, dành cho học sinh các vùng dân tộc thiểu số) được ra đời như thế nào, thưa anh?

- Tôi viết Đi học vui sao (trích trong tập Tuổi thơ trong trẻo) vào một buổi sáng khi nhìn thấy một em bé đến trường. Ký ức tuổi thơ bỗng ùa về mạnh mẽ. Tôi đã viết rất nhanh, với tiết tấu và giai điệu giản dị. Bài thơ là tâm trạng và cảm xúc của tôi khi còn thơ bé.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Phạm Anh Xuân: 'Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con' - Ảnh 2.

Bài “Đi học vui sao” trong “Tiếng Việt 3”, tập 1

Đó là cảm xúc chờ đợi đến giờ để được đến trường vui cùng bạn bè. Cảm xúc lật những trang sách, trang vở thơm tho và tươi mới với những bài học rất đỗi thân thương. Cảm xúc ngóng chờ giờ giải lao để được chạy nhảy, chơi đùa với tất cả sự hồn nhiên thơ ấu. Cuối cùng là cảm xúc ùa chạy lúc tan học và một chút la cà để hòa mình vào thiên nhiên.

Bài thơ Chú cá con và ngôi sao nhỏ là câu chuyện mà đứa trẻ trong tôi tưởng tượng. Đó là một cá con trong đêm thanh vắng đã ngắm nhìn ngôi sao in bóng dưới đáy nước. Hai bạn đã cùng nhau trò chuyện và trở thành đôi bạn tâm giao. Khi đã có sự hòa hợp cảm xúc và tâm hồn thì dù giữa ngôi sao và chú cá nhỏ có xa cách đến đâu thì đôi bạn vẫn luôn cảm nhận được sự đồng cảm để thấy mình hạnh phúc.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Phạm Anh Xuân: 'Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con' - Ảnh 3.

Tập thơ “Ấm êm ngộ nghĩnh” và “Tuổi thơ trong trẻo” được mua bản quyền xuất bản năm 2018

Còn bài Khúc hát những bàn tay được viết trong lúc tâm hồn xao động khi hồi tưởng về những bài học về lịch sử, đất nước và con người Việt Nam. Dòng chảy thế hệ và những bài học lịch sử, đất nước và con người chính là hành trang cho thế hệ hiện tại và tương lai. Đó cũng chính là khát khao về một nền hòa bình và phát triển lành mạnh. 

Trong tất cả các bài thơ tôi viết, tôi luôn nhất quán vận dụng những câu chuyện, chi tiết, hình ảnh, ngôn từ gần gũi để trẻ dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thuộc. Đặc biệt, tôi luôn tạo nên và lan tỏa cảm xúc tích cực. Từ đó, mong muốn của tôi là những bài thơ tôi viết giúp cha mẹ, giáo viên và các em nhỏ dễ dàng tiếp cận, dễ dàng cảm nhận và khơi gợi được trí tưởng tượng cùng nguồn năng lượng tích cực. Đây cũng là cách để tôi góp phần vào việc khuyến khích cả trẻ con và người lớn đọc sách - trong đó có việc người lớn cần đọc sách cho trẻ con với vai trò dẫn dắt.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Phạm Anh Xuân: 'Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con' - Ảnh 4.

Trang sách bài tập “Tiếng Việt 3”, tập 1

Thiên nhiên là trường học lớn

* Cuộc sống hiện đại khiến cho thiên nhiên xung quanh bị thu hẹp lại, trẻ em không được thảnh thơi ngắm nhìn mây trời, hoa lá và những con vật. Trong những sáng tác của mình, anh có nóng lòng muốn mang một môi trường thiên nhiên hiền hòa đến với các bé, mặc dù chỉ qua con chữ không? 

- Mong muốn trẻ em được vui chơi và tương tác với thiên nhiên thực sự là một khát khao của tôi, mặc dù chỉ là qua những bài thơ, câu chuyện. Khi các trường tiểu học mời tôi làm diễn giả, tôi thường nói rằng: Thiên nhiên là trường học lớn nhất của tôi. Tôi cũng tin rằng hòa mình và tương tác với thiên nhiên, trẻ sẽ phát triển rất nhiều kỹ năng như bơi lội, chạy nhảy, đánh đu, leo trèo… Đây chính là bài học để phát triển thể lực.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Phạm Anh Xuân: 'Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con' - Ảnh 5.

