Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Thục Linh: 'Các dòng chữ sẽ lớn cùng độc giả'

Thứ Tư, 19/07/2023 19:48 GMT+7

Google News

Từ lâu, Thục Linh đã tạo được dấu ấn bằng những bài thơ trong trẻo, lãng mạn, sâu lắng. Bài thơ Thuyền trưởng và bầy ong của anh vừa được chọn đưa vào sách Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Chân trời sáng tạo. Trong bài thơ, ước mơ thuyền trưởng của cậu bé cũng thấp thoáng bóng dáng tuổi thơ của chính tác giả.

Nhà thơ Thục Linh có cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).

Viết thơ từ cảm thức gần với trẻ con

* "Thuyền trưởng và bầy ong" ra đời trong hoàn cảnh như thế nào, thưa anh?

- Tôi viết bài thơ cho trẻ con ấy khi 20 tuổi.Khi ấy, có lẽ cảm thức của tôi gần với trẻ con hơn bây giờ. Khi ấy tôi nghĩ gì nhỉ? Tôi lớn lên ở một vùng đất 7 phần nông thôn 3 phần thành thị, tôi có thể nằm cả buổi chiều trên đống rơmgiữa ruộng, sau mùa gặt, mà ngắm diều, con diều tôi kỳ công xin giấy, xin hồ dán để làm.

Từ nhỏ tôi đã thích những câu chuyện phiêu lưu như Thuyền trưởng tuổi 15, hoặc Đảo giấu vàng. Sự phối trộn cảm thức ấy cùng sự mong muốn một nỗi bình yên thơ bé của tuổi 20 đã kết hợp lại trong bài thơ nhỏ này chăng? Tôi thật sự không thể giải thích rành mạch hết những điều ấy, mong các bạn nhỏ khi đọc bài thơ, sẽ nói cho tôi biết bài thơ ấy thế nào.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Thục Linh: 'Các dòng chữ sẽ lớn cùng độc giả' - Ảnh 1.

Nhà thơ Thục Linh

* Đọc "Thuyền trưởng và bầy ong" thấy sự hòa mình giữa cảnh sắc thiên nhiên và con người thật đẹp. Anh nghĩ gì khi thực tế đa số trẻ em bây giờ không thể có những cảm nhận đẹp đẽ như vậy?

- Thiên nhiên sẽ biết cách kêu gọi tâm hồn mỗi người, khi đến lúc. Trẻ con thời này có những hiểu biết khác, những quan sát khác với thời đại chúng ta, đòi hỏi ở trẻ con những cảm nhận tuyệt đối giống như ba mẹ là phi lý.

Ở một hướng khác, tôi đã nhìn thấy rất nhiều trẻ em được phụ huynh hướng đến các giá trị đẹp thông qua các phương thức giáo dục gần gũi với thiên nhiên, thậm chí tương tác với tự nhiên, hiểu được vị trí của con người trong mối liên đới với tự nhiên-điều mà trẻ con ở thời chúng ta không biết được, hoặc chỉ mơ hồ biết qua sự nhạy cảm riêng của mỗi tâm hồn.

Tôi vẫn cùng con mình đi những chuyến về thiên nhiên, coi các chương trình phim về tự nhiên. Tôi cũng đã trò chuyện với nhiều trẻ em về tự nhiên, kiến thức của các em, thông qua các phương tiện truyền thông ngày nay, có khi khiến tôi phải khâm phục và học theo. Nếu không tin, bạn thử hỏi một cậu nhóc nào đó về khủng long xem, các tên khoa học của loài do các cậu ấy nói ra có khi khiến bạn phải gãi đầu đấy.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Thục Linh: 'Các dòng chữ sẽ lớn cùng độc giả' - Ảnh 2.

