(Thethaovanhoa.vn) - Những người làm sách tập hợp bài hát, thơ ca, truyện kể, theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dùng trong các trường mầm non, đã chọn của tác gia Lê Luynh 3 tác phẩm, gồm cả truyện và thơ.
1. Trong thơ viết cho trẻ mầm non của Lê Luynh, quyền trẻ em được trân trọng, đề cao tới mức có sức nặng để thành một quyền năng khác thường theo hướng tích cực! Ở bài Bé làm cô giáo bằng cách chơi chữ theo lối nói trại, nói nhái, nói nhại, nhằm hòa thanh từ tượng thanh “gâu gâu” với từ nghi vấn kép “đâu đâu”, tác giả biến cô bé 5 tuổi đang chơi trò lớp học với chú cún con nhà mình, thành một gia sư thông thái, có thể nghe được tiếng loài vật: “Cô giáo bảo cún con/ Ngồi nghe cô giảng bài/ Cún con vểnh hai tai/ Ra chiều ngoan ngoãn lắm// Cô giáo đọc chữ a/ Cún con đọc chữ âu/ Cô giáo chỉ lên bảng/ Cún con hỏi đâu? đâu?”.
Trong bài Bố em làm lính hải quân quyền năng nhi đồng kia, tạo ra bằng nhịp thơ được chọn lựa đắc địa. Nhịp đồng dao cuồn cuộn đẩy nhịp thơ, hứng thơ, tứ thơ nổi sóng, tạo được hình tượng thơ thật đẹp - trên vai người cha đứa bé như một thuyền trưởng đang đưa tàu lướt sóng: “Cõng bé lên vai/ Bố nhún, bố nhảy/ Bố bảo như là/ Tàu bố ngoài khơi// Bé ngồi trên vai/ Lắc la lắc lư/ Cứ như ngồi tàu/ Lướt trên biển vậy!”.
Riêng truyện ngụ ngôn Cây viết và thước kẻ của Lê Luynh, từ sách mầm non, cô đọc cháu nghe được đưa lên sách tiểu học, cô dạy cháu đọc. Mà những 2 bộ sách tiểu học chọn truyện này. Bộ Cùng học để phát triển năng lực (Nguyễn Thị Hạnh chủ biên) đưa vào sách Tiếng Việt 1 tập 2 (tr.42). Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống (Bùi Mạnh Hùng chủ biên) đưa vào sách Truyện đọc 1 (tr.39+40).
Nội dung Cây viết và thước kẻ như sau:
“Cây viết và thước kẻ ở chung trong cặp của một cậu học sinh. Một hôm, cây viết nói với thước kẻ:
- Bạn chẳng có tích sự gì. Cậu học sinh không bao giờ ngó đến bạn. Tôi ấy à, ngày nào cậu ta cũng cần.
Thước kẻ nằm im chẳng nói gì.
Đến khi cậu học sinh cần gạch một đường thẳng, cây viết không thể nào tự mình làm được mà phải xấu hổ dựa vào thước kẻ. Xong việc, thước kẻ lại chui vào cặp. Hết buổi học, cây viết vào nằm bên thước kẻ, với vẻ ân hận nó nói:
- Mình xin lỗi thước kẻ, nếu không có bạn mình chẳng gạch được một đường thẳng.
Lúc này thước kẻ mới ôn tồn:
- Cây viết ạ. Nếu không có bạn mình cũng chẳng kẻ được một đường thẳng đâu”.
Sách Kết nối tri thức với cuộc sống dùng nguyên văn truyện này, còn sách Cùng học để phát triển năng lực thì người biên tập đã thêm câu mở truyện, và viết thêm câu kết, giúp truyện có vĩ thanh: “Từ đó, bút và thước kẻ trở thành bạn thân, cùng nhau giúp bạn nhỏ có vở sạch chữ đẹp”.
2. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM, Lê Luynh đã tham gia sáng tác văn học, đã liên tục có bài trên các báo. Nhiều truyện và thơ của Lê Luynh được đưa vào các tuyển tập giúp bạn đọc lưu giữ: Tuyển tập thơ hay dành cho thiếu nhi (NXB Trẻ 1999), có các bài: Hạt và cây, Quyển tập và cây bút, Biển vàng; Tuyển tập truyện hay dành cho thiếu nhi (NXB Trẻ 1999) có các bài: Giọt sương chạy trốn, Bướm và ong, Mặt trăng dưới đáy hồ, Tờ giấy bạc và tấm vé số, Ếch và bác nông dân; tuyển tập Thơ truyện dành cho bé (NXB Giáo dục 2005) có các bài: Cây viết và thước kẻ, Sự tích tiếng kêu của mèo; Tuyển tập thơ tình Việt Nam và thế giới (NXB Thanh Niên 1998) có bài Mối tình đầu…
Trong một cuộc thi thơ của Đại học Sư phạm TP.HCM, sinh viên Lê Luynh có giải Ba và lọt vào tầm ngắm của thầy Trần Hoàng, người đứng lớp tại Đại học Sư phạm TP.HCM nhưng đang phụ trách một câu lạc bộ sáng tác văn học của TP.HCM.