Truyện dài “Nghé ọ hai xoáy” được mua bản quyền xuất bản năm 2022

Đồng thời khi tương tác với thiên nhiên, trẻ con sẽ biết được sự vận hành của thế giới tự nhiên như sông núi, mây nắng gió, cỏ cây hoa lá… Đó chính là bài học để phát triển trí lực. Hơn thế nữa, đây chính là những bài học cực kỳ quan trọng góp phần hình thành nhân cách, phát triển tâm hồn và cảm xúc con người.

Tôi cho rằng sự tương tác thực tế giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với thiên nhiên có ý nghĩa và giá trị rất quan trọng so với tương tác ảo.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Phạm Anh Xuân: 'Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con' - Ảnh 6.

Tập thơ “Bởi vì yêu thương” và “Trồng nụ trồng hoa” được mua bản quyền xuất bản năm 2021

* Là người làm truyền thông cho ngân hàng, có thể hiểu là một công việc đầy chiến lược và số liệu, vậy sáng tác thơ chính là cách anh tự giúp mình cân bằng chăng?

- Đúng là như vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng và có ý nghĩa hơn là mỗi khi viết, tôi nhưđược trở thành trẻ con và sống với thế giới của tuổi thơ. Đây là nguồn năng lượng tốt cho tinh thần. Hơn thế nữa, tôi thấy hạnh phúc vì được góp phần bé nhỏ vào niềm vui của tuổi thơ.

* Chúng ta ai cũng lớn lên và những vần thơ hồi đi học vẫn theo mãi. Anh có hy vọng rồi thơ anh cũng là hành trang trong hành trình lớn lên của thế hệ con cháu?

- Tôi thường không tham vọng về những điều mà mình không tự chủ và càng không nên áp đặt điều gì đối với trẻ con.

Tôi luôn theo dấu từng bài thơ, từng tập sách của mình khi công bố, điều đáng mừng là tôi thường nhận được phản hồi tốt. Đó là những em bé người Việt Nam theo bố mẹ đi định cư tại Áo đã viết "mang tập thơ đi khắp thế giới", hoặc một em bé người Việt Nam ở Đức đã dịch bài thơ của tôi viết sang tiếng Đức để mang lên lớp chia sẻ. Những ông bố, bà mẹ khi đưa con đi định cư ở nước ngoài đã mang những tập sách của tôi trong hành trang cho con.

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Phạm Anh Xuân: 'Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con' - Ảnh 8.

Bài thơ “Tuổi thơ có bà” do một học sinh dịch sang tiếng Đức

Ở trong nước, những người lớn tuổi đọc thơ của tôi và nói rằng họ tìm thấy tuổi thơ của mình. Đó có thể là những câu chuyện dí dỏm, ngộ nghĩnh, hoặc những bài học gần gũi. Nhiều giáo viên, phụ huynh và các em nhỏ đã liên hệ để xin tôi những bài thơ về làm bài tập chép, tập đọc, sử dụng làm đề thi, hoặc dàn dựng trên YouTube…

Tôi tin rằng với tình cảm yêu mến ấy, những bài thơ của tôi sẽ có sức sống và sự lan tỏa. Đó cũng là một phần động lực và nguồn năng lượng tích cực để tôi tiếp tục viết. 

Phạm Anh Xuân sinh năm 1976, học chuyên ngành báo chí, từng làm báo. Hiện làm việc tại VietinBank.


Từng tham gia chuyển ngữ tuyển tập Ngụ ngôn La Fontaine (NXB Văn học và Đông A). Được nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn thơ in Sách Tết của Đông A trong các năm 2019, 2020, 2021, 2022. Có nhiều thơ đăng trên các báo và tạp chí.

Lâm Hạnh

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›