Bài thơ “Thuyền trưởng và bầy ong” trong “Tiếng Việt 4”

* "Chiều loang dần trên cát/ Loang tiếng chim gọi ngày/ Nắng quánh vàng như mật/ Ong về hay còn bay?". Khi đọc những câu thơ này, tự hỏi có thấp thoáng hình ảnh tuổi thơ cậu bé Thuấn (Thục Linh tên trong giấy tờ là Trần Vương Thuấn) của miền gió cát ngày xưa?

- Tuổi thơ tôi đấy! Khi còn bé, tôi không phải là cậu bé lanh lợi gì đâu, còn bị cho là khờ và vụng về, nhưng tôi thường quan sát chi tiết và ghi nhớ. Tôi có trò chơi một mình là ghi nhớ các hình ảnh và tự diễn dịch bằng chữ.

* Tác giả cũng đã khéo léo gửi gắm ước mơ bay xa trong bài thơ này. Ước mơ có tầm quan trọng như thế nào với trẻ nhỏ?

- Ước mơ theo tôi là điều quan trọng nhất mà một đứa trẻ phải tìm thấy, khi bạn 5 tuổi, mỗi ngày bạn có thể thay một mơ ước, nhưng không sao cả, mơ ước vẫn có ở đấy.

Mơ ước không phải là điều mà chúng ta không thể chạm tới, như cách những người lớn chúng ta thường hiểu. Mơ ước không phải là điều mà ông bụt râu trắng hiện ra cho chúng ta. Mơ ước, từ cách nhìn cá nhân, tôi nghĩ là điều sẽ định hình tất cả nỗ lực của đời sống chúng ta vào đó.

Một đứa trẻ không nuôi dưỡng mơ ước sẽ không biết được mình cần điều gì ở đời sống này và mình sẽ làm gì để đời sống sẽ trở nên như mình mong muốn. Không phải phần lớn các phương tiện cuộc sống hiện tại của chúng ta khởi đầu bằng ước mơ của một số cá nhân sao? Khi có mơ ước, ta sẽ có sự tò mò, sự hiếu tri, ta sẽ chập chững đi về phía mơ ước ấy, bước chân nào cũng đáng mừng.

Có chuyện vui rằng, khi 7 tuổi, má có hỏi rằng tôi mơ ước lớn lên làm gì, tôi nói dứt khoát "con muốn đi chăn bò". Má đã đét tôi vì mơ ước tào lao, nhưng sau này nghĩ lại, tôi không hẳn muốn công việc ấy, nhưng tôi thích sự yên bình mà công việc ấy sẵn có.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Thục Linh: 'Các dòng chữ sẽ lớn cùng độc giả' - Ảnh 3.

Tản văn “Những con mắt ký ức” là tập sách mới nhất của Thục Linh

"Sự hiếu tri cần có một bộ lọc tốt để tiếp cận các kiến thức đúng, để đỡ mất thời gian, để không phải lãng phí thời gian đọc, thời gian sửa sai" - Thục Linh.

Văn hóa đọc và công nghệ nên song hành cùng nhau

* Con trai có thường đọc văn thơ của anh không?

- Lần đầu tiên tôi đọc cho con trai nghe bài thơ mình viết, Rơm đã ngẩng đầu lên, vẻ mặt đầy nghi hoặc: "Cái gì, ba biết làm thơ hả. Có thật không đó?". Con trai tôi nghi ngờ cũng đúng, trong hình dung của trẻ con, những người viết hơi xa cách, làm sao một người thân cận và cùng tham gia mọi trò nghịch ngợm với chúng lại có thể là người viết được.

Xem lại bản thảo cuốn sách tôi viết cho trẻ con, rất nhiều năm trước đây, thấy có dòng "Dành cho con, dù ba chưa biết con là trai hay gái, hay thậm chí mẹ con là ai". Giờ tôi đã biết con tôi, biết rất rõ, nên sự có mặt của Rơm chắc chắn là một lực đẩy giúp tôi viết, giúp tôi vượt qua căn bệnh làm biếng trầm kha của mình.