Thầy Trần Hoàng, nhớ lại: “Những năm đầu thập kỷ 80 thế kỷ trước, tôi được mời phụ trách Nhóm Văn thơ của Câu lạc bộ (nay là Cung Văn hóa) Lao động TP.HCM. Nhóm tập hợp được khá đông anh em nhà văn, nhà thơ và cán bộ, viên chức, công nhân, sinh viên, người lao động… yêu thơ văn. Tôi mời Lê Luynh đến tham gia sinh hoạt định kỳ với Nhóm Văn thơ vào các sáng Chủ nhật. Rồi Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ có chủ trương ấn hành đặc san nhằm tuyên truyền đẩy mạnh các hoạt động phong trào, phát huy khả năng sáng tạo của hội viên. Hồi ấy, đất nước đang cực kỳ khó khăn, việc in ấn phổ biến tác phẩm hầu như chỉ trông chờ… nhà nước, nên được giao thực hiện đặc san, chúng tôi rất mừng và cố gắng thực hiện thật chỉn chu. Tập san đầu tiên mang tên Người thợ, chào mừng Xuân Giáp Tý, ngoài các trang mục văn thơ nhạc họa còn có cả chuyên trang Thiếu nhi. Lê Luynh góp một truyện đồng thoại, nhan đề Chim én, mùa Xuân có tình tiết lôi cuốn, nội dung giàu tính giáo dục, giọng văn phù hợp thiếu nhi. Tôi chọn đăng ngay. Là người trong nghề tôi biết truyện cho trẻ con vốn hiếm, mà người lớn viết cho trẻ con với chất giọng hồn nhiên như Lê Luynh cũng hiếm lắm. Vì vậy, tôi khuyên học trò của mình tiếp tục viết đồng thoại và khuyến khích: Em viết đồng thoại, ngụ ngôn, được đấy! Nên phát huy biết đâu sau này truyện của em được chọn đưa vào sách giáo khoa”.
Theo khuyến khích của thầy, chuyên tâm vào thể loại này, tới 1997, Lê Luynh, có tập đồng thoại đầu tiên Mặt trăng dưới đáy hồ với 27 truyện rất đa dang trong cách viết. Có đồng thoại giàu tình tiết để cốt truyện dài như một truyên ngắn - Chim én mùa Xuân. Có đồng thoại lớp lang nối nhau căng như một vở kịch - Cáo và gà. Lại có đồng thoại bay bổng, lãng mạn như một bài thơ văn xuôi: “Cô bé bắt được con chuồn chuồn định ngắt cảnh để chơi. Chuồn chuồn liền ngăn lại: Xin cô đừng ngắt cánh tôi. Có đôi cánh, tôi mới bay đi báo tin thời thời tiết cho mọi người được. Cô bé nhớ câu tục ngữ đã học học: Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng bay vừa thì râm. Vội thả cho chuồn chuồn bay đi”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 22): Nhà thơ Thạch Quỳ - 'Quạt cho bà ngủ'
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 20): Nhà thơ Vương Trọng - Cử nhân toán học viết cho thiếu nhi
3. Mới đây tác giả Lê Luynh trình làng tập đồng thoại thứ 2 của mình - Giọt sương chạy trốn (NXB Kim Đồng, 2020) viết theo hướng văn học xanh dành cho thiếu nhi, kể các em nghe chuyện cây, chuyện con. Về tác phẩm này, nhà văn Trần Quốc Toàn, Phó ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn TP.HCM, nhận xét, mỗi trang sách được trình bày bắt mắt, đẹp như tranh vẽ. Cuối mỗi truyện lại có “góc thảo luận” giúp bạn đọc, cùng nhau đọc truyện luyện văn. Vì thế sách bán chạy, có đơn vị mua tới 500 cuốn để làm quà tặng cho khách hàng thiếu nhi của mình.
Trao đổi với Lê Luynh về sự ra đời của tập sách hấp dẫn này, anh cho biết: “Tôi thật bất ngờ khi nhận sách của mình từ nhà xuất bản. Sự đầu tư kỹ lưỡng về mỹ thuật khiến sách có thêm một tầng giá trị, vì bên kênh chữ là kênh hình cân đối về diện tích, về tầm quan trọng của lượng thông tin. Hình vẽ, màu sắc, cùng với câu chữ kích thích trí tưởng tượng để bạn đọc thời văn minh nghe nhìn, tìm thêm vẻ đẹp của hình tượng văn học. Những đồng thoại giàu tính ngụ ngôn như các truyện tôi viết ở Giọt sương chạy trốn được các tranh vẽ làm mềm đi các triết lý vốn rất dễ cứng nhắc, khô khan. Việc có trang lý lịch nghệ thuật của cả người viết và người vẽ (họa sĩ Phan Thi Nga) in ở cuối sách như là một gợi ý, cho những cuốn văn học thiếu nhi mà nhà văn và họa sĩ là đồng tác giả”.
Còn nói về bài Cây viết và thước kẻ ở 2 cuốn sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Cùng học để phát triển năng lực, nhà văn Lê Luynh chia sẻ: “Tôi muốn các thầy cô dạy theo sách Cùng học để phát triển năng lực thì đọc thêm sách Kết nối tri thức với cuộc sống để có được sự gợi ý rất hay: “Cha mẹ, thầy cô giáo, có thể cho học sinh đóng vai cây viết và thước kẻ để kể lại câu chuyện”. Ngược lại, các thầy cô dạy theo sách Kết nối tri thức với cuộc sống cũng đọc thêm Cùng học để phát triển năng lực để học sinh được trả lời câu hỏi: “Em học được gì ở bút hoặc thước kẻ?” trả lời để biết truyện không có nhân vật tiêu cực, cả thước và bút đều dễ thương!”.
(Còn tiếp)
Vài nét về nhà văn Lê Luynh Nhà văn Lê Luynh là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Đã ấn hành tập thơ Trăng non (NXB Trẻ, 1996), tập truyện Mặt trăng dưới đáy hồ (NXB Đồng Nai, 1997), Giọt sương chạy trốn (NXB Kim Đồng, 2020). |
Lý Ngọc
Tags