Gặp lại tác giả được đưa vào sách giáo khoa - Nhà thơ Thục Linh: 'Các dòng chữ sẽ lớn cùng độc giả' - Ảnh 5.

*Đọc tác phẩm văn hoặc thơ của Thục Linh viết cho thiếu nhi, có những tác phẩm tôi cảm thấy người lớn thì phù hợp hơn, vì nó đòi hỏi sự cảm nhận sâu và nhạy trong từng câu chữ. Anh thường ưu tiên cho thiếu nhi hay người lớn khi viết?

- Có lẽ đó là nhược điểm của tôi, ngay cả khi ý thức độc giả của mình bé bỏng lắm, tôi vẫn đối thoại với các bạn ấy bằng ngôn ngữ của mình. Ngoài ra, tôi có một "tham vọng", có thể có độc giả nào đó giống như tôi khi còn nhỏ, không hiểu một trang sách và bực mình các dòng chữ, rồi nhiều năm sau đó, sau nhiều biến cố riêng, lần giở đọc lại và "à, ra thế". Các dòng chữ, các trang sách, sẽ lớn cùng độc giả. À, nếu nói như vậy, có lẽ độc giả tôi kỳ vọng hoặc ưu tiên-như bạn nói, là những trẻ con đã lớn, hoặc những người lớn trẻ con!

* Từng là cậu bé ham đọc và hiện giờ vẫn là người ham đọc, thường chia sẻ, thúc đẩy văn hóa đọc và công nghệ đối với học sinh (đặc biệt học sinh khó khăn). Việc đọc và phát triển công nghệ đối với học sinh nông thôn, vùng sâu, vùng xa có ý nghĩa như thế nào?

- Tôi nghĩ văn hóa đọc và công nghệ nên song hành cùng nhau. Những bạn trẻ hiện nay đọc nhiều chứ. Hàng ngày, họ tiếp cận rất nhiều thông tin qua các nền tảng mạng xã hội hoặc truyền thông, trong đó, có cả các tác phẩm văn học được trình hiện dưới nhiều dạng thức như trích dẫn, rút gọn, diễn họa…

Chưa bao giờ mà việc đọc dễ dàng như thế này, chỉ cần một chiếc điện thoại, bạn có thể tiếp cận kho sách vô tận hơn bất cứ thư viện nào, nếu bạn muốn đọc. Điều quan trọng là duy trì sự muốn ấy một cách đúng đắn, tức trang bị khả năng tự đọc, tự học. Sự hiếu tri (tinh thần hiếu học, ham hiểu biết) cần có một bộ lọc tốt để tiếp cận các kiến thức đúng, để đỡ mất thời gian, để không phải lãng phí thời gian đọc, thời gian sửa sai.

Trong tình huống đó, các cuốn sách, trong hình thức khuôn mẫu hơn, không miễn phí, sẽ như bộ lọc đầu tiên cho các bạn muốn đọc. Dù phương tiện có thay đổi ra sao, dù cách truyền tải có thể phong phú hơn, thì chữ viết và sự đọc vẫn là một cách tiếp cận chính với tri thức, cho đến lúc này.

* Cảm ơn anh đã chia sẻ!

"Uống lầm một ánh mắt"


Thục Linh (Trần Vương Thuấn) quê Ninh Thuận, hiện đang làm báo và sinh sống tại TP.HCM. Anh tham gia nhiều hoạt động xã hội, thúc đẩy văn hóa đọc và công nghệ cho học sinh, đặc biệt ở vùng nông thôn khó khăn.

Thục Linh sáng tác từ thời học sinh, sinh viên. Câu thơ tình được bạn đọc nhắc nhiều nhất: "Uống lầm một ánh mắt/ Cơn say theo nửa đời".

Các tác phẩm đã xuất bản: Nếu không có trẻ con (thơ), Rơi từng nấc chậm (truyện), Những con mắt ký ức (tản văn)…

Võ Thu Hương (thực hiện)

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›